Tăng cường phòng, chống dịch bệnh do vi-rút Zika

(NTO) Trước diễn biến phức tạp của vi-rút Zika, phóng viên Báo Ninh Thuận có cuộc trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về công tác phòng, chống dịch bệnh này trên địa bàn tỉnh.

Phóng viên: Trước diễn biến phức tạp của vi-rút Zika, tỉnh ta có giải pháp gì để phòng, chống và xử lý tốt các tình huống có thể xảy ra?

Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh

- Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Tính đến ngày 23-11, cả nước ghi nhận 74 trường hợp nhiễm vi-rút Zika. Trong đó, tại TP.Hồ Chí Minh có 65 trường hợp trải đều tại 17/24 quận, huyện. Đối với tỉnh ta, do hằng ngày lưu lượng người từ TP.Hồ Chí Minh đến tỉnh ta và ngược lại khá lớn, trong khi đó muỗi Aedes- sinh vật trung gian truyền bệnh đang lưu hành rộng khắp trên địa bàn tỉnh, nên nguy cơ người dân Ninh Thuận bị lây nhiễm vi-rút Zika hoàn toàn có thể. Trước tình hình đó, Sở Y tế tích cực phối hợp với các ngành liên quan giám sát chặt chẽ du khách, người dân trở về từ các vùng có ca nhiễm bệnh; đồng thời, chỉ đạo ngành Y tế các huyện, thành phố tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông; triển khai thực hiện các giải pháp tiêu diệt lăng quăng; tiến hành đánh giá tình hình tác nhân gây bệnh như: mật độ muỗi, lăng quăng để chủ động phun hóa chất diệt muỗi những khu vực có mật độ cao, hạn chế muỗi Aedes phát triển, ngăn ngừa truyền vi-rút Zika. Ngành Y tế các địa phương tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch tễ; đối với những trường hợp có dấu hiệu nghi nhiễm vi-rút Zika, phải báo cáo ngay cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để lấy mẫu xét nghiệm, kịp thời phát hiện trường hợp nhiễm bệnh. Thời gian qua, Trung tâm đã tiến hành xét nghiệm 49 mẫu máu của các trường hợp nghi nhiễm vi- rút Zika, tuy nhiên kết quả đều âm tính. Ngoài ra, ngành Y tế cũng chuẩn bị các điều kiện về nhân lực, vật lực, sẵn sàng thu dung, điều trị khi có dịch xâm nhập.

Phóng viên: Như vậy, ngành Y tế có khuyến cáo gì giúp cho người dân, đặc biệt phụ nữ mang thai để chủ động phòng ngừa và cách xử lý khi bị nhiễm bệnh-thưa đồng chí.

- Bác sĩ Nguyễn Nhị Linh: Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh do vi-rút Zika. Cách phòng bệnh hiệu quả nhất cũng giống như cách phòng bệnh sốt xuất huyết, đó là giữ gìn vệ sinh môi trường, tích cực tiêu diệt lăng quăng, hạn chế muỗi phát triển, tránh muỗi đốt. Thời điểm này, người dân nên hạn chế tới các vùng đang có dịch. Nếu phải đi, cần tìm hiểu các thông tin về tình hình dịch bệnh nơi đến để chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm phù hợp cho bản thân. Ngoài ra, vi - rút Zika còn có đường lây truyền phụ là qua quan hệ tình dục. Do đó, những người đi về từ vùng dịch, phải tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 14 ngày; trong thời gian này không nên có quan hệ tình dục. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt, phát ban, kèm theo viêm kết mạc mắt, đau khớp, đau cơ, đau đầu, phải thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời, tránh lây lan vi-rút Zika ra cộng đồng.

Bệnh do vi-rút Zika thường nhẹ, người lớn bị nhiễm bệnh sẽ tự khỏi sau 4-5 ngày điều trị. Tuy nhiên, vi-rút Zika lại được cho là liên quan đến bệnh đầu nhỏ ở trẻ nếu bà mẹ mang thai 3 tháng đầu bị nhiễm bệnh. Chính vì vậy, đối với những phụ nữ có ý định có thai hoặc đang có thai 3 tháng đầu cần hết sức lưu ý các biện pháp phòng ngừa. Thai phụ trong 3 tháng đầu nếu có những triệu chứng nhiễm bệnh như trên cần đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm. Trong trường hợp dương tính với vi-rút Zika cần tiếp tục khám thai theo dõi sự phát triển của thai nhi thường xuyên, từ đó bác sĩ sẽ tư vấn, xử lý theo từng trường hợp. Mặc dù vậy, các thai phụ cũng không nên quá hoang mang, lo lắng, bởi vi-rút Zika chỉ được cho là có liên quan, chứ chưa có một nghiên cứu nào xác định Zika là nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ.

Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!