Thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị số 03/CT-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội nhằm hoàn thành cơ bản các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Nâng cao chất lượng, giảm giá thành nhà ở

Về nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có trách nhiệm tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính… để huy động các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, doanh nghiệp có sử dụng nhiều lao động và người dân tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở cho công nhân tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố để cho người dân, công nhân lao động… được thuê, thuê mua và mua để cải thiện chỗ ở.

Trong thời gian tới tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân, có cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa của các dự án xây dựng nhà ở xã hội ở đô thị và khu công nghiệp.

Để nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu, ban hành bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội, nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng vật liệu mới… nhằm giảm giá thành nhà ở xã hội, cơ cấu sản phẩm nhà ở phù hợp, bảo đảm các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu về y tế, giáo dục, văn hóa,… trong các dự án xây dựng nhà ở và khu công nghiệp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp, nguồn lực để giải quyết triệt để vấn đề nhà ở phòng, chống bão, lụt cho các hộ nghèo khu vực miền Trung.

Tạo điều kiện để DN và người dân tham gia phát triển nhà ở xã hội

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Khi quy hoạch các khu đô thị mới, khu công nghiệp mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo nhất thiết phải kèm theo quy hoạch nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên kèm theo các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao... theo quy định của pháp luật.

Bố trí nguồn lực hợp lý để đầu tư các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hoá, thể dục, thể thao,... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động. Nhất thiết phải sử dụng nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án nhà ở thương mại có quy mô dưới 10 ha do các chủ đầu tư nộp và hỗ trợ từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp, người nghèo, người thu nhập thấp tại các đô thị trên địa bàn theo quy định của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội.

Đồng thời, tập trung đẩy mạnh việc triển khai các Chương trình nhà ở xã hội; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp và người dân tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và nhà ở cho thuê; công khai, minh bạch các đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn.

TP Hồ Chí Minh: Không để người dân không kịp về quê ăn tết

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai ngay các giải pháp khắc phục ùn tắc giao thông trên địa bàn Thành phố, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017.

Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu UBND Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các Bộ có liên quan kiên quyết xóa bỏ tình trạng xe dù, bến cóc, nhất là trong các ngày đầu, ngày cuối dịp nghỉ Lễ, Tết; khảo sát và xử lý quyết liệt, triệt để hơn các điểm đen về ùn tắc giao thông, nhất là đối với các vị trí thường xuyên xảy ra ùn tắc kéo dài; tăng cường các lực lượng chức năng như Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông vận tải, chính quyền địa phương sở tại và lực lượng thanh niên xung phong… ứng trực, phân luồng, hướng dẫn người tham gia giao thông, tránh xảy ra xung đột giao thông tại các vị trí này; huy động tối đa phương tiện phục vụ giao thông trong dịp Tết; kiên quyết không để người dân không kịp về quê ăn tết vì lý do không có phương tiện giao thông.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về quản lý đô thị của Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó có nhiệm vụ hạn chế tăng dân số trong khu vực nội đô ở một số khu vực trên địa bàn Thành phố; tập trung rà soát lại toàn bộ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển giao thông vận tải đô thị; lưu ý bảo đảm mật độ xây dựng theo quy định; rà soát lại toàn bộ các dự án xây dựng nhà cao tầng trong nội đô; nghiên cứu xây dựng các đô thị vệ tinh vùng nhằm kéo giãn dân số ở khu vực nội đô Thành phố; có lộ trình kiểm soát và hạn chế phương tiện cá nhân; tăng cường phát triển giao thông công cộng như xe buýt thường, xe buýt nhanh (BRT)…

Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương có liên quan nghiên cứu triển khai xây dựng các tuyến đường từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ về cảng Long An để giảm lưu lượng phượng tiện về Thành phố Hồ Chí Minh.

Mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất

Thủ tướng cũng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh phải triển khai đầu tư các bến xe khách, xe tải đảm bảo kết nối đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; các bãi đỗ xe ngầm, nổi phục vụ giao thông tĩnh theo quy hoạch (đặc biệt khu vực trung tâm thành phố để hạn chế đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè, giảm ùn tắc giao thông); tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa giao thông; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đối với người tham gia giao thông; chỉ đạo các lực lượng chức năng của địa phương phối hợp với các lực lượng của Bộ Công an tăng cường tuần tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm pháp luật về trật tự giao thông trên địa bàn.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh khẩn trương xây dựng các phương án đầu tư, nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/2/2017.

Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 37 điểm có nguy cơ cao ùn tắc giao thông. Ngoài ra, trên một số tuyến đường hướng tâm, vành đai, xung quanh khu vực bến xe, nhà ga, các tuyến đường ra vào Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất... có lưu lượng giao thông lớn, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm và khi có sự cố giao thông cũng như khi thời tiết xấu.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do việc tổ chức triển khai và quản lý quy hoạch xây dựng chưa tốt, việc kiểm soát dân số đô thị còn nhiều hạn chế, tổ chức không gian đô thị chưa hợp lý, công tác tổ chức giao thông còn nhiều bất cập...

