Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ ra đời. Dân tộc ta, chế độ ta đứng trước thử thách cực kỳ hiểm nghèo. Quân Tưởng tràn vào miền bắc kéo theo các đảng phái phản động; được sự che chở của quân Anh, quân đội Pháp quay trở lại đánh chiếm miền nam với mục đích chung là bóp chết nhà nước công nông đầu tiên ở Ðông Nam châu Á. Cùng lúc đất nước phải đối mặt với biết bao khó khăn, thách thức của thù trong giặc ngoài, và hậu quả hơn 80 năm dưới ách đô hộ của thực dân phong kiến mà nặng nề nhất là nạn đói năm 1945 làm hai triệu người chết đói.
Trước thế “ngàn cân treo sợi tóc”, T.Ư Ðảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh tập trung lãnh đạo kháng chiến, khôn khéo loại dần những kẻ thù, tranh thủ thời gian chuẩn bị điều kiện và lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài. Từ ngày 18 đến 19-12-1946, tại làng Vạn Phúc, thị xã Hà Ðông (nay là quận), Thường vụ T.Ư Ðảng họp mở rộng nêu quyết tâm tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Ngay hôm sau (19-12), Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với quyết tâm: 'Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ'. Cả dân tộc ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Sau chiến dịch Biên giới năm 1950, thế và lực của cuộc chiến tranh nhân dân phát triển vượt bậc. Ðể tiếp tục phát triển đường lối kháng chiến, kiến quốc, T.Ư Ðảng quyết định triệu tập Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ II của Ðảng.
Ðại hội họp tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) từ ngày 11 đến 19-2-1951 với sự tham dự của 158 đại biểu chính thức, 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 760 nghìn đảng viên. Dự Ðại hội còn có đại biểu Ðảng Cộng sản Trung Quốc và đại biểu Ðảng Cộng sản Thái-lan. Ðại hội thảo luận và thông qua Báo cáo Chính trị và Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh và đồng chí Trường-Chinh trình bày. Báo cáo về tổ chức và Ðiều lệ Ðảng do đồng chí Lê Văn Lương trình bày, cùng nhiều báo cáo bổ sung về Mặt trận dân tộc thống nhất, Chính quyền dân chủ nhân dân, Quân đội nhân dân, Kinh tế tài chính và về Văn hóa, văn nghệ... và những tham luận khác.
Báo cáo Chính trị do Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày đã khái quát những chuyển biến của tình hình thế giới và trong nước 50 năm nửa đầu thế kỷ 20. Về tình hình và nhiệm vụ mới của Ðảng ta.
Báo cáo đã khẳng định những thắng lợi to lớn của cách mạng, kiểm điểm sự lãnh đạo của Ðảng và những bài học kinh nghiệm của các thời kỳ vận động cách mạng của Ðảng. Thắng lợi của cách mạng và kháng chiến đã khẳng định đường lối, chính sách của Ðảng nói chung là đúng đắn; cán bộ, đảng viên của Ðảng là những chiến sĩ dũng cảm, tận tụy hy sinh, được quần chúng tin yêu...
Báo cáo Chính trị nêu khẩu hiệu chính của cách mạng nước ta là kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và đánh bại bọn can thiệp Mỹ, giành thống nhất độc lập hoàn toàn, bảo vệ hòa bình thế giới.
Bản Báo cáo cũng nêu lên nhiệm vụ chính trong nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam: Ðưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Tổ chức Ðảng Lao động Việt Nam.
Trên cơ sở tổng kết những kinh nghiệm thực tiễn lãnh đạo cách mạng nước ta từ ngày Ðảng được thành lập đến năm 1951, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những kinh nghiệm của phong trào cách mạng thế giới, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam do đồng chí Trường- Chinh trình bày nêu rõ đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Nhiệm vụ cơ bản của cách mạng Việt Nam là tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược, làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập và thống nhất, xóa bỏ hình thức bóc lột phong kiến, làm cho người cày có ruộng, tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Nhiệm vụ chống đế quốc và nhiệm vụ chống phong kiến khăng khít với nhau. Nhưng trọng tâm của cách mạng trong giai đoạn hiện tại là giải phóng dân tộc. Kẻ thù trực tiếp trước mắt của cách mạng là chủ nghĩa đế quốc xâm lược và bè lũ tay sai. Mũi nhọn của cách mạng chủ yếu chĩa vào bọn đế quốc xâm lược. Nhiệm vụ phản phong kiến nhất định phải làm đồng thời với nhiệm vụ phản đế, nhưng làm có kế hoạch, có từng bước, để vừa bồi dưỡng và phát triển được lực lượng cách mạng của nhân dân, vừa giữ vững được khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến, nhằm mau tiêu diệt bọn đế quốc xâm lược, hoàn thành giải phóng dân tộc. Lực lượng cách mạng Việt Nam bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản và giai cấp tư sản dân tộc. Ðộng lực của cách mạng Việt Nam bao gồm giai cấp công nhân, giai cấp nông dân và giai cấp tư sản, chủ yếu là công nhân và nông dân. Lực lượng lãnh đạo cách mạng Việt Nam là giai cấp công nhân.
Cuộc cách mạng nhằm đánh đổ đế quốc và phong kiến do nhân dân tiến hành, trong đó, công nông là lực lượng chủ yếu, và do giai cấp công nhân lãnh đạo, gọi là cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Căn cứ vào tình hình thế giới và tình hình trong nước, căn cứ vào nhiệm vụ và tính chất của cách mạng nước ta, Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam vạch ra 12 chính sách của Ðảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân.
Báo cáo Bàn về cách mạng Việt Nam đã bổ sung, hoàn chỉnh và phát triển lý luận của Ðảng ta về cách mạng dân tộc dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo, tiến hành trong điều kiện một nước thuộc địa, nửa phong kiến, của một dân tộc có truyền thống kiên cường, bất khuất hàng nghìn năm chống xâm lược.
Ðại hội bầu BCH T.Ư gồm 19 đồng chí Ủy viên chính thức và mười đồng chí Ủy viên dự khuyết. Ðồng chí Hồ Chí Minh được bầu là Chủ tịch BCH T.Ư Ðảng, đồng chí Trường-Chinh được bầu lại làm Tổng Bí thư.
Ðại hội lần thứ II của Ðảng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đánh dấu bước phát triển mới của Ðảng ta, đề ra đường lối lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân ta chống thực dân Pháp đến thắng lợi hoàn toàn.
(Theo Nhandan.com.vn)