(NTO) Theo thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh, chỉ tính từ ngày 2-11 đến 19-12-2016 trên địa bàn tỉnh có mưa, đặc biệt, trong các ngày từ ngày 16 đến ngày 18-12 do ảnh hưởng của không khí lạnh, kết hợp nhiễu động trong đới gió đông trên cao có cường độ mạnh nên dẫn đến nhiều nơi có mưa, mưa vừa, mưa to đến rất to như tại Bà Râu tổng lượng mưa đạt 212,8mm, Phước Chiến 229,2mm, Phương Cựu 185,5mm, Đá Hang 276,5mm…, ngay tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm tổng lượng mưa cũng đạt đến 180,6mm. Điều đáng nói là mưa to kéo dài đã “làm no” 20 hồ chứa nước trong tỉnh, trong số này nhiều hồ đã phải xả lũ để bảo đảm an toàn. Tuy nhiên mưa quá to cũng trở thành “thủy hại”, làm ngập nhiều khu dân cư, gây thiệt hại hoa màu, đồng muối… của người dân nhiều địa phương.
Nông dân thôn Hữu Đức xã Phước Hữu, Ninh Phước tập trung cơ giới hóa để cắt lúa tránh lũ. Ảnh: Văn Miên
Theo thống kê cho thấy tổng diện tích cây trồng bị ngập, thiệt hại trên 8.076,3 ha, trong đó có trên 4916,2ha lúa, 2.452,22ha cây màu và gần 708 ha cây lâu năm. Mưa lũ còn làm cho hàng chục hạng mục công trình thủy lợi bị hư hỏng, có nơi hư hỏng nặng cần sớm được khắc phục để bảo đảm nguồn nước tưới cho cây trồng vụ đông - xuân tới. Nhiều tuyến đường giao thông cũng bị hư hỏng, xuống cấp trong đợt mưa lũ vừa qua, có thể kể ra như tuyến đường 701 (cũ) bị sạt lở 3 tràn làm tắc nghẽn giao thông tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh bị cô lập. Hay đường 702 đoạn Vĩnh Hy đi Hiệp Kiết bị sạt lở từ Km38 – Km58 có tổng cộng 16 vị trí ước khối lượng đất đá khoảng 4.500 m3, trong đó, có 6 điểm bị tắc đường… Về dân sinh, mưa đã làm cho 68 nhà dân bị sập, sạt vách, hư hỏng, tốc mái, nhiều nhất là Bác Ái với 42 nhà, thấp nhất là Ninh Sơn 2 nhà. Ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 315 tỷ đồng. Điều rất đáng ghi nhận là Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã khẩn trương chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các Công điện của UBND tỉnh, đồng thời thực hiện khá hiệu quả các phương án phòng, chống với phương châm “4 tại chổ”. Nhất là đã chủ động, kiên quyết tổ chức sơ tán, di dời người dân vùng bị cô lập đến nơi an toàn 690 hộ/1.970 khẩu đến nơi an toàn. Trong đó cao nhất là huyện Ninh Hải đã di dời 550 hộ/1.650 khẩu tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải bị nước từ hồ Nước Ngọt xả lũ làm ngập chia cắt do nước ngập đường không qua được, hay như huyện Ninh Phước đã tổ chức di dời an toàn 100 hộ/320 khẩu (Phước Dân 50 hộ/150 khẩu, Phước Vinh 21 hộ/63 khẩu, Phước Thuận 29 hộ/107 khẩu)… Đặc biệt, ngay trong mưa lũ, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời dừng các công việc để đến các điểm xung yếu trực tiếp chỉ đạo các địa phương phòng chống thiên tai, xử lý nhanh các tình huống ứng cứu… nhờ đó tuy thiệt hại vật chất có đáng kể nhưng đã bảo đảm an toàn tuyệt đối về người, không có trường hợp nào đáng tiếc xảy ra như những năm trước đây…
Hiện nay, tuy “cường độ” thiên tai đã giảm nhưng không thể chủ quan. Theo đó, Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ; thường xuyên kiểm tra các hồ chứa, chủ động việc xả lũ đúng quy trình, đảm bảo an toàn cho đập và vùng hạ lưu. Sở Giao thông vận tải bố trí lực lượng, phương tiện kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến đường. Sở Nông nghiệp &PTNT tiếp tục theo dõi tình hình, tổng hợp nhanh thiệt hại, tham mưu việc hỗ trợ khẩn cấp đảm bảo đời sống của nhân dân; khắc phục, sửa chữa các công trình cấp bách giao thông đi lại. Các sở, ngành và các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo công tác khắc phục các công trình bị hư hỏng, vệ sinh môi trường để ổn định đời sống và sản xuất cho nhân dân, các vùng bị ngập úng chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch hoa màu để tránh thiệt hại. Mặt khác, để giúp nhân dân tỉnh nhà nhanh chóng ổn định đời sống và khôi phục sản xuất, tỉnh ta đã đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai quan tâm xem xét hỗ trợ kinh phí cho tỉnh 87 tỷ đồng để khắc phục hậu quả mưa lũ, trong đó hỗ trợ 1.000 tấn gạo cứu đói cho số hộ bị thiệt hại (vụ mùa bị mất trắng)…
Có thể nói, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy, các ngành, địa phương không gì khác là phải chủ động tập trung ứng phó kịp thời để hạn chế thiệt hại về người, tài sản của nhân dân và Nhà nước. Trước mắt, các địa phương cần tập trung ứng phó với mưa lũ đã và đang xảy ra, cùng với đó chú trọng đến công tác khôi phục sản xuất, bảo đảm an sinh vùng bị thiệt hại.
TD