Ứng dụng kỹ thuật quản lý dinh dưỡng, tưới nước cho cây nho

(NTO) Nho được xác định là cây trồng chủ lực của tỉnh, giúp nhiều hộ làm giàu. Tuy nhiên, việc canh tác nho trong những năm qua chưa ổn định, thể hiện ở chỗ diện tích tăng, giảm thất thường. Giai đoạn 1996-1998, cây nho phát triển mạnh, lên tới 2.400 ha, nhưng sau đó giảm dần đến nay còn khoảng trên 1.200 ha.

Diện tích nho giảm trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể là sự giảm sút về năng suất, làm cho hiệu quả trồng nho kém sức hấp dẫn. Hạn chế này đòi hỏi phải giải quyết một cách đồng bộ: khâu quản lý dinh dưỡng tổng hợp, nước tưới giúp hộ trồng giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng, hướng đến phát triển bền vững.

 

Áp dụng kỹ thuật quản lý dinh dưỡng, tưới nước hợp lý trong sản xuất nho
có tác dụng cải tạo đất, làm tăng năng suất.

Theo Thạc sỹ Nguyễn Lương Thiện, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam, thực trạng quản lý dinh dưỡng cho cây nho hiện nay còn nhiều bất cập, khi hầu hết nông dân chưa tuân thủ quy trình khuyến cáo bón phân và cải tạo đất của ngành Nông nghiệp. Khảo sát tình hình bón phân cho nho trong nhiều năm của Tiến sỹ Vũ Xuân Long, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giống cây trồng Nha Hố, cho thấy: Nông dân bón phân cao hơn nhiều theo định mức kinh tế kỹ thuật, tính không hợp lý của việc bón phân so với nhu cầu theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây nho cũng rất phổ biến. Người trồng nho thường bón trên 50% lượng phân đạm, lân, kali ở giai đoạn trước cắt cành, phần lớn bị mất đi khi cây ra hoa, kết trái. Mặt khác, nếu đạm được bón quá trễ vào cuối vụ với mong muốn gia tăng kích thước trái của nhà vườn sẽ làm độ thành thục cành kém đi. Sự sinh trưởng quá mạnh của cành trong giai đoạn này do thừa đạm làm cho mô tế bào mọng nước và sâu bệnh tấn công, ảnh hưởng đến hình thành các chồi dẫn đến năng suất vụ tiếp theo giảm. Việc sử dụng phân hóa học chưa hợp lý đã làm chua và chai cứng đất, mất cân đối dinh dưỡng, chất lượng nho giảm. Trong khi đó, cây nho được khai thác quanh năm (3 vụ/năm), đất không đủ dinh dưỡng dẫn đến trái nhỏ. Đây cũng là yếu tố làm cho năng suất và sản lượng nho giảm trong những năm gần đây.

Từ phân tích trên, Thạc sỹ Nguyễn Lương Thiện đề xuất giải pháp quản lý dinh dưỡng cho cây nho là sử dụng phân bón chậm tan ở những vùng đất có khả năng thấm hút cao và dinh dưỡng kém; phối hợp giữa phân bón gốc và phân bón lá; bón phân cân đối và hợp lý cho cây trồng. Thực tế, kỹ thuật bón phân cân đối đã được áp dụng ở những khu vực trồng nho theo quy trình VietGAP. Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp, thông qua Dự án QSEAP, đến nay có 83 nhóm liên kết sản xuất nho sạch, với quy mô hơn 200 ha đã áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng phân bón đạt hiệu quả cao.

Qua thực hiện mô hình sản xuất nho theo quy trình VietGAP cho thấy không riêng gì bón phân cân đối mà tưới nước hợp lý cũng góp phần nâng cao năng suất nho. Hiện nay, các nhà vườn đang sử dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và phun mưa phục vụ sản xuất. Các công nghệ tưới này giảm được 50-60% lượng nước, 60% công tưới, tiết kiệm 15-20% phân vô cơ, năng suất tăng 12% so với tưới truyền thống. Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nhìn nhận: Hệ thống tưới nhỏ giọt là công nghệ hiện đại nhất trong các dạng cơ bản của kỹ thuật tưới tiết kiệm nước với hình thức đưa nước trực tiếp đến vùng gốc một cách liên tục nhờ các thiết bị đặc trưng là vòi tạo giọt, đường ống cấp nước áp lực. Tuy nhiên, công nghệ này ít được nông dân áp dụng do chi phí đầu tư cao và phải có phân bón chuyên dùng. Đối với tưới phun mưa là công nghệ đưa nước đến cây trồng dưới dạng mưa nhân tạo nhờ các thiết bị tạo dòng tia thích hợp. Phương pháp này đang được nông dân áp dụng rộng rãi trong trồng nho, với tổng diện tích hơn 180 ha.