(NTO) Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 12 sản phẩm nông nghiệp được xác định là sản phẩm mang tính đặc thù riêng có như: Nho, Táo, Tỏi, Măng tây xanh, Nha đam, Dê, Cừu, Nước mắm...Đồng thời để xây dựng “thương hiệu” cho các sản phẩm đặc thù nói trên, bằng trách nhiệm được giao Sở Khoa học và Công nghệ đã tổ chức xét duyệt, cấp kinh phí triển khai xây dựng 5 nhãn hiệu đặc thù, trong số này có các Nhãn hiệu chứng nhận như Nước Mắm Cà Ná, Tôm giống Ninh Thuận, Heo đen Bác Ái, Nho VietGap Văn Hải… với tổng kinh phí trên 1,1 tỷ đồng. Có thể nói đây là nổ lực của tỉnh trong việc giúp nông dân “bảo hộ” được “đầu ra” cho sản phẩm vừa ổn định trên thị trường thông qua các mối liên kết để tạo chuổi giá trị từ sản xuất sản phẩm bảo đảm chất lượng về an toàn thực phẩm đến tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý, vừa hướng đên mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu…
Nước mắm Cà Ná- sản phẩm đặc thù của ngư dân địa phương. Ảnh: Sơn Ngọc
Rõ ràng, việc cấp chứng nhận nhãn hiệu đặc thù…nhằm góp phần bảo tồn, phát triển và gia tăng giá trị sản phẩm, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn không ít vấn đề đặt ra. Đó là, việc khai thác và giám sát sử dụng nhãn hiệu nếu không chặt chẽ sẽ có thể dẫn đến nạn giả, nhái nhãn hiệu nhất là các sản phẩm bán chạy. Bên cạnh đó, chưa có cơ quan kiểm soát chất lượng sản phẩm nên người tiêu dùng không xác định và không phân biệt để sử dụng được đúng sản phẩm mang “thương hiệu”. Mặc khác, có một thực tế là nhiều hộ trong quy hoạch theo “chuỗi giá trị” khi đầu tư muốn thu hồi vốn nhanh đã bán trực tiếp tư thương, hộ kinh doanh khi được giá. Có trường hợp hộ sản xuất khi giá thấp thì lại bỏ không trồng theo quy hoạch... Do đó, không chỉ các nhà quản lý mà người nông dân cũng cần ý thức để bảo vệ sản phẩm mang nhản hiệu được cấp.
Việc cấp nhãn hiệu chứng nhận hay chỉ dẫn địa lý có tính hai mặt, giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, các hộ sản xuất tăng lợi nhuận nhưng nếu không quản lý dẫn đến tình trạng lợi dụng nhãn hiệu chứng nhận thì lại phản tác dụng do có những sản phẩm tương tự được gắn nhãn hiệu làm mất uy tín của các sản phẩm chính hiệu. Do vậy, sau khi được cấp giấy chứng nhận, phải bảo vệ và phát triển sản phẩm, đây là nhiệm vụ không chỉ của các cơ quan chức năng, các ban, ngành, địa phương mà còn là trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, hợp tác xã (HTX)…
Tại cuộc họp Ban phát triển các sản phẩm đặc thù của tỉnh mới đây, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng việc duy trì phát triển các sản phẩm đặc thù, đặc sản của tỉnh là rất cần thiết và cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Đồng chí yêu cầu cần xác định cụ thể các sản phẩm đặc thù, đặc sản của tỉnh hiện nay để có hướng phát triển hợp lý. Theo đó cần tăng cường công tác tuyên truyền các sản phẩm đặc thù, đặc sản của địa phương. Đồng chí cũng xác định các doanh nghiệp, HTX có vai trò quan trọng, là đầu tàu để tổ chức kết nối từ khâu sản xuất đến tiêu thụ nhằm phát triển bền vững, ổn định các sản phẩm đặc thù của tỉnh nói chung...
Tin rằng, với hỗ trợ tích cực của tỉnh và các ngành liên quan, các sản phẩm đặc thù của tỉnh sẽ thật sự được khẳng định không chỉ bằng chất lượng sản phẩm mà còn là uy tín của nhãn hiệu được xây dựng chính yếu từ người sản xuất.
HH