Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030

LTS: Ngày 11-11-2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn nội dung Nghị quyết.

I- Khái quát tình hình

Những năm qua, mặc dù trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tình hình hạn hán diễn biến phức tạp, gay gắt trên diện rộng, nhưng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, ngành nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tiến bộ. Tốc độ tăng trưởng đạt khá so với mức bình quân của cả nước; cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch tích cực; việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng có hiệu quả được chú trọng; bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng được tăng cường. Thủy sản phát triển khá; tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển bước đầu được khai thác có hiệu quả gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển. Nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn được quan tâm; sản xuất nông nghiệp đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực và trật tự, an toàn xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, quy mô sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ; năng suất, giá trị gia tăng đạt thấp; chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành giữa trồng trọt và chăn nuôi, giữa nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản còn chậm; vai trò kinh tế hợp tác, công tác thông tin thị trường, tiêu thụ sản phẩm và ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất còn hạn chế; các sản phẩm nông nghiệp đặc thù, có lợi thế của tỉnh chưa phát huy hiệu quả; năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu còn hạn chế, bất cập.

Nguyên nhân của các hạn chế chủ yếu là do: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền ở một số địa phương về phát triển nông nghiệp chưa sâu sát, chưa quyết liệt; mối liên kết giữa nhà nông-nhà nước-nhà khoa học-doanh nghiệp chưa chặt chẽ; đầu tư cho nông nghiệp còn dàn trải, chưa thật sự hiệu quả; thiếu những chính sách, giải pháp mang tính đột phá; việc tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch và cơ chế, chính sách đã ban hành còn chậm; công tác ứng dụng khoa học-công nghệ, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả còn hạn chế.

Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp của tỉnh có những thuận lợi do tác động tích cực của quá trình hội nhập quốc tế; việc ứng dụng khoa học-công nghệ mới, mang lại năng suất, chất lượng, hiệu quả cao trong sản xuất nông nghiệp... Tuy nhiên, một số khó khăn, thách thức nổi lên đó là: sản xuất nông nghiệp có sức cạnh tranh thấp; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ; nguồn lực đầu tư còn hạn chế; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu; các hình thức hợp tác, liên kết trong nông nghiệp vẫn là khâu yếu; tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến phức tạp, khó lường…

II-Quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu

1-Quan điểm

- Tái cơ cấu nông nghiệp là một bộ phận quan trọng trong tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, phù hợp với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh gắn với ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển nhanh, bền vững, sớm thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền trong tỉnh.

- Tái cơ cấu nông nghiệp cả chiều rộng và chiều sâu; coi trọng tính hiệu quả và đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất; khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ ở những vùng, lĩnh vực có điều kiện. Tăng cường liên kết, hợp tác, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm.

2-Mục tiêu

- Khai thác tốt nhất lợi thế của vùng tiểu khí hậu khô hạn; thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu.

- Tập trung thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đẩy mạnh việc hình thành và phát huy hiệu quả của mô hình liên kết “4 nhà”; thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm.

- Tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, nhất là các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân vùng nông thôn.

- Trước mắt, tập trung triển khai thực hiện 3 khâu đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp: (1) đầu tư hạ tầng thủy lợi; (2) đẩy mạnh ứng dụng khoa học- công nghệ đối với các sản phẩm đặc thù, có lợi thế của tỉnh; (3) thu hút và phát triển doanh nghiệp đầu tư trong nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao.

3-Một số chỉ tiêu chủ yếu

- Đến năm 2020: Giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản tăng bình quân 6-7%/năm, giá trị sản xuất tăng bình quân 7-8%/năm. Cơ cấu nông, lâm nghiệp chiếm 49%, thủy sản 51%. Giá trị sản xuất/1ha đất nông nghiệp chủ động nước tăng ít nhất 1,5 lần và thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,8 lần so với năm 2015; thu hút từ 2-3 doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo nông thôn giảm 2%/năm; có 50% số xã và 1-2 huyện đạt tiêu chí nông thôn mới; độ che phủ rừng đạt 50%.

- Đến năm 2030: Tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành nông, lâm, thủy sản cao hơn giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở ứng dụng rộng rãi công nghệ cao để phát triển nền nông nghiệp thông minh, thích ứng cao với biến đổi khí hậu. Hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, có tính đặc thù địa phương với vai trò đầu tàu là các doanh nghiệp lớn liên kết với các tổ chức hợp tác của nông dân. Phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng gấp 3 lần năm 2020. Xây dựng nông thôn mới hiện đại theo hướng bền vững.

