Đối với Công ty Ladora Farm Ninh Thuận, từ lâu đã nhận thấy tỉnh ta có tiềm năng sản xuất nho nguyên liệu rượu vang dồi dào. Tuy nhiên, với hình thức hợp đồng thu mua sản phẩm của các hộ sản xuất nhỏ lẻ mà công ty thực hiện lâu nay không đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu thường xuyên cho nhà máy rượu vang hoạt động đang là hạn chế ảnh hưởng đến phát triển của DN. "Tham vọng" xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, quy mô lớn của công ty chỉ mới thực sự đạt được vào năm 2015, khi mạnh dạn đầu tư nhiều tỷ đồng để chuyển nhượng gần 100 ha đất của bà con thôn Phú Thuận, xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn) trồng nho ứng dụng công nghệ cao.
Công ty Ladora Farm Ninh Thuận đầu tư máy đa năng phục vụ sản xuất nho trên quy mô lớn.
Chuyện nông dân chuyển nhượng đất cho DN trồng nho đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Có ý kiến cho rằng, “tích tụ” ruộng đất bằng cách “mua đứt, bán đoạn” sẽ dẫn đến hệ lụy là tư liệu sản xuất (đất nông nghiệp) của nông dân dần bị thu hẹp. Tuy nhiên, với đặc thù thổ nhưỡng vùng bán sơn địa, thì việc nông dân chuyển nhượng một phần đất cho DN xây dựng CĐL là cách làm phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương. Đồng chí Nguyễn Thành Khải, Chủ tịch UBND xã Mỹ Sơn, cho biết: Khu đất phía Tây - Bắc thôn Phú Thuận dạng nguyên thủy pha lẫn nhiều đá cuội, chưa thuần thục, sản xuất kém hiệu quả, lâu nay bị bỏ hoang. Khi DN tiếp nhận trồng nho, phải bỏ ra nhiều công sức cải tạo, chi phí đầu tư 1 ha lên tới 120 triệu đồng là ngoài khả năng tài chính của các nông hộ. Với giá chuyển nhượng khá cao cho vùng đất sản xuất kém hiệu quả, cuộc “hội ngộ” tự nhiên này cả hai bên đều có lợi. Đối với DN có quỹ đất đủ lớn để thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao, còn nông dân có vốn đầu tư thâm canh các loại cây trồng nâng cao năng suất, tăng thêm thu nhập.
Cái “bắt tay” thành công giữa nông dân Mỹ Sơn và Công ty Ladora Farm Ninh Thuận đã biến vùng đất khô cằn trở thành khu sản xuất nho tiên tiến với hệ thống tưới nhỏ giọt công nghệ Israel, các loại máy nông cụ hiện đại. Bà Nguyễn Ngọc Phi Nga, nhân viên Marketing, cho biết: Để sản xuất nho theo quy trình kỹ thuật Châu Âu, công ty đã nhập máy đa năng làm đất, đánh hàng, xới cỏ, phun thuốc bảo vệ thực vật với công nghệ bán tự động, trị giá hơn 1 tỷ đồng/chiếc. Đến tham quan khu sản xuất nho vào đầu tháng 4 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao vai trò của DN đi tiên phong thực hiện nông nghiệp công nghệ cao. Thành công của mô hình có tác dụng dẫn dắt nông dân trên toàn tỉnh học tập làm theo, góp phần đưa ngành Nông nghiệp phát triển bền vững.
Cũng là xây dựng CĐL, nhưng cách làm của Công ty Cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang là thuê đất của các hộ trong vùng dự án với giá hợp lý, sau khi hết thời hạn, công ty sẽ cải tạo lại đất hoàn trả cho nông dân. Khu đất công ty thuê có diện tích 300 ha thuộc địa bàn thôn Ma Oai, xã Phước Thắng (Bác Ái) bỏ hoang lâu năm, nên để DN đầu tư trồng mía ứng dụng công nghệ cao là hướng đi hợp lý, nhằm khai thác tiềm năng đất đai ở vùng núi. Ông Văn Hữu Thận, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần đường Biên Hòa - Phan Rang, cho hay: Thế mạnh của công ty là đủ năng lực đầu tư hàng tỷ đồng mua máy cày đặc chủng có khả năng cải tạo đất đảm bảo cho cây mía phát triển, đạt chữ đường và năng suất cao. Chúng tôi tin tưởng bà con đồng thuận cao với chương trình xây dựng CĐL, vì chính sách sử dụng lao động tại chỗ của công ty sẽ giải quyết việc làm cho nhiều người, góp phẩm đảm bảo an sinh xã hội trong khu vực.
Thực hiện Chương trình CĐL, dù bằng cách nào đi nữa, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo lợi ích cho nông dân. Thực tiễn cánh làm của các DN cho thấy, giải pháp “tích tụ” đất để xây dựng CĐL phải được áp dụng linh hoạt, phù hợp với từng địa phương, khu vực.
Anh Tùng