(NTO) Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” và Quy định số 101-QÐ/TW ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”, vừa qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã ban hành Quy chế nêu gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, đơn vị.
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh,
Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã tổ chức học tập, quán triệt và triển khai cho đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Qua đó, Đảng ủy Khối đề nghị cấp ủy các chi, đảng bộ trực thuộc và toàn thể đảng viên học tập và vận dụng vào nhiệm vụ chính trị được giao.
Trong ảnh: Đảng ủy Khối quán triệt Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị.
Ảnh: V.M
Theo đó, yêu cầu tất cả cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, đơn vị phải nâng cao nhận thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên phải theo phương châm “Trên trước, dưới sau”, “Trong trước, ngoài sau”, “Học đi đôi với làm theo”; cấp ủy viên nêu gương cho đảng viên, đảng viên nêu gương cho quần chúng; cán bộ cấp trên nêu gương cho cán bộ cấp dưới; thủ trưởng cơ quan, đơn vị nêu gương cho công chức, viên chức và người lao động.
Việc nêu gương của cán bộ, đảng viên phải thể hiện toàn diện trên các mặt về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong; tự phê bình và phê bình; quan hệ với Nhân dân; trách nhiệm trong công tác; ý thức tổ chức kỷ luật và đoàn kết nội bộ... Trong đó, nội dung nêu gương về trách nhiệm trong công tác, cần nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong lao động, sản xuất, công tác. Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm. Hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thi đua và các biểu hiện tiêu cực khác. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, “lợi ích nhóm”. Đối với người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, đơn vị, ngoài nội dung nêu gương theo các mặt trên, thêm yêu cầu đảng viên là người đứng đầu cấp ủy và cơ quan, đơn vị phải có năng lực tham gia, quyết định và tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ trong phạm vi trách nhiệm lãnh đạo của mình; có bản lĩnh chính trị vững vàng; năng lực điều hành, tập hợp quần chúng, biết sử dụng nhân tài, phối hợp công tác; có khả năng đúc rút kinh nghiệm và tổng kết thực tiễn; có phong cách làm việc khoa học, nói đi đôi với làm, sâu sát thực tế; biết lắng nghe, nhạy bén, có năng lực dự báo nắm bắt thời cơ, biết quyết đoán, biết làm, dám chịu trách nhiệm, có năng lực làm công tác tư tưởng và công tác vận động quần chúng.
Đối với cấp ủy các chi, đảng bộ cơ sở có trách nhiệm lãnh đạo cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, đơn vị nâng cao nhận thức, nắm vững về ý nghĩa, mục đích, yêu cầu; đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành công việc tự giác, thường xuyên của mỗi cấp ủy, tổ chức đảng, của từng cơ quan, đơn vị, trước hết là của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên. Cấp ủy cơ sở tùy theo đặc thù, tình hình, điều kiện của cơ quan, đơn vị, xác định rõ những nội dung đột phá nhằm làm chuyển biến rõ nét trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là đổi mới phong cách, tác phong công tác gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với Nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc, “nói đi đôi với làm”. Chủ động phát hiện, ngăn ngừa, đấu tranh có hiệu quả với những biểu hiện tiêu cực về tư tưởng và hành động (nói, viết, làm) trái với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Kịp thời đấu tranh phòng, chống sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý; xây dựng mối đoàn kết thống nhất cao, chống trì trệ, quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gây ảnh hưởng không tốt trong cơ quan, đơn vị; phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Để nâng cao hiệu quả trong việc nêu gương, cấp ủy cơ sở cần phân công cấp ủy viên hoặc đảng viên phụ trách cụ thể các lĩnh vực công tác trong cơ quan, đơn vị, trong các tổ chức đoàn thể; tăng cường lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát và tiến hành kiểm tra, giám sát theo quy định; tổ chức thẩm tra xác minh, kết luận kịp thời đơn thư khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết, không để tồn đọng, kéo dài. Xử lý nghiêm minh, kịp thời những cán bộ, đảng viên tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; các hiện tượng biểu hiện quan liêu, thiếu dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ và trù dập người đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí…
Nhật Nguyên