III-Nhiệm vụ trọng tâm

1-Trồng trọt

Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng tăng tỷ trọng cây ăn quả, cây công nghiệp, cây rau đậu; giảm tỷ trọng cây lương thực một cách hợp lý gắn với phát triển các cơ sở chế biến. Mở rộng các hình thức liên kết hợp tác, hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp đảm bảo chặt chẽ từ khâu đầu vào đến khâu đầu ra; chú trọng xây dựng thương hiệu, từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu.

Tập trung phát triển các ngành hàng có giá trị, có lợi thế cạnh tranh theo hướng sản xuất tập trung, quy mô lớn (nho, táo, tỏi, nha đam, măng tây,...) và phát triển giống cây trồng gắn với tăng cường ứng dụng khoa học-công nghệ trong sản xuất, nhất là công nghệ cao, công nghệ sử dụng nước tiết kiệm theo hướng đồng bộ, hiệu quả, góp phần tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng có hiệu quả, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Phấn đấu đến năm 2020, chuyển đổi trên 2.000 ha đất trồng lúa kém hiệu quả thuộc khu vực tưới của các hồ thủy lợi trong tỉnh; đến năm 2030, hoàn thành việc chuyển đổi trên 8.000 ha đất. Quan tâm quy hoạch và phát triển đồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc.

Giai đoạn 2016-2020: Phát triển diện tích nho, táo đạt qui mô 3.200 ha, sản lượng 50 ngàn tấn nho, 55 ngàn tấn táo; diện tích mía đạt 5.000 ha, sản lượng 300 ngàn tấn; ổn định diện tích cây sắn 2.500- 3.000 ha, sản lượng 60 ngàn tấn; cây măng tây đạt 500 ha, cây nha đam đạt 500 ha. Mở rộng diện tích trồng bắp luân canh trên đất lúa và đất hoa màu khác đạt 25 ngàn ha, sản lượng đạt 100 ngàn tấn. Đầu tư phát triển một số vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, các mô hình GAP… ven thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và các huyện Ninh Hải, Ninh Phước, Ninh Sơn.

2-Chăn nuôi

Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng các vật nuôi có lợi thế như bò, dê, cừu; giữ ổn định đàn heo, đàn gia cầm hiện có. Phát triển chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn, hiệu quả, giá trị cao. Tập trung chuyển đổi từ chăn nuôi quảng canh sang chăn nuôi trang trại tập trung gắn thu hút doanh nghiệp tổ chức chăn nuôi khép kín các khâu trong chuỗi giá trị từ cung ứng đầu vào đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng phát triển đồng cỏ phục vụ chăn nuôi gia súc có sừng.

Giai đoạn 2016-2020: Tổng đàn gia súc đạt quy mô trên 514.000 con; đàn gia cầm đạt 2 triệu con. Tỷ lệ sind hóa đàn bò đạt 50%; đàn dê, cừu lai giống mới đạt 90%; tỷ lệ nạc hóa đàn heo 90%. Phấn đấu, thu hút 2-3 dự án đầu tư chăn nuôi bò thịt cao sản, dê thịt, dê sữa qui mô lớn từ 20-30 ngàn con/trang trại tại các vùng có điều kiện.

3-Thủy sản

Phát triển đồng bộ cả về nuôi trồng, khai thác gắn với chế biến thuỷ sản; liên kết các hộ hình thành vùng nuôi tập trung có kết cầu hạ tầng đồng bộ, chú trọng ứng dụng khoa học- công nghệ nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm môi trường; phát huy thương hiệu tôm giống, đưa Ninh Thuận thành trung tâm sản xuất tôm giống chất lượng cao của cả nước. Tập trung đầu tư vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung An Hải, Sơn Hải, Nhơn Hải theo quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, cấp thoát nước Đầm Nại giai đoạn II và dự án hạ tầng vùng sản xuất giống Nhơn Hải. Phấn đấu đến năm 2020, diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 2.400-2.500 ha, trong đó diện tích nuôi tôm khu vực Đầm Nại, An Hải, Sơn Hải, Từ Thiện trên 1.000 ha; sản lượng tôm nuôi đạt 12 nghìn tấn; sản lượng tôm post trên 36 tỷ con.

Tiếp tục rà soát Đề án tổ chức lại sản xuất nghề khai thác hải sản, thực hiện có hiệu quả chính sách khuyến khích ngư dân đầu tư tàu thuyền công suất lớn, trang thiết bị hiện đại vươn khơi, kết hợp chuyển đổi sang các nghề lưới vây, câu, chụp, lưới rê… để khai thác các sản phẩm vùng khơi có giá trị kinh tế cao gắn với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Tiếp tục đầu tư đồng bộ hạ tầng nghề cá, thu hút phát triển các dịch vụ đóng sửa tàu thuyền, cung ứng nguyên liệu, thu mua sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2020, tổng số tàu thuyền khoảng 2.900 chiếc/380.000 CV; sản lượng khai thác đạt 70-75 nghìn tấn, trong đó khai thác xa bờ chiếm 65%.

4-Lâm nghiệp

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có sự tham gia của người dân. Đẩy mạnh phát triển mô hình nông-lâm kết hợp gắn phát triển chăn nuôi; khai thác, chế biến các sản phẩm từ rừng trồng, nhất là các sản phẩm từ cây Neem, cây trôm và các cây dược liệu khác. Phát triển rừng sản xuất theo hình thức Nhà nước hỗ trợ một phần đối với các cây trồng ứng dụng công nghệ mới cho năng suất cao.

Tiếp tục sắp xếp, đổi mới các đơn vị lâm nghiệp, tập trung bảo vệ và phát triển rừng ở vùng trọng điểm, khu bảo tồn các vườn Quốc gia, khu vực xung yếu ven biển, rừng đầu nguồn các hồ, đập thủy lợi nhằm bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái. Đến năm 2020, quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững 198.000 ha rừng và đất rừng, trong đó: rừng đặc dụng 42.000 ha, rừng phòng hộ 115.500 ha và rừng sản xuất khoảng 40.500 ha.

5-Diêm nghiệp

Ổn định diện tích sản xuất muối công nghiệp 3.460 ha và sản xuất muối diêm dân với diện tích 480 ha; tăng cường áp dụng các kỹ thuật, công nghệ phủ, trải bạt ô kết tinh gắn với cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng muối; sớm khắc phục tình trạng nhiễm mặn khu vực muối Quán Thẻ. Khuyến khích đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến muối và các sản phẩm sau muối với trang thiết bị và công nghệ sản xuất hiện đại gắn với bảo vệ môi trường. Có cơ chế tạo liên kết giữa hộ sản xuất với các doanh nghiệp chế biến muối bảo đảm thị trường đầu ra ổn định. Phấn đấu đến năm 2020, sản lượng muối đạt trên 470 ngàn tấn, trong đó muối công nghiệp chiếm trên 85%.

6-Tiếp tục đầu tư công trình ngành thủy lợi quan trọng; ứng dụng công nghệ mới điều tiết, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu

Tập trung rà soát, điều chỉnh Quy hoạch thủy lợi đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo hướng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả nguồn nước đảm bảo nhu cầu nước của ngành nông nghiệp, công nghiệp, du lịch và các ngành kinh tế khác.

Trong giai đoạn 2016-2020, tập trung đầu tư hoàn thành một số hồ chứa (1) và các hệ thống kênh mương cấp 2, cấp 3 tại các khu vực tưới hồ chứa, đưa năng lực tưới đạt 60% diện tích đất nông nghiệp. Trong giai đoạn 2020-2030, quan tâm đầu tư xây dựng các công trình liên thông các hồ chứa bằng đường ống (2) nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên nước.

Nghiên cứu ban hành chính sách khuyến khích, hỗ trợ nhân rộng công nghệ tưới tiết kiệm nước, chống bốc hơi nước. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có 80% diện tích nho, táo, rau, củ,… áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; trong đó, giai đoạn 2016-2020 đạt 50% .

IV-Một số giải pháp chủ yếu

1- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đối khí hậu; xác định đây là một nội dung quan trọng, có ảnh hưởng quyết định trong tiến trình tái cấu trúc lại nền kinh tế của tỉnh. Phát huy vai trò chủ thể của nông dân phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

2- Đẩy mạnh rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để xây dựng các vùng sản xuất tập trung, vùng chuyên canh; quy hoạch, phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

3- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế, chính sách bảo đảm đủ mạnh để khuyến khích, hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Trong đó, tập trung các cơ chế, chính sách hỗ trợ: tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất-kinh doanh, liên kết sản xuất-chế biến, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp và hình thành chuỗi giá trị hàng hoá…

Nghiên cứu xây dựng, ban hành chương trình thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vùng sản xuất chuyên canh đối với một số sản phẩm đặc thù của tỉnh. Quan tâm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao khả năng cạnh tranh, gia tăng giá trị.

Tăng cường đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học-công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Ban hành chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiết kiệm nước, công nghệ sạch, thân thiện môi trường vào sản xuất; nhân rộng các mô hình tổ hợp tác dùng nước (PIM), trước mắt ứng dụng đối với các cây trồng chủ lực như nho, táo, nha đam, măng tây, rau củ... Khuyến khích, tạo điều kiện để phát huy tiềm lực của các cơ sở nghiên cứu khoa học-công nghệ trên địa bàn tỉnh.

Triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp. Khuyến khích, hỗ trợ người dân góp vốn bằng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp hoặc cho thuê đất để hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Đổi mới, nâng chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nông dân theo hướng liên kết hợp đồng sản xuất nông sản gắn với sử dụng lao động tại chỗ.

Xây dựng và phát triển chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nhãn hiệu tập thể đối với các ngành hàng có lợi thế. Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại, phát triển thị trường theo hướng thiết thực, hiệu quả. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm nông sản.

4- Tập trung thu hút, huy động mọi nguồn lực đầu tư cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tranh thủ tối đa sự hỗ trợ của Trung ương, các nguồn vốn xã hội hoá, các hình thức hợp tác công-tư để đầu tư hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Trước mắt, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng vùng sản xuất chuyên canh các sản phẩm có lợi thế.

5- Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để tạo thuận lợi thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Tăng cường công tác đối thoại với doanh nghiệp; luôn đồng hành, hỗ trợ giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn phát triển.

6- Xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện từng vùng. Triển khai thực hiện các quy trình canh tác bền vững, công nghệ tưới tiết kiệm nước, hệ thống quản lý kiểm soát nguy cơ ô nhiễm đất, nước từ chất thải chăn nuôi. Tăng cường trồng rừng phòng hộ ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn.

V-Tổ chức thực hiện

1- Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, ban cán sự đảng, đảng đoàn chỉ đạo việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân đối với việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu. Nêu cao vai trò, trách nhiệm của đồng chí bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương về nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực Nghị quyết.

2- Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh hoàn chỉnh, ban hành Đề án về tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020, tầm nhìn 2030; xây dựng các kế hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực phù hợp để tổ chức thực hiện đạt các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết đã đề ra.

3- Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh và xây dựng nghị quyết, chú trọng các cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tế; đồng thời, tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện Đề án về tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh gắn với ứng phó biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn 2030, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

4- Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức đoàn thể tỉnh chỉ đạo triển khai quán triệt Nghị quyết và có các hình thức phù hợp để tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và Nhân dân tích cực tham gia và giám sát việc tổ chức triển khai, thực hiện Nghị quyết.

5- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn triển khai, quán triệt Nghị quyết; chủ trì, phối hợp các cơ quan chức năng định hướng cơ quan thông tin, truyền thông thường xuyên tuyên truyền việc triển khai thực hiện Nghị quyết và các chủ trương, chính sách về tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; kịp thời nhân rộng và biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân điển hình trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học-công nghệ cao, mô hình tưới tiết kiệm nước,…

6- Ban cán sự đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các ban đảng tỉnh hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện Nghị quyết; định kỳ hàng năm, 3 năm, 5 năm báo cáo đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh các giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc, khắc phục hạn chế, thiếu sót nhằm thực hiện thắng lợi các nội dung Nghị quyết đề ra.

Nghị quyết này được phổ biến đến các chi, đảng bộ.

(1) Hồ sông Than, hồ sông Cái, đập Tân Mỹ, đập hạ lưu sông Dinh.

(2) Kết nối liên thông từ hồ Sông Cái-Đập Tân Mỹ về các hồ khu vực phía Bắc tỉnh như hồ Thành Sơn, Bà Râu, Sông Trâu, Ông Kinh; kết nối liên thông lưu vực Hồ Cho Mo với lưu vực suối Ngang, hồ Phước Trung; kết nối liên thông hồ Tân Giang về hồ Sông Biêu và hồ Suối Lớn; kết nối liên thông hồ Sông Than về hồ Lanh Ra, Tà Ranh, Bầu Zôn, Suối Lớn, CK7, các tiểu vùng lưu vực Sông Quao và Sông Lu.