Sức sống mới ở vùng “lá chắn thép” năm xưa

(NTO) Trong những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi trở lại vùng đất “lá chắn thép” Du Long, nay là xã Công Hải (Thuận Bắc) nơi cách đây 42 năm địch đã lập tuyến phòng thủ hòng ngăn cản cuộc tấn công của quân và dân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 
Diện mạo nông thôn mới xã Công Hải ngày càng khời sắc. Ảnh: Văn Miên

Trong những năm kháng chiến Mỹ, cứu nước, vùng đất Du Long là nơi diễn ra nhiều trận đánh mang tầm chiến lược. Với những chiến công hiển hách của quân và dân nơi đây đã góp phần không nhỏ vào cuộc chiến tranh giải phóng quê hương, thống nhất đất nước. Được biết đến như một nhân chứng “sống”, ông Võ Đình Tiệm, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Công Hải nhớ về vùng đất Du Long ngày ấy: Vùng này vốn là nơi địch lập ra tuyến phòng thủ từ xa hòng ngăn chặn thế tiến công của quân ta vào giải phóng Sài Gòn. Khi tuyến phòng thủ “lá chắn thép” được thiết lập, quanh xã chỉ thấy toàn thép gai, lô cốt, bom mìn... Dù phải chịu sự kìm kẹp khắt khe của kẻ thù, nhưng quân và dân Du Long vẫn một lòng theo Đảng, bám đất, giữ làng nuôi dấu cán bộ cách mạng. Sau tháng 4-1975 quê hương được giải phóng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhân dân trong xã đã cùng với chính quyền địa phương nhanh chóng bắt tay vào xây dựng quê hương, xây dựng cuộc sống mới... Nhờ đó, đến nay đời sống của người dân ngày càng được ổn định và nâng cao, những ngôi nhà tầng kiên cố mọc lên làm thay đổi diện mạo của vùng đất Du Long năm xưa.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Hữu Trí, Phó Bí thư Đảng ủy xã Công Hải, cho biết: Toàn xã hiện có 2.017 hộ dân, với 10.184 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nông nghiệp. Để đưa kinh tế địa phương ngày một phát triển, hằng năm ngoài việc vận động Nhân dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; xã cũng đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nông dân giảm nghèo bền vững như: Mô hình liên kết sản xuất lúa giống ở thôn Hiệp Kiết, Tổ hợp tác “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa; mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở thôn Xóm Đèn, mô hình chăn nuôi bò vỗ béo... Ngoài ra, lĩnh vực phát triển công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ ở địa phương cũng được người dân quan tâm đầu tư và có bước phát triển khá. Hiện nay, toàn xã có 345 hộ kinh doanh các ngành nghề tiểu-thủ công nghiệp, dịch vụ vừa đóng góp vào ngân sách địa phương vừa nâng cao thu nhập. Bên cạnh đó, đứng chân trên địa bàn còn có các Công ty xi măng Luks, Công ty đá xây dựng...góp phần giải quyết việc làm ổn định cho gần 500 lao động ở địa phương...

 
Một góc khu trung tâm xã Công Hải.

Kinh tế phát triển ổn định, cùng với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới, Nhân dân trên địa bàn xã đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền của cùng chính quyền địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Nhờ đó, đến nay, tỷ lệ đường giao thông nội thôn được bê-tông hóa trên 95%; hệ thống trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang; số hộ gia đình điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 100%...đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống của Nhân dân.

Đồng chí Nguyễn Hữu Trí, cho biết thêm: Nhìn một cách toàn diện, Công Hải hôm nay đã thay đổi rất nhiều, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi khắc. Trong những năm tới, để tạo động lực cho địa phương ngày càng phát triển, chính quyền xã Công Hải tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế; huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích Nhân dân phát triển kinh tế theo hướng nông-công-tiểu thủ công nghiệp-dịch vụ; hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh; nhân rộng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ có hiệu quả vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân.