Tham dự còn có đồng chí Trương Xuân Thìn, Nguyên Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, địa phương trong tỉnh.
Các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh;
PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển–Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu khai mạc hội thảo.
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy hoan nghênh các đại biểu đã dành thời gian đến tham dự. Đồng thời, giới thiệu khái quát chặng đường 25 xây dựng và phát triển của Ninh Thuận; những cơ hội, động lực mới, khát vọng khai thác các nguồn lực để thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh nhà phát triển. Đồng chí mong rằng, với tâm huyết, tinh thần trách nhiệm của các vị đại biểu, hội thảo sẽ tiếp nhận được nhiều ý kiến đóng góp quý báu để tìm ra các giải pháp mới khai thác tối đa những cơ hội và tiềm năng, thực hiện có hiệu quả định hướng phát triển cho giai đoạn tới.
Trong khuôn khổ hội thảo, đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh sau 25 năm tái lập. Vượt qua những khó khăn, thách thức, đến nay Ninh Thuận đang ngày càng phát triển và hội nhập mạnh mẽ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1992-2016 đạt 8,7%/năm. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đúng hướng, trong đó tỷ trọng ngành công nghiệp-xây dựng tăng từ 15,8% năm 1992 lên 20,4%; khu vực dịch vụ tăng từ 29,4% lên 41% và ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 54,8% năm 1992 xuống còn 38,6% vào năm 2016. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được cải thiện đáng kể, tiềm năng và lợi thế của tỉnh được đánh giá đúng mức. Diện mạo của tỉnh được thay đổi ở cả thành thị và nông thôn, rút ngắn nhanh khoảng cách về thu nhập so với cả nước. Đến cuối năm 2016, thu nhập bình quân đầu người của Ninh Thuận đã tăng lên 62,3%. Nổi bật, thu ngân sách từ 33,3 tỷ đồngvào năm 1992, đến năm 2011 đã vượt qua ngưỡng 1.000 tỷ đồng và năm 2016 đạt 2.088 tỷ đồng, tăng gấp 62,7 lần so với năm 1992...
Đồng chí Trương Xuân Thìn, nguyên Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại hội thào.
Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tóm tắt tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh sau 25 năm tái lập.
Đồng chí Trần Minh Lực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tham luận tại hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Minh Trứ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu tham luận tại hội thảo.
PGS.TS Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển–Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu tại hội thảo.
Tiến sỹ Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo -Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phát biểu tham luận tại hội thảo.
Đồng chí Lưu Nào, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh phát biểu tham luận tại hội thảo.
Đồng chí Dương Ái Quân, Chủ tịch UBND Tp. Phan Rang - Tháp Chàm phát biểu tham luận tại hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu còn được nghe nhiều ý kiến của các chuyên gia, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đánh giá, phân tích các lợi thế, tiềm năng, dự báo nhân tố mới, những khó khăn, thách thức; trong đó, chú trọng vào các ngành, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như: công nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch, nông nghiệp, kinh tế biển… Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp về các chính sách, việc cải cách thể chế, phát triển nguồn nhân lực… nhằm hình thành các mô hình, khu kinh tế trọng điểm phù hợp để thu hút nguồn lực đầu tư, thực hiện đạt mục tiêu phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII đã đề ra.
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh trao đổi với đại biểu tại hội thảo.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh với các đại biểu dự hội thảo.
Các đồng chí: Nguyễn Đức Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy;
Lưu Xuân Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh với các đại biểu dự hội thảo.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm cũng như các ý kiến thiết thực của các đại biểu, với mong muốn vì mục tiêu chung tay xây dựng Ninh Thuận ngày càng phát triển, trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai. Đồng chí mong rằng, trên cơ sở kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của quê hương, các ý tưởng hay, có giá trị thực tiễn đã được trình bày, thảo luận tại hội thảo, lãnh đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, phát triển thành các đề án, giải pháp cụ thể để báo cáo Tỉnh ủy, UBND tỉnh xem xét, phê duyệt tổ chức triển khai thực hiện, để Ninh Thuận tiếp tục có những bước phát triển mới trong giai đoạn tới.
|
Đồng chí Lưu Xuân Vĩnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
Để tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới, một trong những giải pháp trọng tâm đó là: "Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 05-NQ/TW; xác định phát triển kinh tế biển là động lực, trọng tâm phát triển công nghiệp biển và ven biển, du lịch biển, đẩy mạnh khai thác, nuôi trồng thủy hải sản gắn với chế biến; tập trung đẩy nhanh hoàn tất các thủ tục để sớm triển khai xây dựng hạ tầng khu công nghiệp Cà Ná, gắn với đầu tư xây dựng cảng biển tổng hợp Cà Ná, để thu hút các dự án công nghiệp quy mô lớn, có công nghệ tiên tiến, để tạo đột phá phát triển các ngành công nghiệp biển, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng phó có hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn ra gay gắt. Có giải pháp cụ thể về quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, cơ chế chính sách để sớm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước theo chủ trương của Chính phủ..."
Tiến sỹ Nguyễn Thắng
Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo -Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam:Cuộc cách mạng công nghệ (còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4) đang diễn ra một cách mạnh mẽ trên quy mô lớn, có tác động đến lĩnh vực kinh tế-xã hội, môi trường ở tất cả các cấp, toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Ninh Thuận có lợi thế về phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện gió và điện mặt trời. Nước ta nói chung và Ninh Thuận nói riêng có thể được lợi nhiều nhờ những đột phát trong công nghệ năng lượng tái tạo làm cho chi phí đầu tư thấp. Một số mô hình năng lượng tái tạo tiên tiến các nước đang ứng dụng thành công như mái nhà năng lượng ở Úc với ưu điểm đảm bảo mỹ thuật, nhẹ, rẻ, Ninh Thuận có thể xem xét áp dụng.
Lĩnh vực kinh tế biển, trong đó, trọng tâm du lịch biển cũng là lợi thế của Ninh Thuận. Đây là ngành có nhiều triển vọng, bởi tỉnh có bờ biển dài hơn 100 km, với nhiều bãi tắm, khu nghỉ dưỡng cao cấp, các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, gắn với giá trị văn hóa truyền thống, nên ít chịu áp lực cạnh tranh với các nơi khác. Vấn đề còn lại là, địa phương cần sử dụng hiệu quả những công nghệ hiện đại để đẩy mạnh tiếp thị, khuếch trương hình ảnh ở trong nước cũng như ra nước ngoài, để thúc đẩy ngành này phát triển.
Châu Thị Thanh Hà
Giám đốc Sở Nội vụ:Xác định phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng để đáp ứng nhu cầu phát triển và hội nhập, những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, Đề án, Chương trình, Kế hoạch để triển khai. Đặc biệt, ngày 7-11-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực giai đoạn 2011- 2020. Qua một thời gian triển khai thực hiện, đến nay tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đạt 52,2%; tổng số lao động làm việc trong 6 ngành trụ cột chiếm 63,8%; số cán bộ công chức, viên chức có trình độ thạc sĩ trở lên là 343 người, vượt 11,4% so với mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và phát triển nguồn nhân lực của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Chất lượng giáo dục giữa các vùng, miền còn chênh lệch; chuyển dịch cơ cấu lao động có chuyển biến nhưng chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ lao động có trình độ, chuyên môn kỹ thuật cao tham gia thị trường lao động của tỉnh còn thiếu; chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có nâng lên nhưng chưa đồng đều…
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Sở Nội vụ sẽ tập trung đánh giá đầy đủ, chính xác cơ cấu nhân lực từng giai đoạn, làm rõ các nguồn nhân lực thừa và thiếu, từ đó đề xuất tỉnh áp dụng các chính sách phù hợp, nhằm khai thác, sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực vốn có. Trước mắt, trong năm 2017, ngành đề ra phương châm hành động: “Đổi mới trong tư duy, quyết tâm trong hành động, sáng tạo trong cách làm, nhịp nhàng trong phối hợp” để đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết số 03-NQ/TU; xây dựng hệ thống thông tin về cung-cầu nhân lực; có chính sách, kế hoạch hợp lý về tuyển dụng, đãi ngộ… nhằm sử dụng triệt để và hiệu quả lực lượng lao động đã qua đào tạo, tránh tình trạng lãng phí như hiện nay.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:25 năm sau ngày tái lập, nền nông nghiệp của tỉnh nhà đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng tích cực, năng suất, chất lượng và hiệu quả ngày càng được nâng cao, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, phát huy lợi thế các sản phẩm đặc thù của tỉnh; kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất từng bước được hoàn thiện, vai trò của doanh nghiệp trong đầu tư và liên kết chuỗi giá trị được hình thành, góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và ổn định chính trị ở nông thôn.
Bước sang giai đoạn mới, nông nghiệp tỉnh ta đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu gia tăng, tình hình hạn hán diễn ra trên diện rộng, diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, cơ hội nâng cao năng suất, chất lượng nông sản trong khi yêu cầu về nhân lực, nguồn lực cho ứng dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao còn hạn chế. Để giải quyết các vấn đề nêu trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 11-11-2016 của Tỉnh ủy về cơ cấu lại ngành nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu. Để “hiện thực hóa” mục tiêu đề ra, ngành chú trọng vào 4 khâu đột phá: Thu hút đầu tư công, đầu tư của các nhà tài trợ, đầu tư của doanh nghiệp tư nhân để phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nâng cao năng lực thích ứng, hạn chế tác động biến đổi khí hậu; chú trọng cơ cấu lại thủy lợi theo hướng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm, liên thông các hồ chứa, liên thông các hệ thống tưới để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nước. Ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học-kỹ thuật mới, công nghệ cao gắn với đào tạo nghề cho nông dân trong sản xuất, chế biến, bảo quản; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các sản phẩm đặc thù của tỉnh gắn với các cụm liên kết ngành hàng theo chuỗi giá trị. Tổ chức lại sản xuất theo hướng thu hút đầu tư của doanh nghiệp tư nhân làm hạt nhân trung tâm, liên kết với các tổ chức hợp tác của nông dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ. Nâng cao nhận thức, tư tưởng, tích cực tham gia có hiệu quả trong việc thực hiện Nghị quyết và các chủ trương, chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
Dưới sự chỉ đạo của quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các giải pháp có tính đồng bộ, căn cơ đã được xác định, bản thân tôi tin tưởng rằng nông nghiệp tỉnh nhà sẽ tiếp tục phát triển lên một tầm cao mới, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nông dân, hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại và bền vững.
Đồng chí Phạm Đăng ThànhPhó Giám đốc Sở Công Thương:
Qua 25 năm, ngành Công nghiệp của tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, giá trị sản xuất công nghiệp đến năm 2015 đạt 3.310 tỷ đồng, tăng hơn 2,2 lần so với năm 2010 và tăng hơn 22 lần so với năm 1992. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp luôn giữ được tốc độ tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 1992-2010 là 14%/năm; giai đoạn 2011-2015 là 17,9%/năm; đến năm 2016 giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá so sánh 2010) đạt 5.580 tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh đã quy hoạch xây dựng 4 Khu công nghiệp (KCN) và 4 Cụm công nghiệp (CCN), với tổng diện tích trên 1.830 ha, trong đó có 3 KCN, CCN đi vào hoạt động thu hút được 19 dự án, tạo việc làm ổn định trên 3.200 lao động với thu nhập bình quân 4 - 4,5 triệu đồng/người/tháng... Bên cạnh đó, trong những năm gần đây lĩnh vực năng lượng được tỉnh quan tâm chỉ đạo, thu hút được nhiều nhà đầu tư đăng ký và triển khai thực hiện, đến nay toàn tỉnh đã có 6 nhà máy thủy điện với tổng công suất 190,9MW; thu hút đầu tư 13 dự án điện gió/công suất 1.072 MW và 39 dự án điện mặt trời được đăng ký khảo sát/công suất 8.607,8 MW.
Với những thành tựu đạt được, để làm tốt chức năng tham mưu, ngành Công Thương tiếp tục bám sát mục tiêu, quan điểm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII; định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020; Quy hoạch phát triển Công nghiệp tỉnh đến năm 2020; theo đó “Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng theo hướng hội nhập, thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng”, nhằm phấn đấu đạt giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng bình quân 19-20%/năm.
Tin rằng, với kết quả đạt được trong 25 năm qua, cùng với hướng đi phù hợp, vững chắc, chắc chắn ngành Công nghiệp Ninh Thuận sẽ có nhiều triển vọng vươn lên; đặc biệt ngành năng lượng tái tạo và công nghiệp chế biến sẽ là trụ cột phát triển, góp phần đáng kể và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Thuận trong thời gian tới.
Nhóm PV