Tuyến đường sắt Bắc-Nam qua tỉnh ta dài 61 km (từ km 1378+200 thuộc xã Công Hải (Thuận Bắc) đến km 1439+200 thuộc xã Cà Ná (Thuận Nam), gồm 8 trạm gác chắn đường ngang). Mỗi khi có đoàn tàu sắp chạy qua, những nhân viên gác tàu lại nhanh chóng đứng vào vị trí, kéo rào chắn ngăn không cho người và phương tiện lưu thông qua lại. Công việc nghe tưởng chừng đơn giản nhưng lại cực kỳ áp lực và khó khăn, họ luôn phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đảm bảo cho những chuyến tàu và các phương tiện khác lưu thông an toàn.
Những người gát chắn ở ga Tháp Chàm bảo đảm an toàn cho tuyến đường sắt Bắc Nam. Ảnh: Sơn Ngọc
Chúng tôi tìm gặp các nhân viên tại trạm gác Tháp Chàm (km 1407+966), nơi có mật độ phương tiện giao thông cao và khá phức tạp. Hơn 6 năm gắn bó với nghề, chị Nguyễn Thị Oanh chia sẻ: Khi mới bắt đầu bước chân vào nghề, tôi vô cùng bỡ ngỡ. Ở đây, mật độ phương tiện qua lại đông, mỗi khi tàu sắp tới, mọi người thường “tranh thủ” chạy qua, mặc dù rào chắn chuẩn bị đóng. Mình không né kịp là bị họ đâm xe vào ngay. Khi tàu qua, chúng tôi bắt đầu mở rào chắn thì họ lại ùa nhau chạy qua, sợ lắm nhưng vì trách nhiệm, chúng tôi vẫn cố gắng bình tĩnh làm tiếp. Công việc chính của các nhân viên trạm gác là nghe điện thoại trực ban, ghi chép cẩn thận nhật ký thời gian tàu đến để kéo chắn ngang. Ngoài ra, người trực gác chắn còn có thêm nhiệm vụ như bảo dưỡng đường ray và giàn chắn, đồng thời quản lý và bảo trì đường sắt hai bên chắn. Hướng dẫn, giúp đỡ người và phương tiện tham gia giao thông được an toàn khi qua đường ngang, đảm bảo không bị ùn tắc.
Chị Trần Thị Hoàn, một “bóng hồng” khác ở trạm gác Tháp Chàm, cho biết: “Mỗi ngày, chúng tôi đón tiếp hàng chục tàu hàng lẫn tàu khách. Những ngày thường, ban ngày có 12 đoàn, ban đêm 18 đoàn. Tết là khoảng thời gian bận rộn nhất, ban ngày có khoảng 20 đoàn, ban đêm khoảng gần 30 đoàn. Vì trạm gác ở gần ga Tháp Chàm nên hay dồn tàu, công việc có thể tăng thêm”. Nhân viên ở trạm gác phải làm việc liên tục 12 giờ thì được nghỉ 12 giờ. Cứ như vậy, dù lễ tết, hễ có ca trực là họ lại miệt mài với công việc. Do đặc thù công việc vô cùng quan trọng nên những quy định trong nghề rất nghiêm ngặt. Cụ thể, khi đã lên ca thì tuyệt đối không được rời nhiệm sở hoặc ngủ, dù trực đêm thì nhân viên gác chắn cũng tuyệt đối không được ngủ, bởi thời điểm này thường có tàu chờ hàng, giờ chạy lại không cố định nên phải luôn tỉnh táo để hoàn thành ca trực…
Một mùa xuân mới lại về. Mọi người đều tất bật với công việc gia đình, thì các nhân viên gác chắn lại lặng lẽ ngày đêm canh giữ cho những chuyến tàu Tết tuyệt đối an toàn.
Kim Thanh