Thầy trò Trường THPT Phú Điền trong giờ học trước kỳ thi THPT quốc gia 2017
Xây dựng kế hoạch ôn thi
Kinh nghiệm của thầy Nguyễn Thanh Nhân, sau khi có kế hoạch ôn thi THPT quốc gia của trường, tổ chuyên môn đã tiến hành xây dựng kế hoạch của tổ.
Giáo viên căn cứ vào kế hoạch chung và căn cứ vào tình hình học tập của lớp mình giảng dạy tiến hành xây dựng kế hoạch ôn thi cho lớp; họp tổ thông qua kế hoạch ôn tập của mỗi giáo viên.
Lưu ý, trong giai đoạn ôn tập, giáo viên phải báo cáo tiến trình ôn tập, tình hình học sinh học tập, qua đó tổ góp ý trao đổi, có thể điều chỉnh kế hoạch.
"Bản thân tôi là tổ trưởng tổ chuyên môn đã phối hợp cùng giáo viên chủ nhiệm thực hiện 2 yêu cầu. Thứ nhất, đối với học sinh, dựa vào kế hoạch của giáo viên bộ môn, thời khóa biểu ôn thi của trường, tiến hành xây dựng kế hoạch ôn tập theo mẫu.
Với phụ huynh, đề nghị phối hợp kiểm tra, nhắc nhở việc ôn tập của học sinh, phối hợp với giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm quản lí chặt chẽ, xử lí việc vi phạm của học sinh; cung cấp số điện thoại liên lạc cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn..." - thầy Nhân chia sẻ thêm.
Thống nhất kỹ năng ôn thi phần đọc - hiểu
Thầy Nguyễn Thanh Nhân cho biết: Nhằm khắc phục tình trạng học sinh mất điểm phần đọc - hiểu, Tổ đã thống nhất, trao đổi thảo luận về công tác ôn thi phần đọc - hiểu với các bước như sau:
Bước 1, ôn lại kỹ năng đọc hiểu với các dạng:
Dạng trả lời nhanh (phương thức biểu đạt, thao tác lập luận…), hướng dẫn học sinh phân biệt phương thức biểu đạt tự sự với nghị luận; miêu tả và biểu cảm...; trả bài lí thuyết.
Dạng câu hỏi xác định nội dung chính: Xác định đối tượng được đề cập; văn bản đang làm rõ khía cạnh, đặc điểm... nào của đối tượng. Lưu ý, cần liệt kê ít nhất 2 nội dung (nội dung trọng tâm và nội dung tác giả gửi gắm).
Dạng câu hỏi trình bày thông điệp, ý nghĩa: Nêu bài học, kinh nghiệm của tác giả nhắn gửi cho người đọc; đánh giá giá trị của bài học, kinh nghiệm được rút ra đối với mọi người và đối với bản thân.
Dạng câu hỏi giải thích vì sao, Thái độ của tác giả?: Tìm nguyên nhân để lý giải vì sao? (có trong văn bản hoặc nghĩa hàm ẩn của hình ảnh có trong văn bản); chỉ ra tư tưởng, quan điểm, thái độ của tác giả…
Cần hướng dẫn học sinh, những từ ngữ liên quan đến thái độ như tích cực (yêu quý, kính trọng, tôn trọng, tự hào, ca ngợi..); tiêu cực (lên án, phê phán, không đồng tình, chê trách...).
Bước 2, thực hành: Ở bước này, giáo viên cho học sinh làm bài tập thực hành bằng nhiều hình thức như phát giấy có đề sẵn (1 hoặc 2 đề), sử dụng máy chiếu, bảng phụ, phiếu học tập… Cần cung cấp hệ thống câu hỏi đọc hiểu từ bao quát đến cụ thể (những câu hỏi sẽ ra và thường ra) để dạy học có trọng tâm.
Bước 3, trao đổi - thảo luận: Giáo viên tổ chức cho học sinh nhận xét bài làm của bạn.
"Bước này, giáo viên cần tránh việc áp đặt kiến thức một chiều. Chúng tôi thường cho học sinh nhận xét bài lẫn nhau, kèm theo câu hỏi: Tại sao đúng? Tại sao sai? Từ đó, giúp các em khắc sâu tri thức" - Thầy Nguyễn Thành Nhân lưu ý.
Bước 4, nhận xét bài tập: Giáo viên tổng kết, nhận xét kết quả thực hiện (nội dung bài làm (%), tinh thần hợp tác… ); giao bài tập về nhà (chú ý có kiểm tra, chấm bài tập về nhà, sửa bài vào các tiết cùng chủ đề và ghi nhận bằng điểm số).
Ngoài các bước trên, trong quá trình ôn tập, giáo viên cần nhắc lại các kỹ năng đọc đề và phân tích đề, kỹ năng làm bài.
