Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Trong tháng 1-2017, Trung Quốc đã ghi nhận 109 trường hợp người bị nhiễm vi-rút cúm gia cầm A/H7N9; nhiều ổ dịch cúm gia cầm độc lực cao như cúm gia cầm A/H5N2, A/H5N8 và A/H5N6 cũng đã xảy ra tại Trung Quốc. Tại Việt Nam, tuy chưa phát hiện trường hợp người và gia cầm bị nhiễm cúm gia cầm A/H5N9 nhưng hiện nay cả nước có 7 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 tại 6 tỉnh (Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai và Quảng Ngãi) chưa qua 21 ngày.
Tại tỉnh Ninh Thuận, mặc dù chưa xảy ra các ổ dịch cúm gia cầm và kết quả giám sát cúm gia cầm trong 3 tháng cuối năm 2016 chưa phát hiện có sự lưu hành cúm gia cầm A/H5N1 nhưng tỷ lệ lưu hành vi-rút cúm gia cầm A/H5N6 trên đàn gia cầm nuôi là khá cao (18/60 mẫu dương tính-tỷ lệ mẫu nhiễm 30%). Như vậy, nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm trên địa bàn tỉnh ta là khá cao.
Nhằm triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn vi-rút cúm gia cầm A/H7N9 và các chủng vi-rút cúm gia cầm khác từ bên ngoài xâm nhiễm vào tỉnh ta, trong đó công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng là khâu quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh còn tồn tại trong môi trường tự nhiên, làm giảm thiểu mật độ lưu hành vi-rút, ngăn chặn dịch bệnh gia súc, gia cầm phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì, phối với với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các sở, ngành và đơn vị liên quan tổ chức hướng dẫn cách thức, nội dung, kế hoạch tổ chức triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 1536/BNN-TY ngày 21-2-2017; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm theo đúng thời gian quy định, đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2017” trên địa bàn huyện, thành phố; cụ thể như sau:
a) Thời gian thực hiện: Từ ngày 10-3-2017 đến 10-4-2017.
b) Nội dung:
- Rà soát lượng hóa chất còn tồn tại địa phương và đăng ký với Chi cục Chăn nuôi và Thú y để tiếp nhận hóa chất triển khai thực hiện “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2017” tại địa phương.
- Tuyên truyền, vận động tất cả các trại chăn nuôi tập trung, hộ gia đình chăn nuôi; cơ sở ấp nở gia cầm, thủy cầm; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; Ban quản lý các chợ có buôn bán gia súc, gia cầm thực hiện vệ sinh môi trường như: Phát quang cây cỏ xung quanh chuồng nuôi; khơi thông cống rãnh; quét dọn sạch sẽ khu vực nuôi nhốt gia súc, gia cầm, nơi buôn bán; thu gom phân rác, chất độn chuồng để đốt hoặc chôn.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thành lập đội phun thuốc sát trùng tại khu vực chăn nuôi các hộ gia đình, nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm mỗi tuần một lần; các chợ buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm sau mỗi buổi chợ; các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng sau mỗi ca sản xuất; phương tiện, dụng cụ vận chuyển động vật, sản phẩm động vật được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trước khi ra khỏi cơ sở giết mổ, khi vào, ra khỏi chợ. Việc phun xịt tiêu độc, khủ trùng chỉ được thực hiện sau khi đã được vệ sinh cơ giới như quét dọn, cọ rửa…
- Kinh phí thực hiện: Trích từ nguồn kinh phí dự phòng của các huyện, thành phố để tổ chức triển khai thực hiện. Riêng những trại chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ tập trung, cơ sở ấp trứng gia cầm tự lo vật tư, kinh phí, tổ chức thực hiện theo sự giám sát của chính quyền địa phương và chuyên môn chú y.
3. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm Y tế dự phòng và các đơn vị trực thuộc có liên quan tăng cường giám sát, phối hợp với ngành Nông nghiệp trong công tác phòng, chống dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ, phối hợp với lực lượng Thú y triển khai thực hiện tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường.
4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận, hệ thống truyền thanh địa phương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường tuyên truyền sâu, rộng nhằm nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh về công tác tiêu độc, khử trùng để phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm; ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, lây lan; đặc biệt thực hiện cao điểm “Tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2017”.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, đơn vị liên quan và nhân dân trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này; báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch cúm gia cầm và Ủy ban nhân dân tỉnh. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết.