Nồng nàn hương vị nước mắm Cà Ná

(NTO) Về làng nghề nước mắm Cà Ná (Thuận Nam) thưởng thức mùi thơm mặn mòi từ biển, chợt nao lòng nhớ món thịt heo ngâm nước mắm mà các gia đình thường làm để đãi khách lai rai trong ba ngày Tết. Cũng miếng thịt mông, thịt đùi, ba rọi thông thường, nhưng khi ngâm vào nước mắm Cà Ná loại ngon theo tỷ lệ 1 mắm-1 đường là thịt cuộn lại săn chắc, thơm lừng, mang đậm hương vị Tết miền Trung khó quên.

 Nước mắm là thứ gia vị chế biến không ít món ăn “quốc hồn, quốc túy”. Mỗi lần qua tỉnh ta, khách vẫn không quên món bánh tráng cuốn thịt ngâm nước mắm trứ danh. Mấy lần đãi món thịt ngâm nước mắm, bạn tấm tắc khen ngon, tôi “bật mí” bí quyết tạo nên miếng thịt có hương vị đặc trưng là nhờ sử dụng nước mắm Cà Ná để chế biến. Cá cơm mua từ biển về rồi “chượp” (muối) theo công thức 3 cá-1 muối, nhưng nước mắm Cà Ná lại có màu vàng sóng sánh tự nhiên, mùi thơm đậm đà, độ đạm cao hơn so với nước mắm ở nhiều vùng miền khác.

 

Nghề làm nước mắm truyền thống ở Cà Ná.

Anh Huỳnh Văn Nhân, Giám đốc HTX Chế biến nước mắm Cà Ná, cho biết: “Yếu tố làm cho nước nắm Cà Ná chất lượng cao đó là nhờ các hộ có bí quyết gia truyền, sản xuất truyền thống, không sử dụng chất phụ gia”. Giải thích của anh Nhân không sai, nhưng còn thiếu vì nước mắm Cà Ná nổi tiếng khắp vùng phần nhiều nhờ điều kiện tự nhiên ưu đãi, nguồn cá cơm dồi dào, cùng với chất lượng muối ướp có độ mặn hàng đầu chỉ ở đây mới sản xuất được.

Ngược dòng thời gian hơn 300 năm về trước, ngư dân các tỉnh Bình Định, Phú Yên… trên đường di cư vào phương Nam, khi đến Cà Ná phát hiện vùng biển có nguồn cá cơm dồi dào, đã dừng chân lập làng, làm nghề pha xúc khai thác hải sản. Có những thời điểm thời tiết chớm xuân cá cơm trồi lên mặt biển nhiều vô kể, ngư dân tấp nập đánh bắt, tàu thuyền đấy ắp những giỏ cá. Hiện nay, mỗi năm địa phương khai thác được khoảng trên 30 ngàn tấn cá cơm, đảm bảo nguyên liệu dồi dào cho hàng trăm hộ sản xuất nước nắm hoạt động thường xuyên. Những thùng gỗ chứa cả tấn cá cơm trộn lẫn với muối Quán Thẻ nguyên chất đem phơi nhiều tháng liền dưới cái nắng “như rang” của vùng cực Nam Trung Bộ tạo nên thương hiệu riêng của nước mắm Cà Ná không pha lẫn vào đâu được.

Cũng từ điều kiện tự nhiên thuận lợi làm nghề nước mắm, nên gần đây có một số người nơi khác đến chọn Cà Ná đầu tư mở cơ sở làm ăn, nối dài thêm kỳ tích cho làng nghề truyền thống. Tiêu biểu như Cơ sở nước mắm Trần Văn Hưởng mới hình thành nhưng vinh dự được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trao tặng giải thưởng “Điển hình sáng tạo”. Sản phẩm nước mắm siêu sạch của cơ sở sản xuất theo quy trình mới có màu vàng cánh gián bắt mắt, hương vị thơm dịu đặc trưng được nhiều người ưa chuộng. Từ khi cơ sở đăng ký nhãn hiệu hàng hóa và bản quyền sản phẩm, thương hiệu nước mắm siêu sạch Trần Văn Hưởng đã khẳng định được vị thế trên thị trường cả nước.

Nhiều thương hiệu nước mắm khác như Hai Non, Hồng Hương… cũng được khách hàng trong cả nước biết đến. Nước mắm cá cơm xuất xứ từ Cà Ná góp phần làm cho bữa ăn các gia đình Việt Nam thêm đậm đà. Đồng chí Phạm Thanh Hưng, Trưởng phòng Quản lý công nghệ và Chuyên ngành, Sở KH&CN, cho biết: Nghề làm nước mắm ở Cà Ná được hình thành cách đây hàng trăm năm, tạo ra sản phẩm đặc thù của tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn có 265 hộ chuyên làm nghề sản xuất nước mắm, mỗi năm sản xuất hàng triệu lít với tổng giá trị ước đạt 38 tỷ đồng. Nghề sản xuất nước mắm ở Cà Ná đang ngày càng phát triển theo hướng bền vững. Để tạo dựng uy tín cho thương hiệu nước mắm Cà Ná, tháng 9-2016, huyện Thuận Nam đã đăng ký xây dựng Nhãn hiệu chứng nhận nước mắm Cà Ná nhằm chứng minh các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa. Đây là tín hiệu đáng mừng, góp phần thúc đẩy nghề làm nước mắm Cà Ná phát triển lên tầm cao mới.