Những làng biển…
Mùa xuân là thời gian lý tưởng để ngư dân bắt đầu một hành trình mới với niềm tin mới. Điểm “ghé thăm” đầu tiên của chúng tôi là cảng Ninh Chử. Tại đây, ngư dân đang tất bật với những mẻ cá đánh được trong chuyến ra khơi đầu năm. Gặp lại ông Nguyễn Văn Mười, Tổ trưởng Tổ đoàn kết khai thác hải sản trên biển số 9 của thị trấn Khánh Hải, gương mặt của ông lúc nào cũng tươi vui, chia sẻ: Năm 2016, gia đình đóng được chiếc tàu “67”, vì vậy, việc đánh bắt cá ngoài biển Trường Sa rất thuận lợi, thu được hàng ngàn tấn cá các loại, thu lợi hàng chục tỷ đồng.
Làng biển Cà Ná hôm nay . Ảnh: V.M
Gác lại câu chuyện với ông Nguyễn Văn Mười, tiếp tục hành trình, chúng tôi đến với làng cá Mỹ Tân (xã Thanh Hải), nhiều ngư dân đang chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi chuyến đầu xuân. Ông Võ Xuân Lanh là ngư dân thứ 3 trong làng chuẩn bị đóng tàu mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ, ngừng tay mời khách vào nhà tiếp chuyện. “Gia đình có 3 chiếc tàu chuyên đánh bắt và 2 chiếc chuyên thu mua, với trên 50 “bạn” cùng tham gia. Gia đình sống với nghề lưới vây rút chì đã được trên 20 năm! Trong năm vừa rồi, sản lượng khai thác được hàng ngàn tấn, bán và trừ chi phí đầu tư, gia đình thu nhập khoảng 3 tỷ đồng. Còn đối với bạn đi thuyền, mỗi người thu nhập trung bình khoảng 50-60 triệu đồng/năm. Trong năm mới này, gia đình rất vui mừng, vì sẽ có thêm chiếc tàu “67” được đóng mới”–ông Lanh phấn khởi bộc bạch.
Chúng tôi được nhiều ngư dân ở các làng biển nơi đây chia sẻ, Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính phủ đã tạo thêm điều kiện cho ngư dân phát triển nghề khai thác, đánh bắt hải sản và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.
…Và những điểm du lịch
Rời làng biển Mỹ Tân, trên cung đường ven biển Vĩnh Hy-Bình Tiên, cảnh quan tại những điểm du lịch ở cung đường biển này cũng bắt đầu thay đổi. Sắc xuân từ rừng Núi Chúa đang vươn mình. Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là thăm vườn nho ở thôn Thái An (xã Vĩnh Hải). Nho ở vùng đất này vốn nổi tiếng với vị ngọt “thanh”, mọng nước, trái chín đỏ và rất to. Mấy năm gần đây, nông dân trồng nho ở đây bắt đầu chuyển sang làm du lịch, với mô hình dịch vụ tham quan, được ăn miễn phí tại vườn và mua nho với giá hợp lý. Ở đây, chúng tôi được anh Đào Ngọc Kha, người có trên 10 năm kinh nghiệm trồng nho, cho biết: 2 cơn mưa lớn vào tháng 11 và tháng 12 vừa qua làm cho 4 sào nho của gia đình đang trong đợt thu hoạch gần như mất trắng. Bỏ qua thua lỗ, quyết tâm đầu tư sản xuất lại, nay 4 sào nho của gia đình đang phát triển tốt. Cuối tháng Giêng Âm lịch, mong vườn nho sẽ chín kịp để bán và làm dịch vụ cho khách du lịch tham quan.
Vịnh Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải)
Điểm du lịch thu hút đông du khách trong và ngoài nước
đến tham quan. Ảnh: Văn Miên
Đến điểm cuối thôn Vĩnh Hy, phóng tầm nhìn từ trên cao xuống, có thể thấy toàn bộ quang cảnh của làng chài. Bắt chuyện và được anh Nguyễn Văn Tiên, người dân bản địa của thôn, tâm sự: “Tuy năm nay, điểm du lịch ở đây xảy ra sự cố đáng tiếc, nhưng người dân và những doanh nghiệp du lịch vẫn đón được hàng ngàn lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, thưởng thức những món hải sản “đặc sản” nơi đây. Năm mới, mong rằng sẽ có nhiều khởi sắc hơn”. Ông Nguyễn Văn Chương, Bí thư Chi bộ thôn, bộc bạch: “Thời tiết năm nay tuy thay đổi liên tục, nhưng ngư dân sống với nghề đánh bắt cá thu, câu mực... cũng thu nhập khấm khá. Nhiều hộ còn làm thêm nghề dịch vụ du lịch, hướng dẫn du khách mỗi khi có đông du khách về đây tham quan, nghỉ dưỡng”. Chạy dọc suốt cung đường biển Vĩnh Hy-Bình Tiên, chúng tôi đến rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn như: Hang Rái, suối Lồ Ồ… và các làng biển khác như Tri Thủy, Khánh Hội, dọc quanh đầm Nại thật nên thơ và trù phú…
Một mùa xuân mới lại về. Quê hương và con người vùng biển Ninh Hải háo hức với niềm tin và hy vọng mới-cuộc sống sẽ khởi sắc hơn với những gì thiên nhiên ban tặng.
Phan Hiếu