DỰ ÁN HỖ TRỢ TAM NÔNG:

Mỹ Sơn đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị bắp nhân giống

(NTO) Theo đánh giá của Ban Phát triển Tam nông xã Mỹ Sơn (Ninh Sơn), một trong những lợi thế lớn nhất của địa phương là diện tích đất nông nghiệp khá lớn và điều kiện thổ nhưỡng tại một số vùng rất phù hợp với việc phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: thuốc lá, bắp, mía, mỳ...

Theo thống kê, toàn xã hiện có khoảng 4.500 ha đất nông nghiệp, trong đó có nhiều khu vực luôn chủ động nước. Từ chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị trên đơn vị sản xuất, đến nay, xã Mỹ Sơn đã hình thành vùng trồng cây thuốc lá với quy mô trên 350 ha, lúa khoảng 330 ha, riêng bắp bắp thương phẩm cao sản và bắp nhân giống khoảng 475 ha…

Vùng trồng bắp của xã Mỹ Sơn tập trung chủ yếu tại khu vực hai thôn Phú Thạnh và Mỹ Hiệp, trong đó vùng cánh đồng Phú Thạnh được xem là “vựa” bắp lai nhân giống của xã Mỹ Sơn cũng như toàn huyện Ninh Sơn với diện tích trên 300 ha. Xác định được ưu thế của loại cây trồng này, cùng với việc khảo sát nhu cầu phát triển của nông dân, đến nay, Ban Phát triển xã đã thành lập được 5 nhóm chung sở thích trồng bắp, với trên 50 hộ thành viên, tăng thêm một nhóm so với năm 2015.

Nông dân thôn Phú Thạnh chú trọng phát triển chuỗi giá trị bắp lai nhân giống.

Sau khi được thành lập, từ nguồn Quỹ Dự án nhỏ cạnh tranh (CSG), các nhóm đã được hỗ trợ phân bón, giống, kinh phí cải tạo đất… để phát triển sản xuất. Đặc biệt, qua tác động của Dự án Hỗ trợ Tam nông, cùng với cầu nối là Ban Phát triển xã, các nhóm chung sở thích trồng bắp của địa phương đã bước đầu liên kết được với 3 doanh nghiệp trong tỉnh gồm: Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Đông Nam và Trung tâm Giống cây trồng Nha Hố. Riêng trong năm 2016, ba đơn vị này đã liên kết với các nhóm phát triển 360 ha chuỗi giá trị bắp nhân giống với các loại giống như: LVN 8960, LVN 885, LVN 10...

Qua tìm hiểu của chúng tôi, do ảnh hưởng mưa lũ, nhiều diện tích bắp của người dân liên kết với các đơn vị doanh nghiệp đã bị hư hại hoàn toàn. Vì vậy, hoạt động đánh giá hiệu quả kinh tế của các nhóm trồng bắp tại địa phương trong năm 2016 có thể nói không khả quan. Tuy nhiên, thực tế hiệu quả đã được ghi nhận trong các niên vụ trước đó vào cuối 2014, đầu năm 2015. Khi có sự hỗ trợ liên kết của doanh nghiệp, năng suất bắp nhân giống bình quân của các nhóm đạt gần 8 tấn/ha, tăng khoảng 1 tấn so với giống bắp cũ, ước tính lãi gần 6 triệu đồng/sào.

Chị Võ Thị Quý Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã, Trưởng Ban Phát triển Tam nông xã Mỹ Sơn, cho biết: Số diện tích bắp lai nhân giống F1 của địa phương bị thiệt hại do mưa lũ vừa qua khoảng 113 ha. Do có liên kết với doanh nghiệp nên các đơn vị đã có chủ trương hỗ trợ lại giống để bà con tái sản xuất kịp thời, phía chính quyền xã chỉ xin cấp huyện hỗ trợ thêm ở một số ít diện tích bị hư hại hoàn toàn.

Có thể nói, nhờ sự hỗ trợ và liên kết với các doanh nghiệp, việc sản xuất bắp lai nhân giống của người dân xã Mỹ Sơn đang bước đầu được “thông suốt” từ đầu vào và đầu ra. Thời gian tới, xã Mỹ Sơn xác định: Tiếp tục đẩy mạnh phát triển chuỗi giá trị cây bắp lai tại những vùng đã quy hoạch, nhân rộng các nhóm sở thích để kết nạp thêm nhiều thành viên cùng hưởng lợi. Trên cơ sở đó, xã cũng đã thành lập một Tổ quản lý nông sản, với nhiệm vụ theo dõi, giúp đỡ, tháo gỡ những khó khăn cho đầu ra nông sản của nông dân với doanh nghiệp; thu mua giữa doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác… khi xảy ra những vấn đề tranh chấp, nhằm tạo mọi điều kiện để nông dân cũng như doanh nghiệp an tâm phát triển chuỗi giá trị cây bắp lâu dài tại địa phương.