Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam

(NTO) Ngày 12-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ về phát triển dược liệu Việt Nam. Tham dự còn có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong ngành dược liệu... Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tỉnh ta.

Theo kết quả điều tra, nước ta ghi nhận trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc. Trong đó, có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và xuất khẩu. Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở nước ta rất lớn. Cả nước có 63 bệnh viện y học cổ truyền (YHCT) công lập; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng YHCT; gần 7.000 cơ sở hành nghề YHCT tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh; có 226 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền... Nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước ước tính khoảng 60.000 – 80.000 tấn/năm. Việc nuôi trồng cây dược liệu làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, gấp từ 3 – 5 lần so với một số loại cây trồng như lúa, ngô, sắn… Điều đáng nói là mặc dù Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm phát triển dược liệu trong nước, nhưng đến nay, các địa phương vẫn chưa có quy hoạch, định hướng phát triển nuôi trồng. Dược liệu trong nước chưa thực sự trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh mạnh và còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hội nhập...

Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tỉnh ta. Ảnh: Văn Miên

Thời gian tới, nước ta tập trung các giải pháp tăng cường công tác phát triển dược liệu, chú trọng từ khâu nuôi trồng, thu hái, bảo quản, chế biến, sản xuất, xuất nhập khẩu đến sử dụng. Chính phủ sẽ xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nuôi trồng dược liệu; sản xuất dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền; bảo tồn nguồn gen và phát triển những loài, chủng loại dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trên cơ sở tăng cường đầu tư kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, kết hợp với kinh nghiệm truyền thống. Đồng thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về dược liệu. Phấn đấu đến năm 2020 bảo tồn được 50% và năm 2030 là 70% tổng số loài dược liệu của Việt Nam; đến năm 2020 đáp ứng được 50% và đến năm 2030 là 70% tổng nhu cầu dược liệu sử dụng trong nước.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Chủ trương của Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến YHCT, xác định YHCT là ”kho báu” để phát triển tiềm năng, lợi thế; nhiều cây dược liệu không chỉ giúp xóa đói giảm nghèo mà có thể giúp một bộ phận không nhỏ người dân làm giàu. Thủ tướng yêu cầu các địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch, đề án phát triển cây dược liệu đặc thù của địa phương mình. Việc nuôi trồng dược liệu phải gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Bộ Y tế phối hợp với các ngành liên quan xây dựng các tiêu chí phát triển các loại hình doanh nghiệp, các dự án, chương trình để thực hiện chuổi giá trị về dược liệu; đồng thời chú trọng bảo tồn nguồn gen dược liệu quý; tăng cường danh mục thuốc đông y và dược liệu vào danh mục thuốc BHYT; khuyến khích khám chữa bệnh YHCT kết hợp với y học hiện đại. Ngoài ra, các ngành chức năng cũng cần làm tốt công tác quản lý nhà nước từ khâu chế biến đến tiêu thụ dược liệu, các sản phẩm thuốc dược liệu. Các doanh nghiệp tăng cường quãng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất để cho ra sản phẩm bảo đảm chất lượng, uy tín, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước và còn đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần làm giàu cho đất nước và chăm sóc sức khỏe Nhân dân.