Xử lý nghiêm hành vi cản trở hoạt động xe buýt nhanh

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu UBND thành phố Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tham gia giao thông chấp hành nghiêm quy định về làn đường đối với tuyến xe buýt nhanh; có biện pháp xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm gây cản trở hoạt động của xe buýt nhanh.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cũng cần rà soát, đánh giá hiệu quả của tuyến xe buýt nhanh để có lịch trình, giá vé phù hợp.

Trên là một trong những giải pháp nhằm giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội được nêu tại văn bản số 35/TB-VPCP.

Để giải quyết ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố, Thủ tướng cũng yêu cầu trong thời gian tới thành phố Hà Nội phải hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách về quản lý đô thị Hà Nội, trong đó có nhiệm vụ hạn chế tăng dân số trong khu vực nội đô lịch sử; tập trung rà soát lại toàn bộ quy hoạch phát triển giao thông vận tải đô thị Hà Nội; rà soát lại toàn bộ các dự án xây dựng nhà cao tầng trong nội đô, phải chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, các nút giao thông xung quanh gần khu vực dự án trước khi đầu tư xây dựng công trình; thực hiện nghiêm Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

Đồng thời, nghiên cứu xây dựng chương trình tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, giao thông ngầm, đường trên cao; tập trung đầu tư hoàn thiện khép kín vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3, vành đai 3,5, vành đai 4, vành đai 5; các trục hướng tâm: Quốc lộ 6, Quốc lộ 1A, Quốc lộ 21, Đường 70, các trục chính đô thị kết nối với các tuyến đường vành đai…

Triển khai đầu tư các cầu qua sông Hồng, sông Đuống theo hệ thống đường vành đai như: Cầu Vĩnh Tuy (Giai đoạn 2), cầu Hồng Hà, cầu Mễ Sở, cầu Tứ Liên, cầu Thượng Cát, cầu Ngọc Hồi, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Đuống 2; hoàn thành dứt điểm các tuyến đường sắt đô thị số 2A (Cát Linh - Hà Đông), số 3 (Nhổn - ga Hà Nội); tập trung triển khai sớm 06 tuyến đường sắt đô thị còn lại theo quy hoạch.

Đầu tư các bến xe khách, xe tải đảm bảo kết nối đường bộ, đường sắt; các bãi đỗ xe ngầm, nổi phục vụ giao thông tĩnh theo quy hoạch (đặc biệt khu vực trung tâm thành phố để hạn chế đỗ xe dưới lòng đường, vỉa hè, giảm ùn tắc giao thông).

Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các Bộ có liên quan triển khai ngay các giải pháp để tổ chức giao thông dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017 như: kiên quyết xóa bỏ tình trạng xe dù, bến cóc; thành lập tổ công tác để giải quyết trật tự giao thông tại các cảng hàng không, nhà ga, bến xe, hoạt động của xe taxi..; tổ chức phân luồng phương tiện ra vào tại các tuyến giao thông cửa ngõ.

Bình Phước tiên phong đổi mới, phát triển nông nghiệp chất lượng cao

Trong Thông báo số 41/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước, Thủ tướng yêu cầu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, tổ chức thử nghiệm và thực nghiệm những đột phá mới về thể chế, chính sách, mô hình tiên tiến trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu là một tỉnh tiên phong đổi mới, phát triển nền nông nghiệp theo hướng thông minh, hữu cơ, chất lượng cao, trong đó tập trung vào sản xuất, chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị và giá trị gia tăng cao, thương hiệu quốc gia, đại diện xứng đáng cho thương hiệu nông nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực và quốc tế.

Bình Phước cũng cần phát triển các ngành công nghiệp thân thiện với môi trường, nhất là công nghiệp phục vụ cho mục tiêu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cùng với đó là bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường, giữ gìn bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch; Bình Phước phải là hình mẫu của khu vực Đông Nam Bộ và cả nước trong việc thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho bà con nông dân, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc thiểu số.

Thủ tướng yêu cầu Bình Phước cập nhật, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các quy hoạch, nhất là quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp, bao gồm đất có rừng và đất chưa có rừng, từ đó có kế hoạch trồng, bảo vệ, phát triển rừng gắn với sắp xếp lại nông lâm trường, giải quyết đất cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào nghèo phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Xây dựng chương trình, kế hoạch để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế đất đai, khí hậu gắn với quy hoạch có tính đặc thù, tạo lợi thế cạnh tranh, phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp, mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao; tăng cường liên kết giữa sản xuất với thị trường, giữa nông nghiệp với công nghiệp và liên kết vùng.

Thủ tướng lưu ý Bình Phước chuẩn bị đầy đủ, cung cấp kịp thời hàng hóa phục vụ Nhân dân; quan tâm, chăm lo thiết thực cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đón Tết Nguyên Đán Đinh Dậu sắp tới trong không khí vui tươi, đầm ấm, an toàn và tiết kiệm.

