Hệ thống TRAPPIST-1
NASA cho biết hệ thống này có tên gọi TRAPPIST-1, cách Trái Đất khoảng 40 năm ánh sáng. Ba trong số những hành tinh này nằm trong khu vực có thể sống được – khu vực xoay quanh một ngôi sao mà một hành tinh có thể duy trì nước ở trạng thái lỏng trên bề mặt.
Trong điều kiện khí hậu phù hợp, cả 7 hành tinh này đều có thể có nước ở thể lỏng – chìa khóa dẫn đến sự sống, tuy nhiên cơ hội lớn nhất thuộc về 3 hành tinh nằm trong khu vực có thể sống được.
Phát hiện này đã lập kỷ lục mới về số lượng hành tinh nằm trong khu vực có thể sống được xung quanh một ngôi sao ở bên ngoài Hệ Mặt trời. Đây có thể là một mảnh ghép quan trọng trong quá trình tìm kiếm một môi trường có thể duy trì sự sống bên ngoài Trái Đất.
Nhà khoa học Amaury Triaud tại Đại học Cambridge (Anh) gọi đây là một bước tiến quan trọng trong việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Trong khi đó, giáo sư Brice-Olivier Demory của Đại học Bern (Thụy Sĩ) khẳng định cho đến nay, TRAPPIST-1 là cơ hội tốt nhất của nhân loại trong cuộc truy tìm sự sống ngoài Trái Đất.
Trước đó vào hồi tháng 8/2016, Tổ chức nghiên cứu Vũ trụ châu Âu tại Nam Bán cầu (ESO) xác nhận sự tồn tại của Proxima Centauri b (thường gọi là Proxima b) - hành tinh được mệnh danh là Trái Đất thứ 2, lại có khoảng cách cực kỳ gần với Trái Đất - chỉ 4 năm ánh sáng.
Proxima b đã thắp lên hy vọng trở thành một căn cứ của loài người trong tương lai. Nhưng rất tiếc chỉ sau vài tháng, khả năng nuôi dưỡng sự sống của hành tinh này gần như đã bị bác bỏ do môi trường quá khắc nghiệt.
Nguồn www.chinhphu.vn