UBND tỉnh nghe báo cáo Đề án “Xây dựng và phát triển Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận giai đoạn 2017-2030”

(NTO) Ngày 8-6, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo Đề án “Xây dựng và phát triển Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận giai đoạn 2017-2030”. Tham dự có đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; GS.TS Nguyễn Hay, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh.

Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Lãnh đạo Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại cuộc họp.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh nêu rõ mục tiêu và sự cần thiết phải xây dựng và phát triển Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận (gọi tắt là Phân hiệu Ninh Thuận) giai đoạn 2017-2030, tiến tới thành lập Trường Đại học Ninh Thuận. Theo đó, diện tích dự kiến quy hoạch xây dựng Phân hiệu Ninh Thuận là 60 ha, gồm: Khu trung tâm học tập–nghiên cứu, nhà điều hành, khu văn phòng khoa, ký túc xá, khu thể dục-thể thao… Hiện tại, Phân hiệu Ninh Thuận đã và đang đào tạo 10 ngành trình độ đại học và 5 ngành sau đại học. Giai đoạn 2020–2030, dự kiến mở thêm một số chuyên ngành của 3 lĩnh vực rất cần thiết của đất nước: Năng lượng tái tạo, nông nghiệp vùng khô hạn và văn hóa dân tộc Chăm. Dự kiến đến năm 2020, sau khi sát nhập Trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận, Phân hiệu Ninh Thuận sẽ có quy mô đào tạo khoảng 3.000 sinh viên và đến năm 2030 sẽ thu hút 10.000 sinh viên.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao công tác chuẩn bị đề án của Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Đồng chí yêu cầu nhà trường phối hợp với đơn vị tư vấn và các sở, ngành liên quan khảo sát và điều chỉnh lại vị trí khu đất quy hoạch xây dựng Phân hiệu Ninh Thuận, đảm bảo sự hài hòa với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đồng thời đề nghị nhà trường hoàn chỉnh đề án theo hướng xây dựng Phân hiệu Ninh Thuận trở thành phân hiệu mạnh của khu vực miền Trung và cả nước, tiến tới thành lập Trường Đại học Ninh Thuận. Cần xác định rõ lộ trình thực hiện đến năm 2030, giải pháp đào tạo và sử dụng đội ngũ giảng viên có trình độ của địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển của Phân hiệu Ninh Thuận đến năm 2030 và những năm tiếp theo. Phân hiệu Ninh Thuận cần nghiên cứu mở các mã ngành khác biệt và mang tính đặc thù của tỉnh và khu vực miền Trung mà các trường khác chưa có như năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao ứng phó biến đổi khí hậu, du lịch văn hóa… tạo bước đột phá và thu hút đông đảo sinh viên theo học, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh và khu vực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương.