Ngành Tài nguyên và Môi trường: Nâng cao hiệu quả hoạt động, phục vụ đắc lực phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà

(NTO) Khép lại năm 2016, có thể nói ngành Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đạt nhiều kết quả trên các lĩnh vực được giao, góp phần quan trọng thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển, ổn định xã hội, nhất là trên các lĩnh vực đất đai, môi trường, khoáng sản...

Ghi nhận đầu tiên về lĩnh vực đất đai, việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 đã đạt nhiều kết quả quan trọng; kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Đất đai tại địa phương, không để ách tắc, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Công tác đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cơ bản hoàn thành. Trong năm, đã cấp 275 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 67 tổ chức với diện tích trên 118,3 ha. Giao đất, cho thuê đất 53 tổ chức với tổng diện tích 122,816 ha. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình và cá nhân theo nhu cầu của người sử dụng đất được thực hiện kịp thời; đã có trên 90% thửa đất đang sử dụng tại địa bàn cấp huyện đã được kê khai đăng ký theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, ngành còn tích cực phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm. Trong năm, tiếp tục thực hiện 33 dự án với tổng số 3.291 hộ/1.371,82 ha được bồi thường hỗ trợ; trong đó, có 5,77 ha đất ở, trên 1170,45 ha đất nông nghiệp và 163 hộ được bố trí đất ở. Tổng kinh phí bồi thường hỗ trợ trên 843,97 tỷ đồng; trong đó, sử dụng vốn ngân sách trên 45,58 tỷ đồng và sử dụng nguồn vốn khác là hơn 719,56 tỷ đồng. Công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được tăng cường...

Cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường ứng dụng các quy trình phân tích
để xác định hàm lượng các kim loại trong đất, nước, không khí,... Ảnh: V.M

Về lĩnh vực khoáng sản, có thể nói hoạt động khai thác khoáng sản đã ngày càng đi vào nền nếp, đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu cho việc phát triển kinh tế-xã hội, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, giảm thiểu các tác động tiêu cực do hoạt động khoáng sản gây ra, nhất là môi trường. Trong năm, đã tổ chức 3 cuộc kiểm tra về khoáng sản: Kiểm tra tình hình hoạt động cải tạo đất có thu hồi khoáng sản trên địa bàn Thuận Nam, Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Bắc; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản đối với 20 mỏ cát xây dựng được cấp phép khai thác; kiểm tra 21 bãi tập kết cát xây dựng trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, đã tổ chức nhiều cuộc kiểm tra đột xuất theo phản ánh của người dân; tham gia các cuộc kiểm tra hoạt động khoáng sản do các sở, ngành khác tổ chức. Tổ chức thanh tra về việc chậm nộp hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác và chậm triển khai giấy phép khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đối với 28 trường hợp; qua thanh tra đã tham mưu UBND tỉnh thông báo mất quyền ưu tiên cấp phép giấy phép khai thác đối với 4 trường hợp. Tại cấp huyện cũng đã thực hiện hoàn thành công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực khoáng sản. Đơn cử như trên địa bàn huyện Thuận Nam, qua kiểm tra đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý, tham mưu xử phạt vi phạm hành chính 8 trường hợp khai thác khoáng sản trái phép, với số tiền 103 triệu đồng và buộc kê khai nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường đối với toàn bộ khối lượng đã khai thác trái phép. Đồng thời, tham mưu thành lập Đội kiểm tra liên ngành các hoạt động khai thác, tận thu khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện; thường xuyên theo dõi, kiểm tra tại một số khu vực có nguy cơ khai thác trái phép để phát hiện, xử lý theo quy định.

Lĩnh vực môi trường trong năm qua cũng có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Ngành TN&MT đã tập trung thực hiện tốt công tác kiểm soát ô nhiễm, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động quan trắc môi trường, đã ghi nhận, phát hiện và cảnh báo kịp thời các điểm phát sinh ô nhiễm, qua đó giúp các đơn vị chức năng tham mưu, đề xuất các biện pháp quản lý góp phần giảm thiểu ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong năm, đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; kiểm tra, chấn chỉnh công tác bảo vệ môi trường tại 6 cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

Đăng ký cấp GCN quyền sử dụng đất tại Văn phòng một cửa Tp. Phan Rang-Tháp Chàm.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được ngành đặc biệt chú trọng. Trong năm, ngành đã tổ chức 55 cuộc thanh tra, trong đó có 32 cuộc thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực đất đai; 13 cuộc thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực môi trường; 6 cuộc về lĩnh vực khoáng sản; 4 cuộc về lĩnh vực khác. Qua thanh tra đã phát hiện các vi phạm chủ yếu như: chậm tiến độ sử dụng đất (19 tổ chức); khai thác khoáng sản và chấp hành bảo vệ môi trường không đúng quy định pháp luật (48 tổ chức và 14 cá nhân). Điều cũng đáng ghi nhận là công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đạt kết quả cao. Đã giải quyết và tham mưu giải quyết 384 đơn, đạt 100%. Qua công tác giải quyết khiếu nại và tranh chấp đất đai đã kiến nghị thu hồi cho nhà nước số tiền trên 275,84 triệu đồng; bảo vệ quyền cho người đang sử dụng 82.576 m2 đất; công nhận quyền sử dụng đất ở để bồi thường cho 2 hộ…

Khó có thể nói hết những nỗ lực toàn ngành đã thực hiện trong năm 2016, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh. Đồng thời, tạo đà để đạt những kết quả cao hơn năm 2017. Theo đó, với những nhiệm vụ được giao, ngành TN&MT xác định các giải pháp cần tập trung thực hiện:

Thứ nhất, tập trung kiện toàn tổ chức bộ máy các đơn vị trực thuộc Sở, tiếp tục đưa Văn phòng Đăng ký đất đai, Trung tâm Phát triển quỹ đất theo mô hình “một cấp” đi vào hoạt động hiệu quả.

Thứ hai, duy trì việc giao ban hàng tháng với cơ quan TN&MT các huyện, thành phố; tổ chức làm việc với UBND cấp huyện hàng quý để phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ kịp thời về chuyên môn, nghiệp vụ cho cơ sở nhằm giúp UBND cấp huyện thực hiện tốt kế hoạch của ngành năm 2017.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý đất đai theo quy định pháp luật, nhất là kiểm tra, đề xuất xử lý kịp thời, đúng quy định đối với các dự án đã giao đất nhưng không triển khai, chậm tiến độ… Tăng cường đối thoại thực tiếp với doanh nghiệp và tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ UBND tỉnh giao đúng thời gian quy định.

Thứ tư, tăng cường công tác phối hợp với các ngành có liên quan để thực hiện đồng bộ và có hiệu quả công tác quản lý tài TN&MT; tiếp tục triển khai thực hiện các quy chế phối hợp đã ký kết với các ngành, cơ quan có liên quan và các cơ quan TN&MT cấp huyện.

Thứ năm, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông để đẩy mạnh việc áp dụng phần mềm văn phòng điện tử tại phòng TN&MT và dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên tất cả các lĩnh vực của ngành. Tiếp tục duy trì, cải tiến hoạt động của website của Sở và Tạp chí tài nguyên môi trường trên sóng truyền hình NTV.

Thứ sáu, phối hợp với các ngành để thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng về công tác quản lý tài nguyên môi trường đối với cán bộ cơ sở; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường.

Thứ bảy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt quy chế dân chủ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ ngành, gắn công tác cải cách hành chính, chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính với công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật.