Làm sếp, sướng hay khổ ?

(NTO) Nghe tin anh được thăng chức, ông bạn thuở thiếu thời gọi điện chúc mừng: Ông sướng nhé, chỉ tiếc mình ở xa không được chia vui cùng bạn, chúc cậu thuận buồm xuôi gió trên cương vị công tác mới. Hắn chúc mừng mà giọng trầm trầm nghe chẳng khí thế chút nào, anh gặng hỏi thì bạn lấp lửng: Ông ráng làm tròn chức trách, sướng hay khổ thông báo mình biết. Lại có chuyện làm sếp sướng hay khổ? Thôi thì cứ nghe bạn, thực tiễn sẽ là câu trả lời hay nhất.

Tôi đem chuyện anh được chúc mừng làm sếp kể cho chị doanh nhân nay đã nghỉ hưu. Chị thở ra: Thực ra, nghỉ hưu chị mới thấy sướng, có thời gian lo cho con cháu, chăm sóc chồng. Thời chị làm giám đốc doanh nghiệp, đi nước ngoài như cơm bữa, ai cũng nghĩ mình làm sếp sung sướng. Họ đâu có biết doanh nghiệp may mặc xuất khẩu tất tần tật phải thông qua đối tác nước ngoài: Nào máy móc, dây chuyền hiện đại phải mua của các nước tiên tiến như Nhật, Đức, Mỹ, rồi nguyên liệu đầu vào vải, chỉ may đến cả sợi dây khoá kéo cũng phải nhập, đến quy trình sản xuất, an toàn lao động, môi trường sản xuất cũng phải đáp ứng yêu cầu của khách hàng ngoại. Bởi vậy, giám đốc thường xuyên đi nước ngoài quan hệ với đối tác và phải biết ngoại ngữ, văn hoá của họ để giao dịch. Thế nên, là sếp nhưng công việc tìm đối tác, ký kết hợp đồng, học ngoại ngữ và tham dự các khoá bồi dưỡng lễ tân ngoại giao dành cho doanh nhân chiếm khá nhiều thời gian. Không chỉ vậy, lo hoàn thành hợp đồng đã ký kết, việc làm, thu nhập, các chính sách cho người lao động như: Chế độ tiền lương, thai sản, nghỉ dưỡng, chính sách bảo hiểm xã hội…cho trên ba ngàn công nhân hầu hết là nữ là những áp lực công việc theo chị cả trong giấc ngủ. Nhiều lúc, trên đường từ doanh nghiệp về gia đình nhìn thấy anh chị em người ta cũng là lãnh đạo, sau giờ làm việc họ đi chơi tennis, học thể dục thẩm mỹ, thể hình…chị cứ như mơ. Rồi chị cười hết cỡ: Có lẽ số mình khổ nên làm sếp vẫn cứ khổ!?

Không chỉ chị doanh nhân, cô giám đốc trẻ của một cơ quan mới đảm nhận nhiệm vụ vài ba năm, nay như già hơn mấy tuổi. Cô chia sẻ: Có làm lãnh đạo mới thấy hết trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Công việc cơ quan ngày càng nhiều, yêu cầu công tác tham mưu phải sáng tạo, đúng pháp luật, bám sát thực tiễn địa phương và lấy hiệu quả, hiệu lực điều hành của tỉnh để đánh giá kết quả cơ quan tham mưu, người đứng đầu. Việc nghiên cứu sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan sao cho hợp lý, phát huy đúng khả năng, sở trường, sở đoản của từng cá nhân; điều hành công việc bám sát nhiệm vụ trọng tâm, đột phá và nhiệm vụ đột xuất cấp trên giao cứ như vòng xoáy chiếm hết thời gian ngày làm việc. Bên cạnh đó việc áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, nhất là triển khai thực hiện thủ tục hành chính cấp độ 3 đòi hỏi cán bộ lãnh đạo quản lý phải thường xuyên cập nhật thông tin, theo dõi kết quả thực hiện của từng tập thể, cá nhân thuộc quyền quản lý để chỉ đạo kịp thời. Công việc cơ quan đeo bám theo cả lúc họp hành, ở nhà riêng, nhiều lúc xử lý công việc xong đã hơn 22 giờ, nhìn sang bên con đã ngủ từ lúc nào không biết. Nhận thấy anh em cơ quan làm việc cả ngày nghỉ, ngoài giờ hành chính nhưng không có chế độ thù lao (do kinh phí hành chính không đủ chi) mình thấy áy náy làm sao. Điều phấn khởi là bản thân quyết tâm, quyết liệt thì guồng máy cơ quan cũng vận hành theo, có lẽ đó là niềm vui lớn nhất cho những gì mình đã bỏ công xây dựng, vun đắp.

Chị doanh nhân đã nghỉ hưu, cô giám đốc trẻ một cơ quan, cả hai là sếp ở mỗi lĩnh vực công tác khác nhau nhưng đều tận tâm với công việc chung. Nếu ai đó nhận xét họ làm sếp nhưng sao khổ thế cũng chẳng sai, bởi làm tròn trọng trách tổ chức, nhân dân giao phó thì phải biết hy sinh cái riêng mình. Nhưng họ sẽ là người hạnh phúc nhất vì biết sống, chăm lo cho hạnh phúc của rất nhiều, nhiều người.