Nhận định về đề thi minh họa môn Ngữ văn của Bộ Giá dục và Đào tạo (GD&ĐT) công bố ngày 14-5 vừa qua, Thạc sỹ Trần Thị Phúc Hòa, Tổ trưởng chuyên môn Tổ Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) chia sẻ: Theo đề thi minh họa môn Ngữ văn mà Bộ GD&ĐT đã công bố, dễ thấy đề thi lần này yêu cầu cao hơn về độ khó, đi sâu vào từng câu. Vì vậy, cần định hướng đúng cách học và ôn thi để đạt kết quả cao. Cụ thể, thời gian làm bài thi môn Ngữ văn năm nay giảm từ 180 phút còn 120 phút nên dung lượng kiến thức rút gọn. Cấu trúc đề thi tương tự năm trước, bao gồm 2 phần: Đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm). Đề thi rút ngắn từ 10 câu hỏi còn 6 câu hỏi và bài thi tự luận. Nội dung các câu hỏi mang tính bao quát còn bài thi tự luận mang tính chuyên sâu. Mọi năm, phần đọc hiểu gồm 2 ngữ liệu thơ và văn thì năm nay chỉ còn 1 ngữ liệu: thơ hoặc văn. Câu nghị luận xã hội thay vì độ dài 600 chữ như mọi năm sẽ được rút ngắn thành một đoạn văn khoảng 200 chữ. Để phân bổ thời gian hợp lý, trước khi làm bài, HS nên đọc một lượt đề thi để xác định số điểm và thời gian tương ứng. Trong đề thi, câu nghị luận văn học chiếm 50% số điểm, đòi hỏi HS phải có tư duy lôgic, sáng tạo nhằm đánh giá năng lực và phân hóa HS nên độ khó cao hơn. Vì vậy, HS nên đầu tư dành thời gian nhiều hơn so với phần đọc hiểu và nghị luận xã hội.
Giờ ôn tập môn Ngữ văn của học sinh lớp 12 Trường phổ thông iSchool.
Chia sẻ “bí quyết” giúp HS học và làm tốt bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2017, cô giáo Trần Thị Phúc Hòa, cho rằng: Để làm tốt bài thi môn Ngữ văn, ngoài những kiến thức từ sách giáo khoa, HS có thể lồng ghép, liên hệ những dẫn chứng phong phú từ thực tiễn, tăng sức thuyết phục cho bài viết. Mặt khác, đề thi có thể sẽ trích dẫn một câu chuyện, một bài báo bàn về hiện tượng tốt hoặc xấu… đang diễn ra ngoài xã hội yêu cầu nghị luận. Vậy nên, ngoài việc tập trung vào tài liệu ôn tập, sách giáo khoa, HS không nên bỏ qua những thông tin về đời sống, xã hội thông qua tivi, báo, đài. Việc này không chỉ giúp HS không rơi vào tình trạng “mù thông tin”, mà còn là một cách để giải trí sau những giờ học căng thẳng, tích lũy kiến thức làm bài hay và sâu sắc hơn. Trong khâu trình bày bài thi môn Ngữ văn, HS cần chú ý hệ thống luận điểm, luận cứ, lập luận và dẫn chứng linh hoạt, cụ thể. Ở bài làm văn, mỗi đoạn văn thường có luận điểm chính được triển khai thành nhiều luận cứ nhỏ để làm sáng tỏ các ý. Để tránh thiếu sót các luận điểm, luận cứ trước khi làm bài HS nên dành 5-10 phút lập dàn ý.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố 3 đề thi minh họa môn Ngữ văn, cô giáo Phúc Hòa đánh giá: Đề thi năm nay chú trọng yêu cầu tìm hiểu thông tin và trình bày quan điểm của thí sinh. Vì vậy, để tự tin hoàn thành tốt bài thi Ngữ văn, HS nên học có trọng tâm, trọng điểm, nên học theo ý, tránh học thuộc lòng; nên hệ thống kiến thức và kỹ năng cần thiết theo dạng sơ đồ tư duy, sử dụng các “từ khóa” một cách ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu nhất. Trong quá trình học, chúng tôi luôn khuyến khích HS liên hệ giữa kiến thức Ngữ văn với thực tế đời sống, kiến thức sẽ trở nên sinh động, gần gũi và hấp dẫn hơn. Hệ thống ý của mỗi bài, mỗi vấn đề càng rành mạch, sắp xếp càng hệ thống và nổi bật thì càng dễ nhớ”.
Hy vọng rằng với sự chia sẻ, tư vấn về phương pháp, kinh nghiệm làm bài của thầy cô giáo cùng nỗ lực của HS giúp các em đủ tự tin hoàn thành tốt bài thi môn Ngữ văn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 sắp tới.
Mỹ Dung