Năm 1886, tại thành phố công nghiệp lớn Chicago, Đại hội Liên đoàn Lao động Mỹ thông qua nghị quyết nêu rõ: “...Từ ngày 1-5-1886, ngày lao động của tất cả các công nhân sẽ là 8 giờ”. Ngày 1-5-1886, do yêu cầu của công nhân không được đáp ứng một cách đầy đủ, giới công nhân trên toàn nước Mỹ đã tham gia bãi công nhằm gây áp lực buộc giới chủ thực hiện yêu sách của mình. Đầu tiên là cuộc bãi công tại thành phố Chicago. Khoảng 40 nghìn người không đến nhà máy. Họ tổ chức mit-tinh, biểu tình trên thành phố với biểu ngữ “Từ hôm nay không người thợ nào làm việc quá 8 giờ một ngày! Phải thực hiện 8 giờ làm việc, 8 giờ nghỉ ngơi, 8 giờ vui chơi!”…
Công nhân lao động tại Công ty TNHH Thông Thuận, Chi nhánh Ninh Thuận. Ảnh: Sơn Ngọc
Ngày 20-6-1889, Đại hội I của Quốc tế Cộng sản II quyết định lấy ngày 1-5 hằng năm làm ngày biểu dương lực lượng và đấu tranh chung của tầng lớp vô sản. Vào ngày 1-5-1890, lần đầu tiên Ngày Quốc tế Lao động 1-5 được tổ chức trên quy mô thế giới.
Tại nước ta, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam đã lấy ngày 1-5 hằng năm làm ngày đỉnh cao của phong trào đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập-tự do-dân chủ, giành những quyền lợi kinh tế-xã hội... Sau khi giành được độc lập, ngày 18-2-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 22c/NV/CC quy định ngày 1-5 là một trong những ngày Lễ chính thức của nước ta. Ngày 29-4-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 56 quy định công nhân được hưởng lương ngày nghỉ lễ Quốc tế Lao động (1-5). Ngày 1-5-1946, lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày Quốc tế Lao động (1-5) được tổ chức kỷ niệm mít tinh trọng thể tại Hà Nội với sự tham dự của 20 vạn nhân dân lao động... Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là qua 30 năm đổi mới, cùng với quá trình phát triển của đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam đã có những bước trưởng thành cả về số lượng và chất lượng, đang có mặt trong tất cả các thành phần kinh tế, đóng góp hơn 65% tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% ngân sách nhà nước. Công nhân, lao động nước ta đã tiếp cận nhanh với khoa học, công nghệ tiên tiến, từng bước đảm đương, làm chủ kỹ thuật và công nghệ cao, bước đầu hình thành đội ngũ công nhân trí thức...
Những năm gần đây, với lực lượng gần 9 triệu đoàn viên, gần 130 nghìn công đoàn cơ sở, tổ chức Công đoàn Việt Nam luôn vượt qua mọi khó khăn, thử thách; chủ động sáng tạo, đổi mới tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động để thu hút, tập hợp ngày càng đông đảo công nhân viên chức lao động và hành động sát thực hơn, ý nghĩa hơn với vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân viên chức lao động. Để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất tinh thần cho người lao động (NLĐ), hàng năm, Liên đoàn Lao động Việt Nam đã triển khai thực hiện Thông báo Kết luận số 77-TB/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chọn tháng 5 hằng năm là “Tháng Công nhân”. Đây thực sự là “Ngày hội công nhân lao động”, là dịp công đoàn tổ chức gặp gỡ, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ khó khăn, giải quyết những vấn đề bức xúc cho công nhân...
Đối với tỉnh ta, những năm qua với tinh thần tương thân tương ái, khắc phục khó khăn, phong trào công nhân và hoạt động công đoàn luôn giữ vững và phát triển, chăm lo cho đoàn viên, NLĐ; Liên đoàn Lao đông tỉnh đã phát động mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước với năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo ATVSLĐ, thi đua liên kết thực hiện các công trình trọng điểm, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các cấp công đoàn nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục, vận động đoàn viên, NLĐ ra sức học tập, nâng cao trình độ; tăng cường chăm lo đời sống của NLĐ, giúp NLĐ an tâm công tác và cống hiến, xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp vững mạnh, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh…
Phát huy tinh thần Ngày Quốc tế Lao động, trong thời gian tới để công đoàn thực hiện quyền lợi, bảo đảm phúc lợi tốt hơn cho đoàn viên, NLĐ; động viên công nhân đồng hành với doanh nghiệp (DN), tăng năng suất lao động… yêu cầu đặt ra là “các DN quan tâm hơn nữa đến người lao động bằng giải pháp việc làm, chăm lo bữa ăn, bảo đảm an toàn thực phẩm và dinh dưỡng, nhất là hỗ trợ nhà ở và lo xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân…” như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị tại cuộc gặp gỡ, đối thoại với công nhân lao động các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm miền Trung mới đây tại Đà Nẵng. Đồng thời nhắn nhủ đến anh chị em công nhân, người lao động cả nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn: Mỗi người lao động phải tự phấn đấu, nỗ lực học tập, không ngừng rèn luyện để thành những người thợ giỏi, công nhân kỹ thuật xuất sắc vì gia đình, vì doanh nghiệp và vì đất nước...
HH