Những câu chuyện buồn…
Mới 14 tuổi, nhưng Bà Râu Thị Th. (thôn Là A, xã Phước Hà, Thuận Nam) đã có chồng và mang thai gần 6 tháng. Đang học lớp 7, Th. nảy sinh tình cảm với Tà Yên U, thanh niên cùng thôn. Sau khi phát hiện mình có thai, Th. buộc ba mẹ đi “bắt chồng”. Nhà Th. thuộc diện nghèo, nay có thêm miệng ăn, Th. mang thai sức yếu không làm gì được, cuộc sống của gia đình em càng khó khăn hơn. Khi được hỏi vì sao lấy chồng sớm, sau này làm gì để sống? Th. cười, trả lời hồn nhiên “Thích thì lấy chồng thôi…”. Ít học, không nghề nghiệp, không vốn liếng làm ăn, chúng tôi thật ái ngại cho tương lai của vợ chồng Th., rồi cái nghèo vẫn đeo bám mãi...
Câu chuyện của em Katơ Thị L. (thôn Suối Lở, xã Phước Thành, Bác Ái) còn buồn hơn. Đang học lớp 8, L. gặp và yêu Katơ K. hơn em 1 tuổi, người cùng làng. Không lâu sau, L. có thai, đành phải bỏ học, giục ba mẹ làm lễ “bắt chồng”. Đôi vợ chồng trẻ không công ăn việc làm, phải sống dựa vào ba mẹ. Thời gian gần đây, K. lên Lâm Đồng đi hái cà phê thuê, thỉnh thoảng mới về, mỗi sáng L. một mình lủi thủi địu con lên rẫy kiếm sống qua ngày. L. tâm sự: Nhiều lúc thấy chúng bạn đi học, nô đùa vui vẻ, em chạnh lòng lắm...
Cán bộ Hội Phụ nữ xã Phước Tiến thông tin, tuyên truyền cho bà con về Luật Hôn nhân và gia đình và những hệ lụy từ việc tảo hôn.
Nhiều năm qua, tình trạng tảo hôn ở các vùng đồng bào dân tộc Raglai diễn ra khá phổ biến, trong đó Bác Ái là “điểm nóng”. Qua khảo sát sơ bộ của địa phương, từ năm 2009 đến nay, toàn huyện có 55 trường hợp tảo hôn. Tuy nhiên, trên thực tế con số này còn cao hơn nhiều. Điều đáng nói là tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng. Điển hình như trong 2 năm 2009, 2010, toàn huyện chỉ có 2 trường hợp, nhưng trong 3 năm qua đã có 30 trường hợp tảo hôn. Còn theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội của 53 dân tộc thiểu số vào năm 2015 của Ủy ban Dân tộc tỉnh, tỷ lệ cặp vợ chồng người dân tộc Raglai tảo hôn trên địa bàn huyện Bác Ái chiếm đến 38,3%.
Tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc Raglai bắt nguồn từ hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, do quan niệm lạc hậu cho rằng con gái lớn lên “đi bắt chồng” sớm để có thêm người lo công việc gia đình, nương rẫy, đã ăn sâu vào nếp nghĩ, truyền từ đời này sang đời khác; ngoài ra, một bộ phận trẻ vị thành niên có quan hệ yêu đương sớm, không có kiến thức về kế hoạch hóa gia đình nên có thai ngoài ý muốn, dù chưa đủ tuổi kết hôn vẫn bắt cha mẹ tổ chức cưới, làm lễ “bắt chồng”. Trong khi đó, công tác tuyên truyền, vận động lại hết sức khó khăn. Chị Pinăng Thị Nở, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Bác Ái, cho biết: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, lại được chính quyền, các đoàn thể tích cực tuyên truyền, vận động, hiện nay hầu hết bà con đều biết rằng tảo hôn là vi phạm pháp luật và những hệ lụy của nó. Nhưng cũng vì quan niệm lạc hậu về hôn nhân, con cái yêu đương sớm lỡ có thai nên các bậc cha mẹ âm thầm, lén lút tổ chức đám cưới cho con. Đến khi chính quyền biết được thì mọi chuyện đã rồi…
Việc xử lý cũng không hiệu quả. Chị Chamaléa Thị Thuyên, cán bộ Tư pháp xã Phước Hà, chia sẻ: Đối với những trường hợp vi phạm, chính quyền xã không thể làm giấy đăng ký kết hôn. Việc xử lý chủ yếu cũng chỉ giải thích về hành vi vi phạm pháp luật, vận động chờ tới tuổi đến làm đăng ký kết hôn. Hầu hết các trường hợp tảo hôn đều rơi vào những gia đình nghèo nên khó có thể xử phạt hành chính.