Kỹ năng ôn thi phần nghị luận xã hội
Thầy Nguyễn Thành Nhân chia sẻ: Những năm gần đây, cấu trúc đề thi nghị luận xã hội có nhiều lần thay đổi, có khi viết đoạn, có khi viết thành bài văn, có khi là phần liên hệ trong tác phẩm văn học... Vì thế, chúng tôi luôn quan tâm và rèn luyện cho học sinh cả 2 dạng như trên từ đầu năm học.
Cách viết đoạn văn thực hiện như sau:
Bước 1: Ôn lí thuyết về đoạn văn và cách viết (10 phút). Giáo viên nêu kỹ năng viết đoạn văn nghị luận xã hội khoảng 200 từ (từ 20 - 30 dòng), cụ thể:
Viết câu giới thiệu vấn đề (khái quát trọng tâm đoạn văn (1- 2 dòng); viết các câu giải thích làm rõ đối tượng (2 - 4 dòng); viết câu bình luận, chứng minh làm rõ đối tượng (8-10 dòng: Bình luận các biểu hiện của vấn đề qua diễn biến thực tế cuộc sống; bình luận khía cạnh đúng, sai, tích cực, tiêu cực, tiến bộ của đối tượng; chứng minh bằng một tấm gương, một sự việc); viết câu bàn luận (2 - 4 dòng); viết câu liên hệ nhận thức và hành động của bản thân (2 - 4 dòng: Dùng quan hệ từ, quán ngữ… để chuyển ý, liên kết câu).
Bước 2: Ra đề cho học sinh thực hành. Bước này, giáo viên yêu cầu học sinh đọc kỹ đề, dùng viết gạch chân những từ then chốt. Từ những từ, cụm từ đã gạch chân, yêu cầu học sinh suy nghĩ xem nói về vấn đề gì sau đó giải thích vấn đề.
"Đây được xem là bước quan trọng nhất, vì nếu giải thích ý nghĩa sai xem như sai toàn bộ. Do đó, tôi thường cho học sinh nhiều đề đề các em thực hành bước này" - thầy Nhân cho hay.
Các bước tiếp theo gồm: Lập dàn ý; viết đoạn văn hoàn chỉnh; 1-2 học sinh đọc đoạn văn của mình cho cả lớp nghe (hoặc giáo viên đọc); nhận xét- rút kinh nghiệm.
Lưu ý: Đôi khi giáo viên nên thay đổi phương pháp như: phát phiếu học tập ghi sẵn đoạn văn hoàn chỉnh, sau đó yêu cầu học sinh chỉ ra câu chủ đề, những câu nào là phần giải thích, phân tích, chứng minh, học sinh lên bảng viết đoạn văn…
Trong quá trình ôn tập, giáo viên sử dụng máy chiếu cho học sinh xem đoạn văn hay, hoàn chỉnh xem tin tức thời sự nón vốn sống, kỹ năng để học sinh có nguồn đưa vào bài viết.
Bên cạnh đó, thường xuyên ra đề về nhà cho học sinh rèn kỹ năng viết đoạn (cần chấm và chỉnh sửa nghiêm túc); lưu ý cách viết sáng tạo để rèn cho học sinh giỏi văn; rèn viết câu sáng rõ, viết chữ đúng quy tắc chính tả.
Kỹ năng ôn tập phần nghị luận văn học
Kinh nghiệm của thầy Nguyễn Thanh Nhân khi triển khai ôn tập phần này là phân công mỗi giáo viên soạn các chuyên đề, thảo luận và thống nhất kỹ năng làm bài của các dạng đề: So sánh, bình luận ý kiến, nhận định, đoạn thơ, nhân vật, vẻ đẹp một tác phẩm…
Cách làm này nhằm khắc phục tình trạng chất lượng giảng dạy không đồng đều, hay trong cùng một tổ mỗi giáo viên triển khai kỹ năng làm bài khác nhau, dẫn đến học sinh hay mất điểm khi thiếu ý.
Thầy Nhân lấy ví dụ với dạng bài so sánh, kỹ năng làm bài được thống nhất như sau:
Mở bài: Giới thiệu khái quát về các đối tượng so sánh; trích dẫn nội dung cần so sánh (2 lời nhận định, 2 đoạn văn-thơ…)
Thân bài, triển khai các luận điểm:
Luận điểm 1, phân tích đối tượng so sánh thứ 1 (đoạn 1): Khái quát (giới thiệu chung về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, vị trí của đoạn thơ); phân tích nội dung; phân tích nghệ thuật.
