Chiều chủ nhật, trên chiếc ghế đá trước sân Trung tâm Văn hóa tỉnh, một cậu bé dáng người nhỏ con, đang say sưa ngắm nhìn một tốp bạn cùng lứa tập nhảy. Tay cầm tập vé số, bàn chân nhỏ của em khẽ nhịp theo tiếng hát của các bạn. Say sưa với tiếng nhạc và những điệu nhảy nhưng thấy người lạ vào sân, ngay lập tức cậu bé đứng dậy, nhoẻn miệng chào mời: “Mua con tờ vé số đi cô!”
Sau một hồi hỏi chuyện, tôi được biết, cậu bé tên Nguyễn Văn An, nhà ở Phủ Hà. Ba mẹ em bỏ nhau rồi mỗi người đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. An và em gái về sống cùng bà ngoại. Bà đã già yếu, em gái An đang học lớp 5, cũng một buổi học một buổi bán vé số. Khó khăn quá nên học đến lớp 7 thì An phải nghỉ, dồn thời gian bán vé số nuôi bà và em được gần 2 năm nay. Ngày nhiều nhất An bán được 100 tờ vé số, thu được 50 nghìn đồng, nhưng cũng có hôm đi mỏi chân cả ngày cũng chỉ bán được mười mấy tờ. An nhăn mặt: “Đi nhiều mệt lắm cô ơi, nhưng riết cũng quen à!”. Rồi quay sang nhìn tốp học sinh mặc đồng phục trên sân Trung tâm Văn hóa tỉnh, An nói: “Nếu không bỏ học thì giờ con cũng là học sinh lớp 9 như các bạn…!”
Hiện nay, trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, những em nhỏ kiếm sống bằng nghề bán vé số như An không hề ít và trong số đó, rất ít em được đi học. Bước chân lang thang, đeo chiếc túi xách bên hông, tay cầm tập vé số… đó là hình ảnh rất dễ bắt gặp khi bước vào một quán café hay thậm chí là dừng chân ở một địa điểm nào đó trên đường. Những địa điểm có nhiều trẻ em bán vé số nhất như: Trung tâm Văn hóa tỉnh, cổng các cơ quan, Quảng trường 16 Tháng 4… Trong số những mái đầu nhỏ trên phố ấy, mỗi em mang một hoàn cảnh, một nguyên nhân khác nhau để đến với “nghề”. Hầu hết các em đều vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, có em may mắn được đi học nên bán vé số để kiếm thêm thu nhập phụ tiền sách vở. Nhưng cũng có em từ nhỏ tới giờ chưa một lần được đặt chân đến lớp. Cũng có không ít em, phải từ bỏ con đường đến trường để đi bán vé số kiếm sống.
Tất cả những em nhỏ bán vé số như An, muốn bán chạy hàng đều phải tự tìm cho mình một “chiêu thức”. Cậu bé này được biết đến với giọng nói dễ thương, thuyết phục. Cậu bé kia lại có tài lẻ như đấm lưng, xoa bóp, cũng có em chỉ cần cười duyên…Chị H, làm việc ở Trung tâm Văn hóa tỉnh cho biết: “Nhiều đứa bán vé số mà nói chuyện dễ thương lắm, cứ nghe nó nói là mình không thể không mua được...!”. Cũng từ cái “duyên” riêng đó, mà có không ít cậu bé tạo được “thương hiệu”, riêng cho mình. Có những vị khách hàng quen thuộc, cứ phải gặp đúng cậu bé ấy mới mua.
Những buổi sáng trên phố, xen lẫn với những cô cậu bé học trò tung tăng trong đồng phục đến trường là những mái đầu hoe nắng, những bàn chân nhỏ miệt mài với tập vé số trên tay. Hòa mình trong dòng người trên phố, các em vẫn luôn ấp ủ một niềm hy vọng được cắp sách đến trường.
BÍCH THỦY