Cần sự chung tay của cộng đồng
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao hiểu biết, ý thức trách nhiệm về thực hiện các quy định pháp luật về hôn nhân, gia đình, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tháng 10-2015, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2015-2020”. Mục tiêu đến năm 2020, 70% đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng vị thành niên, thanh niên người dân tộc thiểu số, phụ huynh… ở các vùng dân tộc khó khăn được tuyên truyền, cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan đến hôn nhân, tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; giảm bình quân 1%/năm/số cặp tảo hôn và 2-3% đối với nhóm dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn cao… Trong đó, kế hoạch của năm 2016, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, nhiệm vụ quan trọng là thành lập mô hình điểm CLB Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại xã Phước Thắng (Bác Ái) và tổ chức hội thảo tìm hiểu nguyên nhân, giải pháp để giải quyết những vấn đề này. Ông Lê Thanh Hùng, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Đến nay, việc thành lập mô hình điểm CLB cơ bản đã hoàn thành. CLB có khoảng 40 thành viên, trong đó Chủ nhiệm CLB là Phó Chủ tịch UBND xã, các thành viên gồm đại diện lãnh đạo các đoàn thể, những người có uy tín trong cộng đồng… Mục tiêu của CLB nhằm thông tin tuyên truyền, nâng cao ý thức pháp luật về hôn nhân-gia đình để giúp các thành viên trở thành tuyên truyền viên cho cộng đồng, xã hội trong lĩnh vực này. Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh cũng đã phối hợp điều tra, khảo sát tình hình tảo hôn trên địa bàn xã Phước Thắng, trên cơ sở đó, tìm hiểu nguyên nhân, những khó khăn, vướng mắc và đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong cộng đồng dân tộc Raglai.
Như vậy, để thực hiện tốt đề án, kế hoạch đề ra, về trước mắt cũng như lâu dài, cần có sự phối hợp, tích cực vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là chính quyền địa phương nơi đồng bào dân tộc Raglai sinh sống. Ngoài tuyên truyền, vận động, các địa phương cần thực hiện tốt các chính sách dân tộc như hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế… giúp bà con thay đổi tích cực quan niệm về hôn nhân, ý thức hơn về chăm sóc sức khỏe sinh sản, quan tâm đến cải thiện đời sống, nâng cao trình độ văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn trong cộng đồng dân tộc Raglai nói riêng và cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung.
Đồng chí Pinăng Thị ThủyTrưởng Ban Dân tộc tỉnh:
Vấn đề quan trọng nhất để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, đó chính là làm sao thay đổi được từ nhận thức, quan niệm lạc hậu cho đến hành vi của người dân về hôn nhân; đây là việc làm thường xuyên, lâu dài, của cả cộng đồng và đặc biệt cần có những giải pháp, chương trình, hoạt động tuyên truyền, vận động phù hợp, thiết thực. Chính vì vậy, trong việc triển khai các hoạt động trong kế hoạch, Ban Dân tộc tỉnh sẽ luôn có sự theo dõi sâu sát, kiểm tra, đánh giá hiệu quả đối với từng hoạt động, trong từng giai đoạn, trên cơ sở đó phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương rút kinh nghiệm và có giải pháp để nâng cao hiệu quả qua từng năm thực hiện.
Đồng chí Mẫu Thái Phương
Chủ tịch UBND huyện Bác Ái:
Giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ địa phương hết sức quan tâm. Để nâng cao hiệu quả công tác này, ngoài phối hợp thực hiện các hoạt động theo Kế hoạch Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, giai đoạn 2015-2020”, UBND huyện sẽ tăng cường chỉ đạo các địa phương, ban, ngành, đoàn thể, nhất là ngành Giáo dục, Y tế, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ cùng phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về hôn nhân, chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm tốt công tác duy trì sĩ số học sinh trong trường học; theo dõi những đối tượng có nguy cơ tảo hôn cao để phát hiện, có biện pháp ngăn chặn kịp thời, góp phần tích cực giảm thiểu tình trạng tảo hôn ở địa phương.
Đồng chí Lưu Ngọc Lai
Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh:
Các trẻ em gái chưa đủ tuổi trưởng thành, cơ thể chưa phát triển toàn diện, việc quan hệ tình dục, mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình và con trẻ. Hầu hết các cặp vợ chồng trẻ chưa có ý thức, kiến thức về sức khỏe sinh sản, KHHGĐ nên thường đẻ nhiều, đẻ dày dẫn đến đói nghèo, bạo lực gia đình và ảnh hưởng đến chất lượng dân số và nhiều hệ lụy khác cho xã hội. Thời gian tới, Chi cục Dân số-KHHGĐ tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp tăng cường truyên truyền, vận động về CSSKSS/KHHGĐ, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thông qua các chương trình lồng ghép nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng trong độ tuổi sinh sản, góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn, nâng cao chất lượng dân số.
Uyên Thu, Nhóm PV