Có thể nói, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và người dân trong xã đã khai thác có hiệu quả các nguồn lực riêng có tại địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Là xã có nguồn đất đai dồi dào, màu mỡ, có hệ thống thủy lợi khá hoàn chỉnh, đặc biệt có hồ Lanh Ra với dung tích chứa trên 17 triệu m3 nước nên thuận lợi cho việc sản xuất các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: bắp, táo, hành, nho, mía, thuốc lá, nha đam,... đồng thời thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô trang trại, gia trại gắn với áp dụng các tiến bộ khoa học- kỹ thuật, công nghệ cao...
Xã Phước Vinh đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2016.
Trạm Y tế xã Phước Vinh được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.Ảnh: V.M
Một trong các tiêu chí NTM, Phước Vinh đặc biệt chú trọng đến phát triển kinh tế hộ, tạo cơ sở để thực hiện các tiêu chí quan trọng khác. “Đột phá” của xã là đã chỉ đạo chuyển đổi mạnh về cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chất lượng cao đem lại hiệu quả kinh tế cho hộ dân, bên cạnh đó đưa ứng dụng khoa học- công nghệ áp dụng vào sản xuất; phân vùng chuyên canh, gắn với mời gọi, liên kết các nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) hướng dẫn cho các nông hộ sản xuất và bao tiêu sản phẩm, hình thành các chuỗi giá trị bền vững giữa nông hộ với DN. Mặt khác, địa phương còn chủ động phối hợp với các DN như Công ty CP, Nha Hố, Đông Nam, DN Ba Mọi, Triệu Tín, Hồng Loan,... mở các lớp tập huấn sản xuất theo hợp đồng với DN; phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện và Dự án Hỗ trợ Tam nông tỉnh tập huấn quy trình kỹ thuật sản xuất bắp nhân giống, táo VietGAP, bò Heifer, dê cừu sinh sản, nha đam, mô hình tưới nước tiết kiệm, tập huấn ủ thức ăn gia súc để sử dụng trong mùa hạn hán kéo dài... Nhờ đó, nhiều mô hình các loại cây trồng và chăn nuôi hiệu quả đang được áp dụng rộng rãi tại địa bàn các thôn như: Mô hình táo VietGAP tại thôn Bảo Vinh và Phước An 1; bò Heifer và dê sinh sản tại thôn Liên Sơn 2 và Bảo Vinh; mô hình nha đam tại thôn Bảo Vinh... Đơn cử như mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ bắp: Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và liên kết sản xuất bắp nhân giống với Công ty CP, Công ty Cổ phần Đông Nam và Trung tâm Sản xuất giống Nha Hố nên năng suất tăng từ 65 tạ/ha (năm 2011) lên 72-80 tạ/ha, năng suất bình quân của cây bắp lai hiện nay lên đến 90 tạ/ha, sau khi trừ chi phí người sản xuất lãi bình quân từ 25-30 triệu đồng/ha. Nhờ sản xuất hiệu quả nên diện tích bắp nhân giống không ngừng mở rộng, hiện nông dân toàn xã đã hợp đồng với DN sản xuất trên 575 ha. Tính đến năm 2016, xã Phước Vinh có 22 nhóm sở thích hoạt động tương đối hiệu quả. Hằng năm đã thực hiện tốt luân canh chuyển đổi cây trồng nhằm nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, các mô hình đầu tư trang trại chăn nuôi heo thịt của Công ty CP theo hình thức tập trung khép kín từ 2 trại đã nâng lên 5 trại, thu nhập hàng năm trên 400 triệu đồng/trại; mô hình trang trại gà công nghiệp đẻ trứng đạt năng suất 115.000 trứng/ngày đêm với quy mô 120.000 con; mô hình trồng trọt, chăn nuôi bò, dê sinh sản, sản xuất thực phẩm, thức ăn gia súc... đạt hiệu quả kinh tế cao.
Sau 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, địa phương đã có bước phát triển đáng mừng trên nhiều lĩnh vực. Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 13%. Trong đó, giá trị sản xuất ngành nông-lâm nghiệp tăng 9%; tiểu thủ công nghiệp và xây dựng tăng 18,6%; thương mại-dịch vụ tăng 20%; thu nhập bình quân đầu người nếu năm 2011 chỉ đạt 9,6 triệu đồng/người/năm thì đến nay tăng lên 27,82 triệu đồng/người/năm. Văn hóa-xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ, trên 4.890 lao động có việc làm thường xuyên, đạt 91,3%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,96% theo chuẩn mới; tỷ lệ hộ trong khu dân cư có nhà vệ sinh đạt 95%, sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 98%. Về xây dựng cơ sở hạ tầng, từ các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ của Chương trình xây dựng NTM của cấp trên, các nguồn vốn lồng ghép và đóng góp của các tổ chức, Nhân dân, với tổng số trên 57,29 tỷ đồng (trong đó Nhân dân đóng góp gần 5,54 tỷ đồng) nên nhiều công trình cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới như cơ sở vật chất trường học, các công trình phục vụ văn hóa, thể dục - thể thao, trạm y tế, điện, nước, các tuyến đường giao thông nội thôn, giao thông nội đồng, tuyến kênh mương, công trình phục vụ dân sinh, nhà ở cho hộ nghèo và gia đình chính sách. Ngoài ra, xã còn triển khai các mô hình như vận động Nhân dân làm hàng rào cây xanh, cột cờ và thu gom rác, mô hình mua bảo hiểm y tế, mô hình thôn tự quản về môi trường và an toàn giao thông; nhờ đó đã làm chuyển biến nhận thức đến từng người dân, hộ gia đình trong việc tham gia xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn xanh- sạch - đẹp, gắn với lộ trình xây dựng NTM trên địa bàn xã... qua đó đã tạo diện mạo mới cho nông thôn Phước Vinh hôm nay.
Nông dân xã Phước Vinh chuyển dịch cơ cấu cây trồng ít sử dụng nước tưới, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ảnh: Sơn Ngọc
Phấn khởi trước những thành quả đã đạt được, đồng chí Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Phước Vinh, tâm đắc: Xác định xây dựng NTM phải nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần cho Nhân dân là mục tiêu cơ bản. Vì vậy, phải thực hiện toàn diện trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của Nhân dân, phải ưu tiên các tiêu chí cần thiết, cấp bách đầu tư trước, còn lại đầu tư sau. Phát huy tốt nội lực, vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, nhất là trong việc huy động nguồn lực từ Nhân dân và doanh nghiệp... Tuy nhiên, đồng chí Trần Văn Hùng cũng trăn trở: Được công nhận là xã NTM cũng chỉ ở bước khởi đầu, vấn đề quan trọng vẫn là làm thế nào để tiếp tục nâng cao các tiêu chí đã đạt, NTM Phước Vinh ngày càng phát triển thực chất, đời sống người dân ngày được nâng cao. Muốn vậy, ngoài nội lực của địa phương rất cần sự hỗ trợ của cấp trên, nhất là đối với thôn Liên Sơn 2-thôn đồng bào dân tộc Raglai đặc biệt khó khăn để nhân dân trong thôn có cuộc sống tốt hơn.
Mai Dũng