Đây là công ty khởi nghiệp đầu tiên hình thành từ Chương trình phát triển Công nghiệp vi mạch TPHCM.
Theo đó, VHES phát triển sản phẩm dựa trên công nghệ lõi được tạo ra từ đề tài do ICDREC nghiên cứu thực hiện. Dựa trên công nghệ chuyển giao này, VHES tiếp tục phát triển để hình thành và hoàn thiện phần mềm HES (Head End System). Sản phẩm này là một hệ thống phần mềm trung gian, ứng dụng trong quản lý lưới điện thông minh...
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại lễ ra mắt. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng
Phát biểu tại lễ ra mắt, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, sản phẩm HES sẽ góp phần vào việc quản lý lưới điện của Thành phố an toàn, hiệu quả hơn và đặc biệt là rất phù hợp với định hướng xây dựng TPHCM trở thành một Thành phố thông minh.
Khẳng định Thành phố sẽ tạo điều kiện để VHES phát triển, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến đề nghị VHES tiếp tục phát triển thêm những sản phẩm công nghệ khác sử dụng chip do đơn vị trong nước thiết kế và chế tạo để ứng dụng vào đời sống, góp phần vào sự thành công của Chương trình phát triển Công nghiệp vi mạch của Thành phố.
Đại diện VHES, Giám đốc Công ty Phan Minh Nghĩa cho biết, sản phẩm HES sẽ là một mắt xích quan trọng của hệ thống lưới điện thông minh. Đáng chú ý, HES là sản phẩm sử dụng chip Việt, điều này giúp nhà sản xuất và đơn vị ứng dụng dễ dàng thiết kế và sửa đổi cho tương thích với mọi loại điện kế và thiết bị truyền thông khác nhau.
Bên cạnh đó, việc làm chủ công nghệ HES sẽ giúp ngành điện thống nhất một hệ thống chung cho cả lưới điện quốc gia, giảm hàng tồn kho rất lớn cho ngành điện (do hiện mỗi hãng điện kế điện tử cung cấp một HES độc lập và muốn ứng dụng hệ thống đo xa thì ngành điện phải mua dự phòng số lượng lớn điện kế của các hãng này để dự trữ), tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng. HES cũng có thể mở rộng ứng dụng cho hệ thống cấp nước thông minh, hệ thống giao thông thông minh...
Ông Nghĩa cho hay ông rất kỳ vọng vào đầu ra cho sản phẩm bởi hiện cả nước có tới hơn 20 triệu điện kế và theo Nghị định 36a của Chính phủ thì đến năm 2020, toàn bộ diện kế phải được đo từ xa.
Riêng tại TPHCM, lưới điện của Thành phố đã sử dụng khoảng 3.000 công tơ ứng dụng giải pháp thu thập dữ liệu từ xa do ICDREC cung cấp. Theo lộ trình xây dựng hệ thống lưới điện thông minh, trong giai đoạn từ nay đến 2020, TPHCM sẽ triển khai thay thế điện kế điện tử kết hợp hệ thống thu thập dữ liệu từ xa cho khoảng 2 triệu công tơ.
Nguồn www.chinhphu.vn