Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh làm việc với UBND tỉnh.
Trong những năm qua, theo đánh giá chung quy mô kinh tế thủy sản của tỉnh có xu hướng tăng lên, cơ cấu ngành nghề bước đầu có sự thay đổi tích cực đã có những đóng góp nhất định vào sự phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh. Giá trị sản xuất thủy sản tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2016 là 8%/năm; giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản luôn tăng trưởng và chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của cả tỉnh. Hoạt động thủy sản đã giải quyết việc làm cho hơn 43.000 lao động, trong đó hơn 20.000 lao động khai thác hải sản, 14.500 lao động nuôi và sản xuất giống thủy sản, 3.200 lao động dịch vụ hậu cần nghề cá và hơn 5.000 lao động chế biến hải sản. Cơ cấu kinh tế trong nội bộ ngành thủy sản chuyển dịch theo hướng nâng tỷ trọng nuôi trồng thủy sản với việc phát triển thủy sản theo hướng đầu tư thâm canh tăng năng suất, tăng hiệu quả, đảm bảo vệ sinh an toàn và cân bằng sinh thái môi trường, hình thành vùng sản xuất giống chất lượng cao của cả nước...
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị một số vấn đề như: Chính phủ cần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP và Nghị định số 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ nhằm giúp cho địa phương có thể tăng năng lực khai thác hải sản; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quan tâm đầu tư xây dựng trung tâm sản xuất giống thủy sản chất lượng cao cho tỉnh và đầu tư những dự án bảo vệ nguồn lợi hải sản nhằm giúp tỉnh duy trì, bảo vệ những loài hải sản quý hiếm trên vùng biển Ninh Thuận...
Thay mặt Đoàn giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh ghi nhận các ý kiến, kiến nghị của UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý các vi phạm trong việc thực hiện các văn bản pháp luật của Trung ương và địa phương trên lĩnh vực thủy sản.
Mai Dũng