Chị có con mười hai năm liên tục là học sinh giỏi vừa thi đậu đại học quốc gia hào hứng chia sẻ: Thời nào cũng vậy, muốn con ngoan giỏi thì cha mẹ học sinh phải biết “yêu” thầy, cô giáo dạy dỗ chúng, nhất là giáo viên chủ nhiệm lớp. Ngay từ khi cháu còn học mẫu giáo, hằng tuần mình gặp cô giáo hỏi han tình hình sức khỏe, việc ăn, ngủ, học của cháu để biết cách phối hợp nuôi dạy lúc ở nhà. Ngày Nhà giáo Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam, khai giảng, bế giảng năm học, mình đều có những món quà nho nhỏ tặng cô giáo kèm lời cảm ơn cô đã quan tâm dạy dỗ cháu. Việc đó trở thành thông lệ, sau này cứ gần đến những ngày đó là cháu lại nhắc “mẹ nhớ thăm, tặng quà thầy, cô giáo”. Giờ đã là sinh viên đại học, mỗi lúc có dịp nghỉ học tạt về thăm nhà cháu đều tranh thủ ghé thầy cô đã dạy dỗ mình thuở học trò. Không chỉ cho cháu, bản thân mình nhờ vậy cũng tạo dựng mối quan hệ thân thiện với nhiều thầy, cô giáo và cuộc sống thử hỏi còn gì hạnh phúc hơn khi có thêm nhiều bạn bè!
Nghe chuyện, chị có con đang học trung học cơ sở cho rằng, giống như truyện cổ tích. Thời xưa mẹ ru con bằng câu ca dao: “Muốn sang thì bắc cầu kiều/Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy”, nay muốn con học giỏi phải có tiền. Ví như học ngoại ngữ, cháu học từ hồi còn mẫu giáo được thầy cô dạy ngoại ngữ khen giỏi, có năng khiếu bẩm sinh. Học kỳ một năm rồi, cháu vừa học trên lớp, học thêm thầy giáo dạy giỏi của tỉnh, kỹ năng viết, nghe, nói đều tốt nhưng kết quả thi chỉ đạt khá. Cháu khóc bảo: Tại không học thêm thầy dạy ngoại ngữ của trường… Thôi thì rút kinh nghiệm, “không bổ ngang cũng bổ dọc”, học kỳ hai cho cháu học thêm thầy dạy ở trường. Quả nhiên, kết thúc năm học môn ngoại ngữ cháu thi đạt điểm mười. Và cứ thế, các môn học cơ bản khác cháu chịu khó học thêm thầy cô dạy chính khóa và đều đạt điểm chín, mười. Rồi chị kết luận: Muốn con học giỏi cứ phải “yêu” (học thêm) thầy cô dạy môn đó ở trường.
Chuyện của hai chị bạn, tôi cho rằng đó là thực tế, tùy hoàn cảnh mà cha mẹ học sinh có cách nghĩ và vận dụng. Riêng bạn tôi thì cách giải quyết khác một chút. Phương châm của chị là rèn con có thói quen ham học từ nhỏ. Đến lớp tập trung nghe thầy cô giảng bài, biết nghe lời kính trọng thầy, cô giáo. Việc học thêm của cháu tuyệt đối không học thầy cô trực tiếp giảng dạy ở trường. Kết quả các năm học phổ thông các cháu không phải môn nào cũng giỏi nhưng chị tin ở khả năng học tập của con mình. Vào dịp Ngày Hiến chương nhà giáo, kỷ niệm thành lập trường… chị đều chuẩn bị cho cháu những món quà giá trị vật chất không lớn nhưng ý nghĩa để cháu tặng thầy, cô giáo. Nay chúng trưởng thành, học tập ở nước ngoài nhưng mỗi lần cháu gửi quà cho cha mẹ không quên nhờ chuyển tặng những món quà cho thầy, cô giáo cũ, những người đã dạy dỗ mình nên người.
“Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” là truyền thống đạo lý tốt đẹp của dân tộc đối với người thầy dạy học. Nhưng yêu như thế nào cho đúng rất cần cha mẹ học sinh cùng thầy cô giải quyết thấu đáo mối quan hệ giữa dạy và học, để xã hội ngày càng có nhiều trò ngoan, giỏi và nhà giáo mãi mãi là biểu tượng xã hội tôn trọng.
Thanh Tâm