Phụ nữ Phước Tiến: Giúp nhau phát triển kinh tế

(NTO) Hội Phụ nữ (PN) xã Phước Tiến (Bác Ái) có 747 hội viên, sinh hoạt ở 6 chi hội. Là địa phương thuần nông, thu nhập của người dân chủ yếu từ cây lúa nên đời sống của nhiều hội viên, PN còn khó khăn. Vì vậy, Hội chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chị em; rà soát, lên danh sách hội viên có hoàn cảnh khó khăn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội đã tạo điều kiện cho hàng trăm hội viên vay vốn phát triển kinh tế, với tổng dư nợ gần 10 tỷ đồng. 100% cán bộ Hội và tổ tiết kiệm vay vốn được tập huấn, nâng cao kiến thức quản lý vốn vay. Qua đó, công tác quản lý vốn vay thực hiện hiệu quả, các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và không có trường hợp vay hộ hoặc nợ quá hạn.

 
Nhờ tham gia các mô hình kinh tế đời sống gia đình chị Chamaléaa Thị Hằng, thôn Trà Co 2 dần ổn định hơn trước.

Cùng với đó, Hội PN thường xuyên cùng với chính quyền địa phương vận động chị em tham gia các mô hình do Dự án Hỗ trợ Tam nông hỗ trợ như: Nuôi heo đen lai, nuôi bò đực giống, bò cái sinh sản. Sau khi tham gia các mô hình, có hơn 300 hộ được tiếp cận các quy trình kỹ thuật chăn nuôi bò, heo, khắc phục tập quán chăn nuôi lạc hậu trước đây. Nhờ đó, một số hộ nghèo, cận nghèo đã thoát nghèo và hỗ trợ lại cho các hộ khác phát triển chăn nuôi như hộ Pinăng Thị Ngánh, Chamaléa Thị Hằng (thôn Trà Co 2)…

Đồng hành cùng hội viên phát triển kinh tế, hằng năm, Hội còn chủ động phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức tốt các lớp tập huấn khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học-kỹ thuật mới về trồng lúa nước, nuôi bò và giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mở ra hướng làm ăn mới, giúp hội viên, PN phát triển kinh tế. Tiêu biểu như lớp tập huấn về kỹ năng bán hàng, định giá sản phẩm, bày biện hàng hóa... qua đó, nhiều chị em chủ động đăng ký bán hàng tại phiên chợ của địa phương, nâng cao thu nhập.

Từ nguồn vốn vay và kiến thức đã học, các chị mạnh dạn đầu tư, nhân rộng nhóm cây trồng, vật nuôi chủ lực gồm: bắp, lúa; chăn nuôi dê, bò, tổ chức buôn bán nhỏ mang lại hiệu quả kinh tế khá. Đơn cử như chị Chamaléa Thị Hằng, thôn Trà Co 2 trước đây thuộc diện hộ cận nghèo, thu nhập bấp bênh. Năm 2014, tham gia mô hình nuôi bò rẻ, đến nay gia đình chị có 3 con bò. Chị còn đăng ký tham gia bán cá bắt được từ suối tại phiên chợ Phước Tiến. Chị Hằng chia sẻ: Nhờ sự hỗ trợ của các cấp Hội, nên đời sống gia đình dần ổn định. Trước đây, những con cá bắt được mình thường đem đổi hàng hóa, từ ngày tham gia phiên chợ, mình có thêm thu nhập từ 180.000-200.000 đồng/phiên chợ.

Nhằm xây dựng mối đoàn kết trong hội viên, PN, Hội vận động thành lập tổ vần đổi công với 30 hộ tại thôn Đá Bàn, cùng hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, giúp đỡ về vốn, vật tư sản xuất, từ đó tạo thành phong trào PN giúp nhau phát triển kinh tế sôi nổi. Với những hội viên, PN khó khăn, không có khả năng lao động, Hội thường xuyên vận động quyên góp thăm hỏi, động viên chị em vươn lên trong cuộc sống.

Nhờ những việc làm thiết thực của Hội PN xã, cùng tinh thần chủ động, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế của hội viên nên đời sống của nhiều hội viên, PN ở Phước Tiến được nâng lên, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 7,8%.