Khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra

(NTO) Trong 24 giờ qua, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao, khu vực tỉnh Ninh Thuận đã có mưa, mưa vừa, mưa to và dông, lượng mưa phổ biển từ 60-80mm, phía Bắc tỉnh mưa nhiều hơn 80-100mm. Mưa lũ đã gây ngập và chia cắt cục bộ một số địa phương, ảnh hướng đến sản xuất và đời sống dân sinh trên địa bàn tỉnh.

Tại huyện Thuận Bắc, những ngày qua, có mưa to đến rất to, đặc biệt tối ngày 5-12 mưa rất to, dẫn đến một số nơi bị ngập lụt, chia cắt. Theo ghi nhận, mưa lũ làm ngập 270ha lúa chuẩn bị thu hoạch trên địa bàn huyện; tuyến đường lên khu điện gió thôn Hiệp Kiết và khu vực thôn Kà Rôm, Suối Giếng (xã Công Hải) bị cô lập. Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Thuận Bắc, lượng nước về hồ thủy lợi Sông Trâu đạt trên 33,65 triệu m³/31,53 triệu m³, Bà Râu đạt 5,3 triệu m³/4,67 triệu m³. Để đảm bảo an toàn hồ đập, hiện nay, hồ thủy lợi Sông Trâu đang tiến hành xả lũ ở hai cửa cao 1m, với lưu lượng 82 m³/s, hồ Bà Râu xả lũ hai cửa cao 1,2m với lưu lượng 48,2 m³/s. Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thuận Bắc, cho biết: Để chủ động ứng phó với mưa lũ, huyện đã chỉ đạo các xã tập trung theo dõi tình hình mưa lũ trên địa bàn để triển khai các biện pháp phòng chống kịp thời, giảm thiểu thiệt hại; huy động lực lượng, phương tiện về các địa phương di dời dân tại các khu vực xung yếu, nơi có nguy cơ ngập lụt cao để giúp người dân di dời đến nơi an toàn. Phân công lực lượng trực tiếp hướng dẫn người dân không đi qua đập tràn trong nước lũ.

 
Hồ Bà Râu huyện Thuận Bắc xã lũ.

Tại huyện Ninh Hải, gần 7 giờ sáng, ngày 6-12, cơn lũ cục bộ đổ về làm sập nhịp thứ nhất cầu Vĩnh Hy (thôn Vĩnh Hy, xã Vĩnh Hải) khiến cho gần 300 hộ dân thôn Vĩnh Hy (ấp Bắc) bên kia cầu bị chia cắt giao thông trong vùng. Tại hiện trường, nhịp cầu số 1 bị ngã sập, chân mố cầu và nơi tiếp giáp với mặt đường giao thông bị đổ tạo thành một hố rộng khoảng 10m2, sâu hơn 2m. Người dân nơi đây cho biết, khi xảy ra sự cố, có một thanh niên chạy xe máy đã rơi xuống hố và được bà con kịp thời cứu hộ. Ngay sau khi sự cố xảy ra, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến kiểm tra hiện trường và chỉ đạo các phương án khắc phục. Hiện nay, 2 phương án đi lại trước mắt đã được triển khai. Theo đó, một đường đi bộ “dã chiến” từ làng ven lên lâm phần Vườn Quốc gia Núi Chúa nối với đường ven biển Bình Tiên-Vĩnh Hy; đường còn lại ngành Giao thông vận tải đang chỉ đạo các đơn vị thi công khắc phục bằng hình thức đắp rọ đá, trải bạt lên trên để người dân đi tạm ngay trong chiều 6-12. Ngành Giao thông vận tải cũng phối hợp với huyện Ninh Hải cắt cử, phân công lực lượng chức năng chốt chặn, hướng dẫn giao thông đi lại an toàn.

