Chỉ số nội dung “Trách nhiệm giải trình với người dân” nhằm đo lường mức độ tương tác giữa chính quyền với người dân và hiệu quả hoạt động trên thực tế của các thiết chế thực hiện dân chủ cơ sở, gồm Ban Thanh tra Nhân dân (TTND) và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCĐ). Những cơ chế đối thoại giữa chính quyền và người dân, và thiết chế để người dân thực hiện vai trò giám sát hiệu quả thực thi chức năng quản lý nhà nước của chính quyền cấp cơ sở đóng vai trò thúc đẩy thực hiện quyền “dân bàn” và “dân kiểm tra”. Theo đó, qua kết quả khảo sát và phân tích về nội dung nói trên cho thấy trong năm qua đã có sụt giảm về điểm số (giảm 0.48 điểm) tuy nhiên về thứ hạng đã có cải thiện (tăng 10 bậc so với năm 2015). Điều rất đáng ghi nhận là trong năm 2016 xét về “mức độ và hiệu quả trong tiếp xúc với chính quyền” đã được người dân đánh giá cao hơn. Qua phân tích nội dung thành phần này cho thấy sự tương tác của cán bộ, công chức ở các cấp chính quyền địa phương với người dân đã có nhiều chuyển biến. Khi có bức xúc, khuất mắc liên quan tới gia đình, hàng xóm và chính quyền địa phương, người dân có thể tiếp xúc không thường xuyên với trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố, hoặc thường xuyên thông qua các cuộc gặp định kỳ với cán bộ, công chức từ chính quyền cấp tỉnh đến cấp xã, hoặc các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND. So với năm 2015, điểm số nội dung thành phần này trong năm 2016 đã tăng 0.59 điểm. Đặc biệt, tỷ lệ người được hỏi cho biết ý kiến đóng góp xây dựng chính quyền của họ được tiếp nhận cũng cao hơn so với trước đây. Kết quả đánh giá chỉ số thành phần này đạt 2.28/3.3 điểm so với mức trung vị toàn quốc là 2.19 điểm và thuộc nhóm trung bình cao của cả nước. Ngược lại, đối với chỉ số thành phần “Hiệu quả của Ban TTND” nhằm đo lường mức độ hiệu quả của việc thực hiện thiết chế Ban TTND - một thiết chế dân chủ cơ sở- có chức năng giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, việc thực hiện quy chế dân chủ của cấp chính quyền cơ sở. Theo quy định của pháp luật, mỗi đơn vị xã/phường phải thành lập Ban TTND theo hình thức dân bầu trực tiếp người đại diện trong cộng đồng để thực hiện hiệu quả chức năng giám sát của Nhân dân. So với kết quả năm 2015, điểm số nội dung thành phần này trong năm 2016 đã giảm 0.59 điểm, nguyên nhân do tỉ lệ người dân biết đến sự tồn tại của Ban TTND và cho rằng Ban TTND hoạt động có hiệu quả giảm so với những năm trước. Kết quả đánh giá chỉ số thành phần này đạt 1.14/3.3 điểm, so với mức trung vị toàn quốc là 1.49 điểm và thuộc nhóm thấp nhất của cả nước. Cùng với đó, chỉ số về “Hiệu quả của Ban GSĐTCĐ” - thiết chế cộng đồng do người dân thiết lập nhằm giám sát việc thực hiện các dự án hạ tầng tại cộng đồng. So với kết quả năm 2015, điểm số nội dung thành phần này trong năm 2016 đã giảm 0.47 điểm, nguyên nhân là do tỉ lệ người dân biết đến sự tồn tại và hiệu quả hoạt động của Ban này không chiếm đa số so với những năm trước. Kết quả đánh giá chỉ số thành phần này đạt 1.28/3.4 điểm, so với mức trung vị toàn quốc là 1.25 điểm và thuộc nhóm trung bình cao của cả nước.
Cán bộ Thanh tra tỉnh hướng dẫn giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cho công dân.
Ảnh: Văn Miên
Như vậy, tổng điểm chỉ số nội dung đã nêu chỉ đạt 4.69/10 điểm (so với trung bình toàn quốc là 4.92 điểm), xếp thứ hạng 43/63 tỉnh thành phố và thuộc nhóm trung bình thấp của cả nước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạn chế nêu trên, trong đó nguyên nhân cơ bản là việc triển khai quy chế dân chủ ở cơ sở nhiều nơi còn hình thức, công tác phối hợp giữa Mặt trận Tổ quốc với các đoàn thể và Ban TTND trong triển khai thực hiện quy chế dân chủ chưa thường xuyên. Mặt khác, một số cấp ủy, chính quyền cấp xã chưa thật sự quan tâm chỉ đạo và coi trọng hoạt động giám sát của Ban TTND và Ban GSĐTCĐ; chưa tạo điều kiện để thành viên các Ban này mạnh dạn phản ánh những thiếu sót qua kết quả giám sát. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ chưa cao, thái độ phục vụ Nhân dân chưa tốt, kỹ năng hành chính, đạo đức, phẩm chất chưa đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính. Xử lý chưa nghiêm các trường hợp không thực hiện đúng quy chế dân chủ ở cơ sở, thiếu công khai, minh bạch, không giải trình những kiến nghị của người dân…
Để khắc phục những hạn chế đã nêu, góp phần nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công của tỉnh (PAPI) trong năm 2017 này yêu cầu đặt ra là rất cần những hành động cụ thể, nói đi đôi với làm, đó là cần nâng cao trách nhiệm giải trình với người dân của chính quyền các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, tập trung giải quyết có hiệu quả những khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban TTND và Ban GSĐTCĐ tại các xã, phường, thị trấn, trong đó chú trọng đến việc tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng về chuyên môn nghiệp vụ, quy định của pháp luật và các quy trình cơ bản cho Ban TTND, Ban GSĐTCĐ để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Ngoài ra, Các dự án, chương trình đầu tư tại địa bàn phải được sự tham gia giám sát của Ban TTND và Ban GSĐTCĐ.
TD