Hiện nay, hệ thống sông suối trên địa bàn tỉnh mực nước đang lên. Tính đến trưa ngày 7-12, mực nước tại Trạm Tân Mỹ là 37 m ở mức báo động II; tại Trạm Phan Rang ở mức dưới báo động I; tại Trạm Phước Hà là 62.3 m, dưới báo động II là 0.2 m.
Dự báo trong 24 giờ tới khu vực toàn tỉnh tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Chiều ngày 7-12, mực nước trên Sông Cái Phan Rang đang lên, tại trạm Tân Mỹ, mực nước khả năng từ 37.3 m đến 37.8 m, thấp hơn báo động III là 0.2 m ; tại Trạm Phan Rang mực nước lên mức xấp xỉ báo động I. Mực nước trên sông Lu, tại trạm Phước Hà dao động ở mức báo động II; tại trạm Phước Hữu mực nước lên mức báo động I. Các ngành, các địa phương tổ chức trực 24/24 sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ nhằm giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất.
Mực nước tại cầu Móng trên Sông Cái Phan Rang vào chiều ngày 7-12.
Ngày 7-12, phóng viên Báo Ninh Thuận đã kịp thời có mặt tại các xã trên địa bàn tỉnh ghi nhận tinh thần chủ động phòng tránh mưa lũ cùa các ngành, các cấp và Nhân dân các địa phương. Tại khu vực ba-ra T5 (thôn Thủy Lợi, xã Tân Hải), một số người dân đang cố lội, vượt qua dưới dòng nước đang chảy xiết giữa bờ tràn ba-ra, phía bên kia bờ tràn đang có nhiều người dùng cây tre dài và dây đợi sẵn để hỗ trợ vượt lũ đến nơi trú ẩn an toàn. Ông Nguyễn Văn Khơi ở thôn Thủy Lợi cho biết, do mưa lớn làm nước dâng qua khỏi ba-ra. Hiện nay, có 6 hộ bên kia ba-ra đang bị chia cắt, rất cần sự giúp đỡ của chính quyền địa phương. Nếu trời tiếp tục mưa lớn, đến chiều chúng tôi cần được hỗ trợ để di dời gấp. Tại xóm Gò (thôn Hộ Diêm, xã Hộ Hải), nhiều nhà dân đang ngập, ruộng lúa bị chìm ngập hoàn toàn, trụ gỗ đỡ dây điện sinh hoạt xiêu vẹo. Gia đình bà Hoàng Thị Phước, vừa chạy máy bơm hút nước vừa thay phiên nhau tát nước ngập trong nhà ra sân. Hàng chục người vận chuyển một số đồ dùng cần thiết đến gởi nhà người thân tránh nước ngập gây hư hỏng. Trên địa bàn huyện Ninh Hải, tính đến trưa ngày 7-12, mưa lũ đã làm ngập 605 ha lúa và hoa màu, 71 ha đìa nuôi tôm cá bị sạt lở, 40 ha ruộng muối bị sạt lở... Nhiều hộ dân sinh sống vùng ven suối, vùng trũng đã được di dời đến nơi an toàn. Chính quyền địa phương trực 24/24 sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, kịp thời cứu hộ cứu nạn nhằm giảm nhẹ thiệt hại đến mức thấp nhất.
Nhiều hộ dân sống ở khu vực ba-ra T5, thôn Thủy Lợi đang vượt qua dòng nước chảy xiết,
phía bên kia bờ tràn đang có nhiều người dùng tre và dây đợi sẵn để hỗ trợ vượt lũ.
Những nhà dân sống ở khu vực ba-ra T5 đang bị chia cắt do mưa lũ.
Gia đình bà Hoàng Thị Phước, xóm Gò, thôn Hộ Diêm, xã Hộ Hải tát nước ngập vào nhà.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Thuận Bắc, tính đến trưa ngày 7-12, tình hình mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện. Mưa lũ đã làm sạt lở nhiều công trình giao thông, thủy lợi như tuyến bờ kè ở khu vực suối Sông Trâu thượng lưu cầu máng, đường giao thông nông thôn xã Công Hải; ngập lụt 270 ha lúa đang chuẩn bị thu hoạch... Hiện nay, lượng nước về hồ Bà Râu đã đạt đỉnh 4,670 triệu m³, hồ Sông Trâu đạt 32.650 triệu m³. Để đảm bảo an toàn công trình hồ đập, huyện Thuận Bắc đang tiến hành xả lũ hai cửa với lưu lượng 40m³/s, hồ Sông Trâu xã lũ hai cửa với lưu lương 80 m³/s.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, huyện Thuận Bắc đã chỉ đạo cho các xã tập trung huy động lực lượng, phương tiện về các địa phương để di dời dân tại các khu vực xung yếu, nơi thường xuyên bị ngập lụt đến nơi an toàn. Đối với các xã Công Hải và Bắc Phong bị ảnh hưởng do xả lũ, huyện đã phân công lực lượng trực 24/24 để ứng cứu kịp thời. Đồng chí Mai Duy Bàng, Chủ tịch UBND xã công Hải, cho biết: Hiện nay, địa phương đã huy động lực lượng xuống các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt để hỗ trợ người dân. Phân công lực lượng về các thôn tuyên truyền cho người dân, tổ chức trực 24/24 để hướng dẫn người dân không đi qua các đập tràn trong nước lũ, sơ tán dân sống ở khu vực hạ lưu, ven suối, đến nơi an toàn khi mưa lũ xảy ra.
Lực lượng dân quân xã Công Hải tuyên truyền cho người dân không đi qua sông suối khi nước lũ về.
Sơn Ngọc- Phan Hiếu - Tiến Mạnh