Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không ít học sinh lớp 12 chưa nắm chắc kiến thức cơ bản môn Ngữ văn ở từng bài học, trong đó có kiến thức về truyện hiện đại Việt Nam.
Từ kinh nghiệm ôn thi cho học sinh nhiều năm, thầy Trần Xuân Trà - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trường Thúy (Nam Định) - chia sẻ những yêu cầu cơ bản với người học khi muốn học tốt phần này, từ đó, chuẩn bị hiệu quả cho kỳ thi THPT quốc gia sắp tới.
Nắm chắc kiến thức về đặc trưng thể loại
Bên cạnh việc hệ thống các tác phẩm truyện Việt Nam sau 1945 và các kiểu dạng câu hỏi thường gặp, thầy Trần Xuân Trà cho rằng, giáo viên cần giúp học sinh nắm chắc kiến thức về đặc trưng thể loại.
Bởi mỗi thể loại văn học đều có những cách thức phản ánh hiện thực riêng do đặc trưng thể loại quy định. Nó góp phần định hướng cách tiếp cận tác phẩm của người đọc và là kiến thức “nền” hết sức quan trọng trong quá trình đọc - hiểu văn bản, để “giải mã” các kiểu dạng câu hỏi về truyện Việt Nam sau1945.
Để giúp học sinh nắm chắc kiến thức về đặc trưng thể loại, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tìm đọc các tài liệu: “Thuật ngữ văn học”; “Ngữ văn 12 - Những vấn đề thể loại và lịch sử văn học”… Trên cở sở đó, giáo viên khắc sâu cho học sinh những đặc trưng cơ bản sau:
Về dung lượng: truyện ngắn thường phải… ngắn, có dung lượng vừa và nhỏ (thường không quá 50 trang).
Về cách thức phản ánh hiện thực: truyện ngắn không bao quát không gian rộng, thời gian dài, cũng không phản ánh toàn bộ cuộc đời nhân vật mà chỉ tập trung tái hiện một “lát cắt” của cuộc sống, một khoảnh khắc trong cuộc đời con người, nhưng vẫn thể hiện rõ nhất, sinh động nhất bản chất của hiện thực, tính cách và số phận con người.
Về hình thức thể hiện: truyện ngắn thường cô đúc, chặt chẽ, xây dựng những tình huống độc đáo, lựa chọn những chi tiết đặc sắc, có ý nghĩa tiêu biểu, ngôn từ được gọt giũa, trau chuốt…
Biết cách đọc - hiểu các tác phẩm văn học theo đặc trưng thể loại
Theo thầy Trần Xuân Trà, tác phẩm văn học là một chỉnh thể nghệ thuật thống nhất toàn vẹn, bao giờ cũng được nảy sinh trong một hoàn cảnh lịch sử xã hội nhất định.
Nó vừa là một sản phẩm tinh thần mang đậm dấu ấn chủ quan của người nghệ sĩ, vừa chịu sự chi phối bởi hoàn cảnh lịch sử xã hội nhất định.
Bởi vậy, trước khi tiếp cận các văn bản nghệ thuật này, học sinh phải nắm chắc hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, cũng như ngọn nguồn cảm hứng sáng tạo của người nghệ sỹ. Bởi đó là những yếu tố hết sức quan trọng chi phối toàn bộ thế giới hình tượng của tác phẩm.
Tuy nhiên, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm, cũng như ngọn nguồn cảm hứng sáng tạo của người nghệ sỹ chỉ là những yếu tố ngoài văn bản.
Đọc - hiểu tác phẩm văn học là phải đọc - hiểu bằng cả tâm hồn của người đọc, vừa lắng nghe được âm hưởng, giọng điệu tác phẩm và tiếng nói bên trong của tác giả, vừa hiểu được giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật được tỏa ra từ thế giới hình tượng của tác phẩm.
Để đạt được yêu cầu quan yếu này, thầy Trần Xuân Trà lưu ý, học sinh phải trải qua các cấp độ tiếp nhận cơ bản sau:
Đọc đi, đọc lại tác phẩm nhiều lần. Đặc biệt, phải biết tóm tắt tác phẩm và thuộc những câu văn, đoạn văn quan trọng góp phần làm nổi bật chủ đề tư tưởng và những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm, làm cứ liệu phân tích, bình giảng, bình luận sau này. Thực tế cho thấy, không ít học sinh học văn và luyện thi môn Ngữ văn chưa vượt qua “hàng rào” thứ nhất hết sức sơ giản này.
Thâm nhập vào thế giới hình tượng, cảm nhận được cái hay, cái đặc sắc trong cách kết cấu, tạo tình huống, lựa chọn chi tiết xây dựng hình tượng nhân vật, cách sử dụng ngôn ngữ, giọng điệu, điểm nhìn trần thuật … của nhà văn.
