1. Chiều cuối năm, cầu cảng Cam Ranh (Khánh Hòa) như đông vui, náo nức hơn bởi những nụ cười của người lính trẻ chuẩn bị thay quân, tiếng huyên náo reo hò vận chuyển hàng hóa lên boong tàu, tiếng loa phát lệnh, điểm danh. Tia nắng hồng sau những ngày mưa kéo dài như hòa trong gió biển lồng lộng… Những chuyến tàu mang thông điệp tin yêu, để “Trường Sa không xa đâu”…
Đúng 16 giờ, 3 con tàu HQ 936, HQ 561, HQ 571 kéo hồi còi dài gửi lời chào tạm biệt đất liền để đến với biển đảo Trường Sa, hướng về các đảo Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn; Phan Vinh, Tốc Tan, Núi Le, Tiên Lữ, An Bang, Thuyền Chài; Đá Lớn, Cô Lin, Len Đao, Sinh Tồn Đông, Tiên Nữ, Núi Le, Tốc Tan, Phan Vinh... Hơi ấm đất liền đang truyền ra đảo xa đến với những người con đất Việt kiên trung nơi đầu sóng ngọn gió.
Các tàu chuẩn bị rời cảng Cam Ranh hướng về Trường Sa thân yêu.
Những chuyến tàu Tết như thế này không đơn thuần là mang quà, hàng hóa, mà chất chứa những yêu thương, mang theo niềm hạnh phúc, niềm vui được gửi gắm trong hàng trăm lá thư của những người thân đến với các cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, dệt nên niềm tin để người lính đảo Trường Sa vượt lên những khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió, vững tâm bảo vệ vững chắc biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Riêng đoàn chúng tôi theo tàu HQ 571 và đây là lần thứ 2, tôi được tham gia cùng đoàn lên tuyến Bắc, gồm các đảo: Song Tử Tây, Đá Thị, Đá Nam, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn. Trên tàu HQ 571, chúng tôi được gặp nhiều lính trẻ lần đầu tiên ra Trường Sa, tất cả đều ngời sáng lên niềm tự hào khi được góp một phần sức trẻ của mình cho quê hương, đất nước với lời hứa quyết tâm: Đất liền hãy tin tưởng ở chúng tôi.
2. Lần thứ hai trở lại Âu tàu ở đảo Song Tử Tây, chúng tôi lại tận mắt chứng kiến Tổ dịch vụ hậu cần (Đội dịch vụ hậu cần nghề cá nhân dân Âu tàu đảo Song Tử Tây) cứu được những còn tàu của ngư dân khi đánh bắt ở đảo Trường Sa gặp nạn.
Các phóng viên tác nghiệp tại công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ở đảo Sơn Ca.
Biển Trường Sa vào những ngày cuối đông vẫn động mạnh. Đoàn công tác của tàu HQ 571 và các phóng viên vào đảo Song Tử Tây thăm, chúc mừng và tặng quà Tết Đinh Dậu năm 2017 sớm cho quân và dân trên đảo. Ở đây vẫn có những tàu đánh cá của ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ neo đậu. Hỏi ra mới biết, những con tàu này gặp nạn khi đánh bắt ở gần đảo Song Tử Tây. Thuyền trưởng Phạm Bé, tàu Bình Định mang số hiệu BĐ 91338, cho hay: “Tàu gặp nạn cách đảo Song Tử Tây về phía Tây Nam khoảng 120 hải lý. Ngày 21-12, được lực lượng 128 của đảo Song Tử Tây giúp đỡ, đã đưa tàu vào đảo để sửa chữa”. Cũng tại Âu tàu, chúng tôi còn được thuyền trưởng Phan Trúc, tàu Phú Yên mang số hiệu PY 96265, thổ lộ: Tàu của tôi bị nạn cách Song Tử Tây khoảng 120 hải lý, tìm cách liên lạc và được lực lượng 128 của đảo kéo vào và tiếp tục được lực lượng cứu hộ 737 tận tình giúp đỡ. Mỗi khi gặp nạn mà được lực lượng cứu chữa kịp thời như thế này, anh em đi biển rất yên tâm...
Khu Dịch vụ hậu cần nghề cá Âu tàu đảo Song Tử Tây này được thành lập từ năm 2008. Chia sẻ với chúng tôi, Thượng tá Nguyễn Mạnh Hồng, Chính trị viên, đảo Song Tử Tây, cho biết: Đây là khu dịch vụ hậu cần nghề cá rất hiệu quả ở Trường Sa, giúp ngư dân đánh bắt xa bờ tiết kiệm được khá nhiều chi phí và thời gian đi lại, tăng thời gian bám biển để khai thác ở những ngư trường thuận lợi, nâng cao hiệu quả và lợi nhuận vươn khơi. Âu tàu có đầy đủ các mặt hàng thiết yếu như: gạo, nước ngọt, thuốc men... phục vụ ngư dân. Âu tàu luôn là điểm tựa, địa chỉ vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển dài ngày, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
3. Ở huyện đảo Trường Sa, trồng rau xanh là nhiệm vụ bắt buộc để cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ. Trong chuyến công tác lần này, đoàn chúng tôi ấn tượng với các vườn rau thanh niên được trồng trên các đảo nổi, đảo chìm.
Sau những giờ làm nhiệm vụ, vào mỗi buổi chiều, các chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây
chăm sóc vườn rau để cải thiện bữa ăn.