Câu chuyển sang luận điểm 2: Dùng cụm từ chuyển như: nếu như, bên cạnh đó, nếu…thì, hơn thế nữa…)
Luận điểm 2: Phân tích đối tượng so sánh thứ 2 (thực hiện tương tự như luận điểm 1)
Câu chuyển sang luận điểm 3: Dùng cụm từ chuyển (cùng viết về đề tài, cảm hứng, hình tượng…. nhưng….)
Luận điểm 3: So sánh nét tương đồng giữa hai đối tượng trên cả các bình diện như thể thơ, hình ảnh, biện pháp tu từ, phong cách. Câu chuyển (tuy….nhưng; bên cạnh nét tương đồng… mặc dù cùng viết về đề tài…). Sự khác biệt giữa hai đối tượng trên cả các bình diện như thể thơ, hình ảnh, biện pháp tu từ, phong cách...
Luận điểm 4, lý giải sự khác biệt: Dựa vào bối cảnh xã hội, văn hóa, phong cách nhà văn, đặc trưng thi pháp của thời kì văn học để lí giải về sự khác biệt.
Luận điểm 5: Khái quát, đánh giá từ đó rút ra bài học (đây chính là phần nâng cao mở rộng vấn đề)
Kết bài: Khái quát những nét giống nhau và khác nhau tiêu biểu; có thể nêu những cảm nghĩ của bản thân...
Dựa vào kỹ năng chung đó, mỗi giáo viên vận dụng để ôn cho lớp mình cũng tiến hành ôn trên lớp theo các bước sau:
Bước 1: Ôn kiến thức cơ bản. Theo đó, với phần tìm hiểu chung, học sinh phải nắm được hoàn cảnh xã hội, đặc điểm phong cách sáng tác của tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm.
Đối với phần đọc hiểu văn bản, học sinh cần nắm được nội dung trọng tâm của tác phẩm (nếu là thơ thì ý chính của khổ thơ; văn xuôi là những ý chính liên quan đến 1 hình tượng nào đó,….), giá trị của tác phẩm.
Bước 2: Ra đề và hướng dẫn cho học sinh tìm hiểu đề. Bước này, học sinh đọc kỹ đề, dùng viết gạch chân những từ then chốt; xác định yêu cầu đề.
Bước 3, lập dàn ý, cụ thể: Khái quát…; giải thích ý kiến, vấn đề khái niệm đặt ra ở đề bài (nếu có); phân tích - cảm nhận; đánh giá lại giá trị nội dung, nghệ thuật của vấn đề hay ý kiến nêu ở đề bài.
Bước 4: Học sinh viết đoạn văn hoàn chỉnh theo luận điểm mà giáo viên yêu cầu.
Bước 5: Học sinh trình bày đoạn văn mẫu của cá nhân hoặc của nhóm (do giáo viên yêu cầu)
Bước 6: Nhận xét - rút kinh nghiệm.
Thực hiện mô hình 3 chung
Bên cạnh việc sử dụng chung đề cương ôn tập, thầy Nguyễn Thanh Nhân cho rằng, khâu kiểm tra tập trung, chấm bài tập trung đóng vai trò quan trọng.
Cụ thể, được sự cho phép của lãnh đạo trường, Tổ đã tiến hành thực hiện các đợt kiểm tra tập trung: Kiểm tra chuyên đề đọc hiểu (tuần 1,3,5); kiểm tra chuyên đề nghị luận xã hội (tuần 2,4,6); hai bài viết tập trung (thi diễn tập của Sở và của trường thời gian 120 phút; tiến hành chấm tập trung thống kê kết quả (nếu Sở, trường không thi diễn tập, tổ cũng tiến hành kiểm tra tập trung ít nhất 1 đợt, có báo cáo chuyên môn để xin ý).
Khi chấm, nghiên cứu, thảo luận hướng dẫn chấm; thống nhất cách cho điểm; bám sát hướng dẫn chấm (yêu cầu hướng dẫn phải chi tiết).
Yêu cầu cụ thể tất cả các bài kiểm tra đều phải có lời phê. Nội dung lời phê nên có 2 nội dung: Chỉ rõ ưu điểm, tồn tại, cách khắc phục; lời động viên, định hướng sửa chữa, phấn đấu.
"Chúng tôi phối hợp với Đoàn trường, qua chương trình “Phát thanh học đường” đọc những bài văn hay, những tin tức sự kiện nóng có liên quan. Theo đó, giáo viên bộ môn chọn những bài viết hay của học sinh (có chỉnh sửa), gửi bài cho ban biên tập và thông báo cho học sinh biết thời gian phát thanh để các em theo dõi.Giáo viên chủ nhiệm khen thưởng cho những học sinh có bài viết hoặc có bài sưu tầm những tin tức sự kiện nóng … được đăng tin.
Danh sách học sinh được khen thưởng do giáo viên bộ môn chọn" - Thầy Nguyễn Thanh Nhân
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại