Chặng đường ¼ thế kỷ không ngừng phát triển, ngành KH&CN đã tập trung đầu tư cho nghiên cứu giống cây trồng có chất lượng, thích nghi với điều kiện khí hậu nắng nóng của tỉnh ta. Các loại giống lúa, bắp chịu hạn, đậu xanh do Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố lai tạo, chuyển giao, đã đáp ứng nhu cầu sản xuất của nông dân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã chuyển giao thành công giống nho NH01-152 có khả năng chịu hạn tốt, năng suất và chất lượng cao đã thúc đẩy nghề trồng nho phát triển ở tầm cao mới.
Cán bộ Viện Nghiên cứu cây bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố kiểm tra chất lượng giống lúa GL301.
Hoạt động nghiên cứu, sản xuất giống vật nuôi giai đoạn này cũng đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, qua đó đã góp phần giảm được áp lực khan hiếm nguồn giống. Tiêu biểu là Sở KH&CN đã phối hợp lai tạo thành công giống bò F1 giữa bò tót và bò nhà có khả năng sinh trưởng tốt, kích thước lớn. Trung tâm Giống thủy sản cấp 1 ứng dụng thành công quy trình công nghệ sản xuất giống cua xanh với tỷ lệ sống cao. Không dừng lại đó, đơn vị còn sản xuất được giống hàu Thái Bình Dương với số lượng lớn đã mở ra hướng đi mới trong nuôi trồng thủy sản ở khu vực đầm, vịnh, góp phần đa dạng đối tượng nuôi.
Nông dân thôn Tuấn Tú (xã An Hải, Ninh Phước) áp dụng hiệu quả mô hình tưới tiết kiệm nước canh tác hoa màu trong mùa khô.
Chương trình chuyển giao ứng dụng khoa học- kỹ thuật vào sản xuất thông qua thực hiện các mô hình công nghệ cao được chú trọng. Xác định nho là cây trồng chủ lực, tỉnh chỉ đạo xây dựng đề tài nghiên cứu và ứng dụng mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu mang lại hiệu quả cao, mở ra khả năng nhân rộng và tạo điều kiện để phát triển trong thời gian tới. Từ triển khai có hiệu quả Dự án Cạnh tranh nông nghiệp về xây dựng những mô hình thí điểm áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), Dự án QSEAP hỗ trợ quy hoạch vùng sản xuất nho an toàn đã hình thành được những vùng trồng nho sạch, với tổng diện tích khoảng gần 200 ha. Nhờ sản xuất theo quy trình sạch, nho Ninh Thuận đã tiếp cận được các thị trường Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đầu ra rộng, giá cao gấp 3 lần so với canh tác theo tập quán cũ.
Nông dân thôn Thái An (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP. Ảnh: V.M
Rất nhiều hoạt động chuyển giao khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, nhưng thành công của việc triển khai có hiệu quả công nghệ tưới tiết kiệm nước đã khắc phục được khó khăn cho sản xuất nông nghiệp trong điều kiện khô hạn. Mô hình được thực hiện vào năm 2007, quy mô ban đầu 2 ha, đến nay đã nhân rộng lên 7.000 ha gồm các loại cây trồng như mía, nho, táo, rau màu các loại. Ưu điểm của mô hình là tiết kiệm được khoảng 50-60% nước tưới so với tưới xả tràn, giúp nông dân canh tác được trong điều kiện khô hạn, hàng ngàn ha đất khô cằn nhờ đó đã được phủ xanh bởi các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao.
Đồng chí Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN, nhìn nhận: Thời gian qua, hoạt động KH&CN đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Một số đề tài nghiên cứu đã được chuyển giao, ứng dụng vào thực tiễn phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực cho Chương trình xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa nghèo bền vững. Đạt được kết quả đó là nhờ Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các chính sách đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ cơ chế hoạt động KH&CN, trong đó khâu “đột phá” là đổi mới phương thức đầu tư, tài chính để phát triển, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển KH&CN. Qua đó, tạo môi trường thuận lợi phát huy quyền sáng tạo để KH&CN thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững.
Từ nay đến năm 2020, tỉnh ta xác định tiếp tục mở rộng hợp tác nghiên cứu các đề tài, dự án ở tầm cao mới, để KH&CN thực sự là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển. Chú trọng ưu tiên các hoạt động nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, lựa chọn các đề tài ứng dụng công nghệ sinh học vào điều kiện thực tế ở tỉnh ta như công nghệ tưới tiết kiệm nước thích ứng với biến đổi khí hậu, điều kiện hạn hán. Cùng với đó, hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật công nghiệp cũng được quan tâm. Cụ thể là hợp tác nghiên cứu chế tạo, cải tiến các loại vật tư, máy móc, thiết bị, vật liệu mới sử dụng trong nông nghiệp. Nghiên cứu phát triển và nhân rộng mô hình ứng dụng năng lượng tái tạo; ứng dụng thành tựu KH&CN trong các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông và tài nguyên môi trường.
Anh Tùng
TÂM HUYẾT VÌ SỰ PHÁT TRIỂN QUÊ HƯƠNG
Ông Hồ Tấn Ninh
Trưởng Phòng Hành chính- Nhân sự Công ty TNHH May Tiến Thuận:
Là người con được sinh ra, lớn lên và công tác tại quê hương Ninh Thuận, tôi thực sự phấn khởi, tự hào bởi những đổi mới, thành tựu tỉnh nhà đạt được trong suốt 25 năm qua. Hệ thống giao thông phát triển rộng khắp; trên các lĩnh vực kinh tế: thương mại- dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp ngày càng phát triển; nhiều công trình, thiết chế văn hóa được đầu tư; các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện… góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Qua đó, cũng khẳng định được sự đúng đắn, quyết tâm, đoàn kết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong việc thực hiện các quyết sách, kế hoạch, mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra.
Tôi mong thời gian tới, tỉnh tiếp tục có nhiều quyết sách, giải pháp để đưa kinh tế phát triển hơn nữa, nhất là đẩy mạnh các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động trên các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ; quan tâm đến công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, đời sống cho CN-LĐ địa phươngn
Ông Sằn Y Sềnh
Dân tộc Nùng (thôn Phú Thạnh, xã Mỹ Sơn, Ninh Sơn):
Hơn 50 năm gắn bó trên vùng đất Ninh Thuận, nhìn lại quá trình phát triển qua 25 năm kể từ khi tỉnh nhà được tái lập, tôi nhận thấy rõ sự đổi thay rất nhiều trên quê hương. Hạ tầng điện, đường, trường, trạm trải đều rộng khắp, các chính sách ưu đãi cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, vì vậy cuộc sống bà con được no ấm, đủ đầy, thôn xóm ngày càng khang trang làm ai cũng thấy phấn khởi, vui mừng. Đặc biệt, với nhiều chính sách đãi ngộ, nông dân như tôi qua quá trình làm ăn cũng tích cóp được vốn, thành lập được doanh nghiệp tư nhân kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, đóng góp vào nguồn thu ngân sách địa phương.
Trong chặng đường tiếp theo, tôi mong muốn chính quyền cần quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi trên địa bàn để phục vụ sản xuất cho vùng khô hạn. Đặc biệt, người dân xã Mỹ Sơn chúng tôi mong muốn hệ thống đập dâng và kênh tưới Tân Mỹ sớm được hoàn thành và đưa vào sử dụng để người dân được hưởng lợi; cần có giải pháp cụ thể hơn nữa cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn; tỉnh ta cần có giải pháp giúp người chăn nuôi có thị trường tiêu thụ ổn định.
U.THU - K.THÙY