(NTO) Không còn bao lâu nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, đặc biệt là “Tết Dương lịch 2017” đang gần kề. Đây cũng là thời điểm “làm ăn” của các doanh nghiệp chân chính, có uy tín trên thị trường nhưng bên cạnh đó không ít cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh… làm ăn gian dối, đánh lừa người tiêu dùng bằng những sản phẩm kém chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) dưới các “chiêu” giá rẻ, khuyến mãi… để thu lợi. Đó là chưa kể đến “ma trận” thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh bày bán tràn lan từ các chợ lớn của tỉnh đến các chợ nông thôn, chợ tự phát gần như là ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng dẫn đến nhiều bất an cho người tiêu dùng trong tỉnh.
Nông dân xã Hộ Hải (Ninh Hải) trồng rau xanh cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Sơn Ngọc
Theo số liệu của ngành chức năng, toàn tỉnh có gần 3.467 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc diện phải cấp Giấy chứng nhận (GCN) cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP), trong đó ngành Y tế quản lý 969 cơ sở; ngành Nông nghiệp & PTNT quản lý 1.198 cơ sở, ngành Công Thương quản lý 1.170 cơ sở. Tuy nhiên, thực tế mới có trên 1.500 cơ sở được cấp GCN, chiếm 43,3%, trong số này ngành Y tế đã cấp 235 GCN; ngành Nông nghiệp & PTNT cấp 1.198 GCN và riêng ngành Công Thương chỉ mới cấp 68 GCN trên tổng số 1.170 cơ sở như đã nêu trên. Ngoài ra, trong tổng số trên 1.100 cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống toàn tỉnh thì cũng chỉ mới có 146/869 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP thuộc diện phải cấp… Nêu ra những con số trên để thấy rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Cân phân mà nói, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương đã tăng cường công tác phối hợp, thành lập các đoàn kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và một số chợ… về các nhóm hàng thực phẩm, nhất là các mặt hàng được dư luận quan tâm như: hải sản, thịt gia súc, sản phẩm từ gia cầm; các loại rau, củ, quả… vốn có nhiều nguy cơ nhiễm các chất độc hại như chất tăng trọng, dư lượng kháng sinh... đối với chăn nuôi; dư lượng thuốc trừ sâu đối với rau xanh… góp phần hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, nâng cao nhận thức cho cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng về bảo vệ sức khỏe chính từ thực phẩm “sạch”, an toàn. Tuy nhiên, trên thực tế tỷ lệ các cơ sở không đạt yêu cầu về vệ sinh thực phẩm còn cao, nhất là việc kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm quá hạn sử dụng, hàng giả, hàng kém chất lượng.... Nguyên nhân của tình trạng trên, một phần do bộ máy quản lý vệ sinh ATTP các tuyến chưa được đầu tư tương xứng, việc áp dụng chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe, đồng thời ý thức của một bộ phận người tiêu dùng về vệ sinh ATTP còn hạn chế.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm nhằm phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và đẩy lùi thực phẩm “bẩn”, nhất là trong dịp Tết, ngành Y tế và các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác kiểm tra ATVSTP dịp cuối năm, trong đó tập trung vào các cơ sở kinh doanh thực phẩm tươi sống. Tập trung nâng cao năng lực kiểm nghiệm, kiểm tra nhanh thực phẩm để phát hiện kịp thời chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, sản phẩm chăn nuôi; truy xuất rõ ràng nguồn gốc thực phẩm khi cung cấp ra thị trường; đẩy mạnh khâu kiểm soát ATVSTP tại các cơ sở, đơn vị sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, chú trọng tăng cường kiểm soát “đầu vào” của thực phẩm tại các chợ truyền thống, kiên quyết không cho đưa vào chợ tiêu thụ những sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Mặt khác, từng bước xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, cùng với đó cần tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống phân phối thực phẩm an toàn tại các địa phương trong tỉnh…
Một khi mỗi người tiêu dùng trở thành “giám sát’ viên, sẵn sàng “chỉ mặt đặt tên” những cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh… không bảo đảm ATVSTP, đồng thời kiên quyết tẩy chay những sản phẩm gây hại cho sức khỏe con người… thì sẽ giảm mối lo về thực phẩm không an toàn, đặc biệt trong dịp Tết sắp đến.
HH