Chúng tôi đến Phước Diêm (Thuận Nam) vào giữa tháng 12 này, khi vụ cá Bấc bắt đầu. Theo Hội Nông dân xã, trong năm 2010, mặc dù thời tiết không thuận lợi, nhưng Phước Diêm vẫn đạt sản lượng khai thác 21.500 tấn hải sản các loại (trong đó 80% là cá cơm), vượt 500 tấn so với chỉ tiêu huyện giao. Kết quả trên một phần nhờ sự đoàn kết, hợp tác làm ăn trên biển của ngư dân Phước Diêm đã phát huy hiệu quả.
Anh Lê Văn Trước, Bí thư Đảng ủy xã Phước Diêm cho biết, từ 5 tổ hợp tác khai thác trên biển ban đầu, sau khi chia tách 2 tổ về xã Cà Ná, Phước Diêm chỉ còn 3 tổ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, thực ra từ hơn 3 năm qua, mô hình “hợp tác khai thác trên biển” đã được ngư dân Phước Diêm hình thành. Thông thường dựa trên mối quan hệ bà con thân tộc, hoặc anh em, cha con trong gia đình, các chủ tàu rủ nhau tập hợp thành nhóm 10 - 20 tàu, tổ chức ra khơi đánh bắt.
Ngư dân xã Phước Diêm chuẩn bị ngư cụ cho chuyến đi biển.
Tuy chưa chính thức có quyết định công nhận của UBND xã, nhưng mô hình khai thác mới này đã có tác dụng tích cực và hiệu quả kinh tế khá cao. Thành viên của tổ chính là các chủ sở hữu tàu cá. Ông Nguyễn Văn Bông, tổ trưởng của một tổ đoàn kết khai thác hải sản cho biết mô hình này đã giúp ngư dân thành viên nâng cao tinh thần đoàn kết, thường xuyên trao đổi kinh nghiệm đánh bắt và hỗ trợ nhau tìm ngư trường khai thác, đặc biệt là tiết kiệm nhiên liệu tiêu hao và chi phí cho chuyến đi biển dài ngày. Theo ông Bông, một số nhóm đoàn kết của ngư dân sở dĩ chưa chính thức thành lập tổ là do họ ngại bị ràng buộc và cho rằng chẳng được quyền lợi gì.
Phước Diêm hiện có 475 tàu thuyền, trong đó tàu công suất trên 90 CV chiếm khoảng 3/4, hầu hết hành nghề vây rút mùng và pha xúc. Việc phát triển tàu cá công suất lớn khiến Phước Diêm có tiềm năng hình thành đội tàu khai thác xa bờ. Trao đổi với chúng tôi, anh Trần Văn Đông, Chủ tịch Hội Nông dân xã nhận định: “Trong các tổ nhóm đoàn kết chỉ gồm toàn tàu lớn từ 150 CV trở lên, khi khai thác thì kết hợp 2 nghề lưới pha xúc và vây rút.
Ở Phước Diêm, tàu thuyền nào cũng trang bị đầy đủ máy bộ đàm đường dài, máy định vị, máy tầm ngư và nhiều phương tiện thông tin liên lạc hiện đại khác nên rất thuận lợi cho việc hợp tác đánh bắt ở khơi xa. Gần đây còn có 2 tàu trang bị máy dò ngang và 4 tàu trang bị hầm cách nhiệt, được coi như dấu hiệu mới của việc hiện đại hóa nghề cá”. Rõ ràng mô hình tổ hợp tác đã giảm được không chỉ xăng dầu tiêu thụ mà cả về thời gian, đặc biệt là giữ được ngư trường đánh bắt. Thêm nữa vấn đề an toàn tàu thuyền được bảo đảm hơn vì luôn có tàu trong tổ hỗ trợ khi gặp sự cố hỏng hóc máy móc hoặc gặp tai nạn. Thế nhưng vì sao cho đến nay số lượng tổ hợp tác chính thức (UBND xã ra quyết định thành lập) ở Phước Diêm vẫn không tăng?. Lý giải vấn đề này, anh Trần Văn Đông cho rằng do tâm lý của ngư dân thấy tổ có dính dáng tới Nhà nước, chỉ muốn đòi hỏi quyền lợi mà không nhận thức được đây là mô hình tự quản của mình.
Để có hướng đi mới cho mô hình hợp tác khai thác, tạo điều kiện vươn ra khơi xa, tìm kiếm ngư trường mới, Hội Nông dân xã Phước Diêm đã đề xuất với Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản ưu tiên hỗ trợ nhiên liệu cho các tàu đánh bắt xa bờ. Trong năm tới, Phước Diêm dự kiến có 24 tàu đăng ký chuyên đi khai thác xa bờ, trong đó có 14 tàu đi đánh bắt ở khu vực đảo Trường Sa. Đây là quyết tâm đi tiên phong của Phước Diêm với mục đích tạo động lực cho ngư dân, làm tiền đề cho việc xây dựng thêm các tổ hợp tác mới trên cơ sở các tổ, nhóm tự phát đã có sẵn.
Bạch Thương