Gia Lai phấn đấu đến 2020 có trên 7 nghìn doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tỉnh Gia Lai tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, phát huy các tiềm năng, thế mạnh của Tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020 có trên 7 nghìn doanh nghiệp.

Đó là một trong những nội dung tại Thông báo số 45/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Gia Lai.

Cũng tại Thông báo này, Thủ tướng yêu cầu Gia Lai xác định đúng vị trí trung tâm tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, tạo khung chính sách để thu hút các nhà đầu tư, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tổ chức thử nghiệm và thực nghiệm những đột phá mới về thể chế, chính sách, mô hình tiên tiến trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phấn đấu là một Tỉnh tiên phong đổi mới, phát triển mạnh doanh nghiệp nông nghiệp, mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao trong đó tập trung vào sản xuất, chế biến sâu tạo ra các sản phẩm có giá trị tăng cao, thương hiệu quốc gia, tăng cường liên kết giữa sản xuất với thị trường, giữa nông nghiệp với công nghiệp và liên kết vùng.

Bên cạnh đó, phát huy tiềm năng để phát triển du lịch, quy hoạch tổng thể các điểm, loại hình sản phẩm, tuyến du lịch phù hợp với tiềm năng lợi thế so sánh, đặc biệt là du lịch sinh thái và du lịch văn hóa gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, tăng cường liên kết với các Tỉnh trong vùng và các trung tâm du lịch lớn của cả nước, giữ gìn môi trường sinh thái, nguồn nước và các sản phẩm sạch phục vụ cho dịch vụ du lịch.

Gia Lai cũng cần tiếp tục đổi mới giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, gia cường nền tảng xã hội và tập trung giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, tranh chấp khiếu kiện liên quan đến đất đai, ô nhiễm môi trường, phân hóa giàu nghèo và trấn áp các loại tội phạm không để xảy ra các điểm nóng phức tạp về an ninh trật tự và an toàn xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, chủ quyền, biên giới quốc gia.

Bắc Kạn quyết liệt phát triển KT-XH

Bắc Kạn cần phát huy truyền thống tốt đẹp, khẩn trương khắc phục tồn tại, hạn chế, yếu kém, đoàn kết, nỗ lực vươn lên mạnh mẽ, khai thác tiềm năng, lợi thế để có giải pháp đột phá, thực hiện quyết liệt để xây dựng Tỉnh phát triển nhanh, bền vững, toàn diện.

Trên là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại văn bản số 42/TB-VPCP.

Bắc Kạn là tỉnh nghèo, điều kiện phát triển kinh tế còn nhiều khó khăn. Quy mô kinh tế còn nhỏ, phát triển chưa bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; hiệu quả và năng lực cạnh tranh còn thấp; ngành nông, lâm nghiệp, du lịch và dịch vụ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Hệ thống kết cấu hạ tầng còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối với các trung tâm kinh tế; đời sống của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc còn khó khăn; nguồn lao động chất lượng còn thấp; có nơi vẫn còn tiềm ẩn sự phức tạp về an ninh, trật tự an toàn xã hội. Giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (29,4%) so với bình quân của cả nước (9,31%)...

Để khắc phục những hạn chế trên, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển mạnh các doanh nghiệp nông nghiệp, trang trại, các loại hình kinh tế hợp tác, hình thành các vùng nông nghiệp quy mô lớn, khép kín; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Phát triển các lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh, mà trọng tâm là chế biến nông, lâm sản và chế biến khoáng sản, tháo gỡ khó khăn của một số dự án công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã và đang đầu tư trên địa bàn; có chính sách hỗ trợ để thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến; thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý chặt chẽ sản lượng khai thác; việc cấp giấy phép khoáng sản phải gắn với thị trường tiêu thụ, bảo vệ môi trường và phù hợp với vùng nguyên liệu cung cấp cho các dự án trên địa bàn tỉnhh.

Bắc Kạn cũng cần đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, trọng tâm là du lịch hồ Ba Bể; phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao như: Vận tải, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng; khuyến khích, thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch; huy động hiệu quả các nguồn lực phát triển du lịch; rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể các điểm, loại hình, tuyến du lịch phù hợp với tiềm năng và lợi thế so sánh, tăng cường quảng bá, tạo sự liên kết trong vùng và các trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Cần có quyết tâm chính trị trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển mạnh doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP ngày 28 tháng 4 năm 2016 và Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 của Chính phủ; tạo mọi thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động; đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), đánh giá thực trạng, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục ngay để cải thiện xếp hạng PCI.

Cùng với đó là thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, các chế độ, chính sách đối với người có công, các đối tượng bảo trợ xã hội và hộ nghèo. Đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là đào tạo nghề, tạo việc làm cho người lao động; tăng cường đoàn kết trong đồng bào các dân tộc, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, không để xảy ra điểm nóng về dân tộc, tôn giáo trên địa bàn. Giữ vững an chính trị và trật tự an toàn xã hội; tăng cường các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, giảm thiểu tai nạn giao thông nhất là trước trong và sau tết Nguyên đán 2017.

Nguồn Văn phòng Chính phủ