Đây là chỉ số đo lường về thời gian mà các doanh nghiệp (DN) phải tiêu tốn khi chấp hành các thủ tục hành chính (TTHC), về cảm nhận của DN đối với đội ngũ cán bộ, công chức, cũng như mức độ thường xuyên và thời gian DN phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan nhà nước thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Theo khảo sát từ các DN trong tỉnh, chỉ số này năm qua đạt 6,93 điểm, xếp thứ hạng 20/63, giảm 0,08 điểm và tụt 1 bậc thứ hạng so với năm 2015. Nguyên nhân vì sao?
Công ty Cổ phần Dệt may Quảng Phú sản xuất hiệu quả, tạo việc làm cho lao động địa phương. Ảnh: Văn Miên
Qua phân tích, cho thấy cảm nhận của DN đối với chỉ số này phần lớn chưa thật sự tốt, cụ thể có 38,46% DN cho rằng đã sử dụng hơn 10% quỹ thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước (tăng 3,98%); số giờ trung vị làm việc với thanh tra, kiểm tra thuế là 8 giờ, tăng 4 giờ; tỷ lệ DN hoàn toàn đồng ý hoặc đồng ý cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả là 56,38%; cán bộ nhà nước thân thiện là 66,67% giảm với mức tương ứng là 12,16% và 1,87%; có 58,84% DN đồng ý thủ tục giấy tờ đơn giản (giảm 0,84%); 93,68% DN hoàn toàn đồng ý hoặc đồng ý phí, lệ phí được công khai (giảm 0,57%). Bên cạnh đó, các chỉ số đã được cải thiện so với năm 2015 là số cuộc thanh tra, kiểm tra trung vị giảm; 67,74% DN không cần phải đi lại nhiều lần để lấy dấu và chữ ký, tăng 0,69%...
Cân phân mà nói, thực hiện nhiệm vụ được giao, trong năm qua, Sở Nội vụ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra công tác cải cách hành chính, kỷ luật, kỷ cương hành chính, giám sát việc thực hiện TTHC tại các sở, ngành, địa phương theo mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông”, giảm thời gian đi lại cho DN. Sở Xây dựng đã tham mưu ban hành TTHC trong lĩnh vực xây dựng, cắt giảm thời gian so giải quyết thủ tục với quy định (có 21/37 thủ tục được cắt giảm 50% thời gian). Thanh tra tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra chung DN ngay từ đầu năm trình UBND tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện, nhằm bảo đảm tính thống nhất, công khai, minh bạch, hạn chế được các hiện tượng trùng lắp, chồng chéo, gây phiền hà cho DN, nhờ đó cảm nhận DN về số cuộc thanh tra, kiểm tra trung vị giảm. Theo kết quả điều tra 2016, một số chỉ tiêu thành phần đã có chuyển biến theo hướng tích cực hơn so với năm 2015 như: Tỷ lệ DN cho rằng phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức là 11,96% (giảm 4,71%) ; 53,26% DN đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý “Hiện tượng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN là phổ biến” (giảm 5,36%). Tuy nhiên, có đến 69,57% DN đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý các DN cùng ngành thường phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức, tăng 3,27%...Tuy nhiên đối với kiểm tra, thanh tra thuế cảm nhận DN về thời gian trung vị làm việc tăng so với năm 2015.
Nhìn chung, qua khảo sát, DN phản ánh TTHC còn rườm rà, chồng chéo gây khó khăn DN; số lần thanh tra DN còn nhiều; cán bộ nhà nước còn gây khó khăn, nhũng nhiễu DN; các quy định về thuế thường xuyên điều chỉnh thay đổi, chính sách thuế chưa thông thoáng, thủ tục gia hạn thuế kéo dài; cơ quan nhà nước chưa nhiệt tình giúp đỡ DN, các sở, ngành giải quyết công việc chậm, kéo dài, thiếu đường dây nóng để DN phản ánh lên lãnh đạo địa phương. Theo đó, DN kiến nghị cần hoàn thiện, đơn giản hóa hơn nữa các TTHC ở các cấp, các ngành; đẩy mạnh cải cách TTHC thông qua hình thức “một cửa”, “một cửa liên thông” trên tất cả các lĩnh vực ở các sở, ngành và các cấp địa phương trong tỉnh; tăng cường phổ biến các chính sách thuế đến DN; cần lập đường dây nóng để DN phản ánh những bất cập từ cơ quan quản lý nhà nước; tăng cường đối thoại giữa DN và Nhà nước; cần sự quan tâm nhiều hơn của lãnh đạo địa phương đối với DN, giải quyết công việc dứt điểm, nhanh chóng hơn và nâng cao năng lực quản lý của cán bộ Nhà nước...
Thiết nghĩ, những kiến nghị của DN như đã nêu cần được xem xét và giải quyết thấu đáo. Đây cũng là một trong những giải pháp để góp phần cải thiện chỉ số PCI của tỉnh trong năm 2017 này.
HH