Có thể nói, gần 3 năm qua, hạn hán khốc liệt, cuối năm 2016, thêm 3 trận lũ lụt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống dân sinh, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình trên, ngành LĐTB-XH đã chủ động tham mưu cho tỉnh kiến nghị Trung ương triển khai hỗ trợ các chính sách kịp thời. Chỉ riêng trong năm 2016, toàn ngành đã cấp phát hơn 13.000 tấn gạo cứu đói cho trên 500.000 lượt người dân vùng thiên tai, đến đúng các đối tượng được thụ hưởng, không để xảy ra sai sót, khiếu kiện. Theo đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐTB-XH: “Việc hỗ trợ gạo kịp thời đã giúp nhân dân vùng ảnh hưởng hạn hán, lũ lụt vuợt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương và tỉnh là không để một người dân nào bị thiếu đót, khát xảy ra. Việc làm này được Bộ LĐTB-XH đánh giá cao”.
Cán bộ tư vấn xuất khẩu lao động cho thanh niên huyện Ninh Phước. Ảnh: Thế Quang
Với quan điểm “cho cần câu hơn xâu cá”, giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững, công tác dạy nghề luôn được ngành quan tâm thực hiện. Ngành chủ động hướng dẫn công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hướng dẫn các cơ sở dạy nghề rà soát giấy phép hoạt động dạy nghề và chuẩn bị các điều kiện, thủ tục hồ sơ đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo Thông tư số 25/2015/TT-LĐTBXH. Trong năm đã tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề cho 8.572 lao động, đạt 104,5%; giải quyết việc làm mới 16.040 lao động, đạt 103,48% kế hoạch năm. Để người lao động dễ dàng tiếp cận với các doanh nghiệp, hằng năm, ngành chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; tổ chức các sàn giao dịch việc làm, giúp đưa thông tin về cung lao động đến các đơn vị, doanh nghiệp cần tuyển lao động. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đó, trong năm 2016, tổ chức tư vấn việc làm cho 5.812 người, trong đó giới thiệu việc làm cho 285 lao động, xuất khẩu 107 lao động đi làm việc nước ngoài.
Bên cạnh đó, các chính sách đối với người nghèo như: Hỗ trợ BHYT, hỗ trợ tiền điện, tiền học cho học sinh nghèo, trợ giúp pháp lý… cũng được các địa phương trong tỉnh nghiêm túc thực hiện. Trong năm, tỉnh đã hỗ trợ mua 152.892 thẻ BHYT cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số, người dân sống ở vùng KT-XH đặc biệt khó khăn, với kinh phí trên 26 tỷ đồng; hỗ trợ trực tiếp tiền điện cho 23.767 hộ nghèo, với số tiền 8,7 tỷ đồng; tổng doanh số cho vay ưu đãi hộ nghèo dư nợ lên 247,4 tỷ đồng. Công tác xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo của tỉnh được chú trọng. Trong năm, Quỹ Vì người nghèo tỉnh đã tiếp nhận sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hơn 8,7 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, đã hỗ trợ xây dựng 310 nhà “Đại đoàn kết” cho người nghèo, với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng; hỗ trợ 100 con bò cái sinh sản, với số tiền hơn 1,9 tỷ đồng cho 50 hộ nghèo của huyện Bác Ái để phát triển chăn nuôi. Quỹ còn hỗ trợ thăm hỏi, tặng quà cho 24.597 hộ nghèo, hộ chính sách, với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.
Năm 2017- năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII, ngành LĐTB-XH, đặt mục tiêu phấn đấu: Giải quyết việc làm cho 15.500 lao động, trong đó xuất khẩu lao động đạt 120 lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1,5-2% theo tiêu chí mới, trong đó huyện nghèo Bác Ái giảm 4-5%; tổ chức tuyển mới dạy nghề 8.200 người và dạy nghề cho 2.600 lao động nông thôn; duy trì 100% xã, phường làm tốt công tác Thương binh-Liệt sỹ và Người có công; cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công, nâng tỷ lệ 100% hộ chính sách có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú...
Để thực hiện mục tiêu trên, đồng chí Hà Anh Quang, Giám đốc Sở LĐTB-XH, cho biết: Bám sát sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành tiếp tục tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác lao động, người có công và xã hội. Trong đó, chú trọng dạy nghề, tạo việc làm mới, nâng cao thu nhập cho người lao động, nhất là tạo việc làm cho thanh niên; giữ vững và tăng thị phần ở các thị trường xuất khẩu lao động. Thực hiện các giải pháp mở rộng diện tham gia và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tăng cường quản lý nhà nước về công tác an toàn vệ sinh lao động. Tập trung xử lý dứt điểm các trường hợp tồn đọng về xác nhận, công nhận người có công; tiếp tục thực hiện đồng bộ và hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án về giảm nghèo theo hướng bền vững, đầu tư cho công tác giảm nghèo cần dứt điểm, tập trung, không kéo dài và dàn trải. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển đa dạng các hình thức từ thiện, xã hội nhằm chăm sóc tốt hơn cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Bình An