Tái hiện hình ảnh Lễ hội Gióng tại xã Phù Đổng (Gia Lâm, Hà Nội) nhân dịp đón bằng của Unesco.
Sáng 22-1, UBND thành phố Hà Nội phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cùng chính quyền và nhân dân hai huyện Gia Lâm, Sóc Sơn tổ chức trang trọng lễ đón bằng UNESCO công nhận Hội Gióng ở đền Phù Ðổng và đền Sóc (Hà Nội) là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Buổi lễ diễn ra tại khu vực đền Phù Ðổng, xã Phù Ðổng, huyện Gia Lâm với sự tham dự của lãnh đạo TP Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao và Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội cùng đông đảo nhân dân các huyện: Gia Lâm, Sóc Sơn, Ðông Anh, Từ Liêm, Thường Tín và quận Long Biên. Buổi lễ do Công ty cổ phần Hợp tác đầu tư và Phát triển doanh nghiệp - Vùng (REDIC) hỗ trợ công tác hậu cần và tài trợ.
Trong diễn văn khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã giới thiệu và nhấn mạnh về những giá trị độc đáo của Hội Gióng ở đền Phù Ðổng và đền Sóc, trong đó khẳng định: Hội Gióng ở đền Phù Ðổng và đền Sóc trở thành Di sản văn hóa của nhân loại trong số 213 di sản văn hóa phi vật thể của thế giới là một vinh dự lớn đối với nhân dân Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhất là trong dịp thành phố kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Vinh dự này trước hết thuộc về các thế hệ tiền nhân đã sáng tạo, dựng xây để lại cho thế hệ hôm nay những di sản vô giá; thuộc về cộng đồng những người dân ở các làng quê huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, Ðông Anh, Từ Liêm, Thường Tín và quận Long Biên hàng trăm năm qua đã trân trọng gìn giữ, bảo tồn các di tích, truyền thuyết, tín ngưỡng, lễ hội phụng thờ Thánh Gióng. Ðây là một trong những lễ hội lớn nhất của nước ta, có từ lâu đời và tích hợp nhiều lớp văn hóa, đa dạng các hình thức diễn xướng dân gian, huy động đông sự tham gia của các tầng lớp nhân dân trong một không gian khá rộng. Lễ hội không những phản ánh cuộc chiến đấu chống ngoại xâm hào hùng của dân tộc mà còn cho thấy khát vọng hòa bình, lòng hiếu hòa của nhân dân Việt Nam. Hội Gióng ở đền Phù Ðổng và đền Sóc đã được Tổ chức Giáo dục văn hóa khoa học của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 16-11-2010, là di sản thứ ba được công nhận của Hà Nội trong năm vừa qua sau di tích Hoàng thành Thăng Long, Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu.
Phát biểu ý kiến trước khi trao bằng công nhận ghi danh Hội Gióng là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại cho đại diện lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bà Ca-tơ-rin Mu-lơ Ma-rin, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội đã chúc mừng và chia sẻ niềm vui với chính quyền và nhân dân thành phố, đồng thời nêu bật những đánh giá của UNESCO về Hội Gióng: Lễ hội này đã ăn sâu trong đời sống của các cộng đồng dân cư vùng châu thổ sông Hồng như một phần bản sắc, được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo nên một dòng chảy liên tục. Việc ghi danh Hội Gióng vào danh sách Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ góp phần thúc đẩy tính sáng tạo của con người và thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa, góp phần quảng bá di sản văn hóa phi vật thể nói chung.
Cũng nhân dịp này, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ đã chính thức công bố Chương trình hành động Quốc gia bảo tồn và phát huy giá trị của di sản Hội Gióng giai đoạn 2011-2015, bao gồm các nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong thời gian tới: Hoàn thiện kết quả kiểm kê khoa học của Hội Gióng và cập nhật hằng năm; xây dựng chính sách ưu đãi với những người thực hành lễ hội Thánh Gióng ở các huyện Sóc Sơn, Từ Liêm, Gia Lâm, Ðông Anh, Thường Tín và quận Long Biên; sưu tập phân loại, dịch ra chữ Quốc ngữ các văn bia, thần tích, sắc phong liên quan tới Thánh Gióng. Cũng theo chương trình này, Nhà nước sẽ hỗ trợ tạo điều kiện cho Ban quản lý di tích đền Phù Ðổng, Trung tâm du lịch di tích đền Sóc và cộng đồng các địa phương tổ chức Hội Gióng như tập quán lâu nay, ngăn ngừa xu hướng thương mại hóa và sân khấu hóa lễ hội; hỗ trợ cộng đồng, từng bước phục hồi đầy đủ Hội Gióng ở Hà Nội; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở đền Phù Ðổng, đền Sóc và các di tích liên quan đến Thánh Gióng ở các làng xã trên địa bàn Thủ đô; hỗ trợ cộng đồng tổ chức các nghi lễ, trò diễn của Hội Gióng; đưa công nghệ thông tin phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản; cải tiến nâng cao chất lượng giảng dạy về truyền thuyết Thánh Gióng và Hội Gióng trong các trường phổ thông và đại học; mở chuyên mục về Hội Gióng trên Ðài Truyền hình Hà Nội từ tháng giêng đến tháng tư âm lịch hằng năm; hỗ trợ xây dựng trang thông tin điện tử về Hội Gióng để phát triển du lịch bền vững.
Sau các nghi thức đón nhận, buổi lễ tiếp tục với phần trích diễn các trích đoạn lễ hội Gióng của nhân dân khu vực đền Sóc, huyện Sóc Sơn và đền Phù Ðổng, xã Phù Ðổng, huyện Gia Lâm. Mở đầu là diễn xướng kéo chữ 'Thiên Hạ Thái Bình' của ba làng Phù Lỗ, Phù Xá, Xuân Nộn của huyện Sóc Sơn. Tiếp theo là các màn rước ngự, hát múa Ải Lao, múa cờ - đánh trận và màn hội cướp chiếu, rước hoa tre của hơn 500 diễn viên quần chúng của các làng trong xã Phù Ðổng tạo không khí lễ hội đầy hứng khởi và sôi động. Hội Gióng được tổ chức ở nhiều địa điểm thuộc địa bàn Hà Nội mà trọng tâm là Hội Gióng đền Sóc (nơi Thánh Gióng bay về trời) diễn ra từ ngày 6 đến 8-1 âm lịch, với các nghi lễ: rước hương hoa oản phẩm, giò hoa tre, voi chiến, cầu húc... và Hội Gióng đền Phù Ðổng (nơi Thánh Gióng sinh ra) tổ chức vào ngày 8 và 9-4 âm lịch với các đoàn rước, diễn xướng dân gian và hội đánh trận giả đặc sắc trên các bãi đồng chung quanh khu vực đền.
(Nguồn Báo Nhân Dân)