Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội

(NTO) Ngày 7-12, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai các chính sách, chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân giai đoạn 2016 - 2020. Các đồng chí: Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tỉnh ta.

Các đồng chí: Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh
tham dự tại điểm cầu tỉnh ta. Ảnh: Văn Miên

Theo đánh giá, hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện, về cơ bản đã hình thành khung pháp lý tương đối đầy đủ và đồng bộ với nhiều sự đổi mới có tính đột phá để điều chỉnh việc phát triển nhà ở và nhà ở xã hội. Về tổng thể hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội đã được nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh phù hợp với định hướng của Đảng, điều kiện kinh tế của đất nước, theo từng nhóm đối tượng và khu vực vùng miền. Với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Đến nay đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và KCN, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500 nghìn người thu nhập thấp, công nhân lao động đô thị và KCN. Hàng triệu hộ gia đình người có công với nước, hộ nghèo ở nông thôn, khu vực thường xuyên bị thiên tai, bão, lũ có chỗ ở an toàn và ổn định; góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và giải quyết tốt các vấn đề xã hội cấp thiết. Đồng thời, việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đã góp phần quan trọng vào việc tái cấu trúc thị trường BĐS, khắc phục lệch pha cung-cầu, giúp cho thị trường phát triển ổn định, lành mạnh…

Thảo luận tại hội nghị, đại diện các điểm cầu trực tuyến nêu những tồn tại cần giải quyết về nhà ở xã hội, đồng thời cũng kiến nghị với chính phủ những giải pháp để tháo gỡ khó khăn, nhất là trong vấn đề hỗ trợ vốn. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát điều chỉnh quy hoạch đô thị, khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thuộc các thành phần tích cực tham gia phát triển nhà ở xã hội. Phấn đấu đạt chỉ tiêu trong giai đoạn 2016 - 2020 sẽ hỗ trợ cho hơn 600 ngàn hộ gia đình có nhà ở ổn định.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những kết quả đạt được trong thời gian qua; đồng thời yêu cầu lãnh đạo các địa phương coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần có kế hoạch và giải pháp cụ thể để thực hiện đạt kết quả tốt. Đồng chí nhấn mạnh, sau hội nghị này Thủ tướng sẽ ban hành chỉ thị về việc thực hiện chính sách nhà ở xã hội. Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách cụ thể, đặc biệt là các chính sách về đất đai, vốn, thủ tục hành chính... Trung ương và các địa phương phải bổ sung kế hoạch phân bổ vốn đầu tư cho chương trình phát triển nhà ở xã hội. Tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, chất lượng hạ tầng, dịch vụ liên quan, tức là các khu nhà ở xã hội phải đồng bộ với các thiết chế văn hóa, xã hội, kết cấu hạ tầng khác, đảm bảo cuộc sống và điều kiện phát triển.