Trên cơ sở đó, học sinh phải hiểu rõ cảm hứng chủ đạo, tư tưởng bao trùm và những đặc sắc nghệ thuật riêng của tác phẩm. Có như vậy các em mới chủ động, tích cực vận dụng những hiểu biết của mình giải quyết thấu đáo những yêu cầu được đặt ra trong các đề nghị luận văn học cụ thể.
Tích lũy và bổ sung những kiến thức bổ trợ
Học văn không chỉ để hiểu cái hay, cái đẹp của văn chương nghệ thuật, bồi đắp tâm hồn người đọc mà còn để “làm văn”, làm các bài nghị luận văn học và nghị luận xã hội.
Nhấn mạnh điều này, thầy Trần Xuân Trà lưu ý, bên cạnh việc tích cực đọc - hiểu văn bản, làm giàu có thêm vốn văn học cho bản thân, hiểu được giá trị của những tác phẩm văn học cụ thể, học sinh còn phải không ngừng tích lũy và bổ sung những kiến thức bổ trợ khác.
Có nhiều kiến thức bổ trợ giúp học sinh làm tốt các bài nghị luận văn học, như: kiến thức văn học sử, kiến thức về lý luận văn học, Tiếng Việt, Tập làm văn, Lịch sử, Địa lý...
Những kiến thức ấy không phải một sớm, một chiều có được mà là kết quả của cả một quá trình tích lũy, bổ sung không ngừng của người học qua nhiều “kênh” khác nhau, nếu thiếu nó học sinh khó có thể làm được một bài văn thực sự có chất lượng, có sức thuyết phục người đọc.
Tích cực rèn luyện, sử dụng thành thạo các thao tác, kỹ năng cơ bản
Dẫn câu nói của người xưa “Văn ôn, võ luyện”, thầy Trần Xuân Trà cho biết, nếu học sinh không tích cực rèn luyện và sử dụng thành thạo các thao tác, các kỹ năng cơ bản thì không thể làm tốt các bài văn nghị luận văn học và nghị luận xã hội. Đó là những kỹ năng cơ bản sau:
Phân tích đề, xác định rõ yêu cầu của đề bài theo các phương diện: vấn đề trọng tâm cần bàn luận (nội dung); thao tác lập luận chính cần sử dụng; phạm vi tư liệu cần huy động.
Xác định luận điểm, luận cứ, lập luận: Xác định luận điểm, luận cứ là xác định các ý lớn, ý nhỏ cần trình bày trong bài viết, đồng thời phải xác định trong số các ý ấy, ý nào là ý chính cần nhấn mạnh, khắc sâu, ý nào là ý phụ chỉ phân tích lướt qua.
Xác định phương pháp lập luận là định hướng và lựa chọn phương thức lập luận nào cho phù hợp với yêu cầu đề bài (như ở phần phân tích đề).
Mở bài, kết bài trong bài văn nghị luận: Mở bài trong bài văn nghị luận vẫn được xem là lời chào nhã nhặn của người viết với người đọc. Bởi vậy, phần mở bài sao cho phải ngắn gọn và tạo ấn tượng ban đầu cho người đọc.
Có nhiều cách mở bài khác nhau, như mở bài trực tiếp, mở bài gián tiếp, mở bài theo lối tương liên, lối so sánh... Tùy thuộc vào từng đối tượng học sinh, từng đề bài cụ thể mà giáo viên có thể hướng dẫn học sinh những cách mở bài khác nhau.
Kết bài được coi như phần “vĩ thanh” của bài viết, sao cho vừa khái quát được những ý đã trình bày ở thân bài, vừa tạo dư ba ở người đọc bởi những nhận xét, đánh giá khái quát, đích đáng được rút ra từ quá trình phân tích, chứng minh, bình luận trước đó.
"Thực tế cho thấy không ít học sinh có khả năng phát hiện vấn đề rất nhanh, nhưng không có khả năng diễn đạt, thường mắc các lỗi về dùng từ, đặt câu, viết đoạn văn nghị luận, bài văn nghị luận.
Trên cơ sở khảo sát trực tiếp các lỗi thường gặp của học sinh, giáo viên giúp đỡ, hướng dẫn các em sửa chữa và rèn luyện cách diễn đạt sao cho đảm bảo đúng nguyên tắc sử dụng tiếng Việt góp phần nâng cao chất lượng bài làm.
Bên cạnh đó, Trong thực tế, nhiều học sinh thường không có thói quen kiểm tra lại bài làm. Bởi vậy, người dạy phải giúp các em hình thành thói quen đọc và kiểm tra lại bài viết, sửa các lỗi về diễn đạt và bổ sung những thiếu sót (nếu có), góp phần hoàn chỉnh bài viết và nâng cao chất lượng bài làm" - Thầy Trần Xuân Trà chia sẻ.
Nguồn Báo Giáo dục & Thời đại