 
Nước Kênh Bắc dâng cao  gây ngập lụt một số tuyến đường nội thôn Gò Sạn (xã Bắc Phong, Thuận Bắc).Ảnh: Hồng Lâm

Ngoài ra, tại xã Tân Hải và Phương Hải cũng chịu ảnh hưởng của đợt mưa. Trong đó, nhiều tuyến đường nội thôn xã Tân Hải bị ngập sâu khoảng 50-60cm, nước tràn vào nhà của 23 hộ dân thôn Gò Đền, hàng chục ha lúa bị ngập sâu... Để chủ động ứng phó với mưa lũ, các địa phương đã triển khai các phương án phòng chống mưa lũ, nhằm bảo vệ tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Đồng chí Nguyễn Thái Vinh, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hải, cho biết: Ngay từ buổi sáng, địa phương đã huy động lực lượng dân quân, công an... xuống các thôn để giúp các hộ dân bị ngập lụt di dời đến nơi an toàn. Chỉ đạo cho các thôn phân trực tại những khu vực có nguy cơ ngập lụt cục bộ; chuẩn bị sẵn sàng lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân khi có mua lũ cục bộ; tập trung khắc phục hậu quả ngay sau mưa lũ cho người dân...

 
Do mưa những ngày vừa qua làm bờ tràn ngăn mặn Mỹ Tân (Thanh Hải, Ninh Hải) bị  sạt lỡ.

Theo báo cáo sơ bộ của của UBND huyện Thuận Nam, mưa liên tiếp trong những ngày qua đã làm cho khoảng 75 ha lúa ở xã Phước Ninh, Phước Nam, Nhị Hà bị ngập. Một số diện tích nho, táo thuộc thôn Nho Lâm (xã Phước Nam) đang trong thời kỳ thu hoạch bị nứt, rụng trái… Mưa cũng đã gây ngập cục bộ ở một số tuyến đường: Tỉnh lộ 709 (xã Phước Ninh, Nhị Hà, Phước Hà), đoạn qua tràn tại thôn Vụ Bổn (xã Phước Ninh), gây khó khăn cho việc lưu thông của người dân. Ông Khưu Lê Khắc Trí, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện, cho biết: Hiện nay, mực nước ở các hồ chứa trên địa bàn đã đầy. Hồ thủy lợi Tân Giang đang tiến hành xả nước hai cửa ở mức 20 m3/s. Chỉ đạo các xã vận động bà con nông dân tạm thời ngừng xuống giống vụ đông-xuân, bố trí lực lượng hướng dẫn người và phương tiện qua lại các tràn, đường ngập nước được an toàn…

Đến 9 giờ sáng, ngày 6-12, các hồ chứa nước nằm phía Tây huyện Ninh Phước, bao gồm: Tân Giang, CK7, Lanh Ra, Bầu Zôn và Tà Ranh đều phải xả tràn, do mực nước về hồ đạt đỉnh. UBND huyện Ninh Phước chỉ đạo Phòng NN&PTNT tổ chức trực 24/24 giờ để theo dõi tình hình mưa, lũ, kịp thời phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các cơ quan liên quan xử lý các tình huống xấu xảy ra; kiểm tra, rà soát những khu vực có nguy cơ xả ra lũ quét, sạt lở đất, dân cư sống tại khu vực ven sông, trũng thấp, khu vực thường xuyên bị chia cắt để kịp thời sơ tán đến nơi an toàn…

Mưa lớn làm cầu Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, Ninh Hải) bị sập gây chia cắt giao thông. 
Ảnh: T.L

Tại Tp Phan Rang-Tháp Chàm, do mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày, nên nhiều tuyến đường bị ngập cục bộ. Đặc biệt, khu vực trũng thấp như phường Phủ Hà, Văn Hải đã ngập sâu trong nước, có đoạn ngập đến gần 1m, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Nước dâng cao đã tràn vào nhà một số hộ dân thuộc khu phố 3, 4 (phường Phủ Hà), khu phố 2 (phường Văn Hải).

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh, đến ngày 6-12, tổng dung tích chứa 20 hồ thủy lợi đạt 190,89/192,03 triệu m3; các hồ như Sông Sắt đạt 72,66/69,33 triệu m3, Sông Trâu 33,62/31,53 triệu m3, Tân Giang 13,39/13,39 triệu m3, Lanh Ra 13,99/13,89 triệu m3… Hiện nay, nước đang đổ về các hồ, để đảm bảo an toàn hồ chứa, đơn vị cũng đã thông báo cho vùng hạ du và tiếp tục xả lũ đúng quy trình.