Hội nghị triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020

(NTO) Ngày 6-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp (DN) Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020. Tham dự, có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình, Vương Đình Huệ, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam. Tại tỉnh ta, dự hội nghị có đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN tỉnh và lãnh đạo các DN Nhà nước nắm giữ vốn điều lệ và cổ phần chi phối tại địa phương.

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN Lê Mạnh Hà cho biết:Thực hiện chương trình tổng thể về sắp xếp, đổi mới DN Nhà nước trực thuộc đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong giai đoạn 2011 – 2015 cả nước có 5.950 DN đã sắp xếp, đổi mới. Trong đó, DN đã sắp xếp đạt 96% kế hoạch và DN cổ phần hóa đạt 96,3% kế hoạch, qua đó nâng tổng số DN Nhà nước đã sắp xếp, đổi mới đếnthời điểm tháng 10-2016 lên 6.010 DN.

 
Đồng chí Phạm Văn Hậu, PHó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự tại điểm cầu tỉnh ta.

Đối với tỉnh ta, hiện đang duy trì 4 DN do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 2 DN có vốn nhà nước chi phối. Đến nay, có 2 DN là Công ty TNHH Lâm nghiệp Ninh Sơn và Công ty TNHH Lâm nghiệp Tân Tiến đang thực hiện sắp xếp, đổi mới theo Nghị định 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ; 2 DN là Công ty Cổ phần Cấp nước Ninh Thuận và Công ty Cổ phần Công trình đô thị Ninh Thuận đang thực hiện thoái vốn Nhà nước theo quy định tại Quyết định 37/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, dự kiến trong năm 2017 sẽ hoàn thành. Riêng Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết Ninh Thuận, do đến ngày 24-8 chưa có nhà đầu tư nào đăng ký tham gia đấu giá, nên UBND tỉnh đang chỉ đạo đơn vị tiếp tục thoái vốn đến hết năm 2016.

Chính phủ xác định trong giai đoạn 2016 – 2020 nhiệm vụ tái cơ cấu DN còn nặng nề với nhiều khó khăn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước phải tập trung chỉ đạo thực hiện…

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh 3 nhóm nhiệm vụ để các bộ, ngành, địa phương, DN bám sát tập trung chỉ đạo thực hiện cho phù hợp. Theo Thủ tướng, cổ phần hóa trước hết nhằm tạo môi trường minh bạch, có sự giám sát chặt chẽ, có tính cạnh tranh cao cả đầu vào và đầu ra, có động lực để thúc đẩy hoạt động. Thứ hai, khi tiến hành cổ phần hóa, quy mô khu vực kinh tế nhà nước nhỏ đi, nhưng hiệu quả phải cao hơn, vốn Nhà nước phải được bảo toàn và phát huy giá trị tốt hơn. Thứ ba, tái cơ cấu DN Nhà nước để giải phóng nguồn lực phục vụ tăng trưởng cao.Theo đó, lĩnh vực nào cần có vai trò của Nhà nước thì tính toán lại để quản lý cho hiệu quả, còn lại thì rút vốn ra để tạo điều kiện để tự nhân hoạt động.

Về mục tiêu trong giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng nêu các nhóm nhiệm vụ cơ bản: Phải xác định rõ lĩnh vực nào Nhà nước cần nắm giữ, lĩnh vực nào thì rút vốn theo tỷ lệ phù hợp; phải xác định danh mục DN với tỷ lệ giữ vốn cụ thể (DN nào giữ 100%, DN nào rút vốn, tỷ lệ rút vốn); phải lành mạnh hóa hoạt động DN, xóa bỏ mọi rào cản trong quá trình cồ phần hóa; xây dựng hệ thống đánh giá phù hợp DN Nhà nước sau cổ phần hóa thực hiện mục tiêu chính sách với mục tiêu kinh tế; áp dụng quản trị DN theo thông lệ quốc tế; hoàn thiện quy trình thủ tục về đầu tư, mua sắm, phân phối, công tác cán bộ; xử lý các DN thua lỗ, hoạt động hiệu quả thấp; rà soát, tháo gỡ mọi rào cản về chính sách… để đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại DN Nhà nước

Để thực hiện hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ trên, Thủ tướng nhấn mạnh việc giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân lãnh đạo từng bộ, ngành, địa phương, DN trong thực hiện cổ phần hóa với phương châm bộ nào, địa phương nào, DN nào làm chậm, làm thất thoát thì phải xử lý, không làm thì phải thay đổi…