Trong bữa cơm trưa trên đảo, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là đĩa rau xanh. Với thời tiết khắc nghiệt, không chủ động nước ngọt mà làm sao có được rau xanh? Tìm hiểu, chúng tôi được các cán bộ, chiến sĩ trên đảo cho biết, trồng rau xanh được đưa cả vào thi đua, vào ý thức hàng ngày để phấn đấu mỗi bữa ăn trên đảo đều phải có rau xanh. Do thời tiết khắc nghiệt, nắng gió, bão táp nên chủng loại rau trồng trên đảo được lựa chọn khắt khe. Rau được chọn trồng chủ yếu là rau dền, rau muống và rau mồng tơi. Để cải thiện bữa ăn cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây, chỉ huy đảo ưu tiên diện tích trên 2.000 m2 để phát triển rau xanh. Thăm vườn rau, chúng tôi được chiến sĩ Vũ Văn Tùng chia sẻ: Hằng ngày hết giờ làm nhiệm vụ, cứ vào mỗi buổi chiều mỗi người lại tăng gia sản xuất như trồng rau góp phần tăng cường rau xanh cho đảo, cho đơn vị và cũng như cho các phân đội bạn.
Hiện đảo Song Tử Tây được Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đầu tư xây dựng 4 nhà vòm trồng rau xanh. Nhờ trồng trong nhà vòm, rau được che chắn khỏi nắng gió, thời tiết khắc nghiệt. Những loại rau ít chịu được nắng gió như cải xanh được ưu tiên trồng trong nhà vòm để đảm bảo năng suất.
Đến các đảo chìm Đá Nam và Đá Thị, cán bộ, chiến sĩ ở đây tận dụng từng khoảng trống xung quanh đảo để trồng rau xanh. Thật ngạc nhiên khi đoàn công tác chúng tôi vào đảo Đá Thị, thấy được mô hình trồng hành lá kiểu mới trong bình nhựa. Gặp “tác giả” của mô hình, Trung úy Lê Văn Trường kể: “Điều kiện trồng rau xanh trên đảo chìm rất khắc nghiệt về diện tích đất, nước tưới… Để có được những cọng hành lá tươi xanh phục vụ cho bữa ăn, tôi đã nảy sinh với ý tưởng trồng hành trong bình nhựa. Xung quanh thân bình được khoét nhiều lỗ, mỗi tầng đất sẽ đặt các lớp hành cũ tím vào lỗ khoét. Sau 7-10 ngày, hành lá sẽ ra và có thể thu hoạch”. Đi vào các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn, đến các cụm chiến đấu, chúng tôi cũng gặp rất nhiều vườn rau xanh được chăm sóc tỉ mỉ.
Tận hưởng các món rau xanh trồng trên các đảo mới biết quý công sức của cán bộ, chiến sĩ tự tay trồng, hiểu phần nào cuộc sống của quân và dân ở biển, đảo. Có đi mới biết, có nhìn mới thấy, có nghe mới thấu hiểu rau xanh ở Trường Sa quý đến độ nào!
4. Chúng tôi gặp nhiều chiến sĩ lần đầu tiên ra đảo Trường Sa làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo của Tổ quốc kể trước đây cũng đã cùng với gia đình thường đi bạn trên thuyền nghề câu cá ở Trường Sa. Binh nhất Trần Quốc Sỹ, ở đảo Nam Yết, quê tỉnh Bình Định, chia sẻ: Gia đình em truyền thống lâu nay sống bằng nghề đi biển. Năm 15 tuổi đã cùng với gia đình và bạn nghề câu cá ngừ đại dương ở vùng biển Trường Sa. Giờ phục vụ ở đảo Nam Yết, em rất tự hào và phấn đấu làm tròn nhiệm vụ và cùng chia sẻ với anh em trên đảo về nghề câu cá, để cải thiện đời sống.
Đối với cán bộ, chiến sĩ đang công tác trên huyện đảo Trường Sa, câu cá lại là niềm đam mê sau những giờ học tập, huấn luyện vất vả, cũng vừa là góp phần tạo thêm phong phú bữa ăn hàng ngày. Theo các anh, cá ở Trường Sa có nhiều loại như cá mú, cá bò bọc thép, cá thu ngừ… nhưng nhiều và dễ câu nhất là cá thu bè. Mỗi cá thu bè thường nặng tối đa khoảng 70 kg, song loại dễ câu nhất là từ 5-15 kg. Vào khoảng giữa tháng 4, tháng 5, ban ngày trời nắng, thủy triều xuống cạn cá con chết nhiều, đến chiều tối chúng tìm vào từng đàn để kiếm ăn. Nếu như ở đảo chìm, chỉ cần buông câu là kéo, còn ở đảo nổi phải thả mồi “phục trước”. Lính đảo thường dùng cước 3-4 mm, lưỡi câu Nhật, cá con, xô chậu… là có thể hành nghề câu cá.
Chúng tôi còn được các chiến sĩ trên huyện đảo Trường Sa chia sẻ: Tuy còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng được vùng vẫy giữa sóng nước, biển trời của Tổ quốc thật hạnh phúc biết bao. Anh em chúng tôi vững tin cùng chung tay bảo vệ biển đảo quê hương, bảo vệ Trường Sa thân yêu.
Phan Hiếu