Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Diễn đàn Thanh toán điện tử

Ngày 24-11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Diễn đàn Thanh toán điện tử lần thứ 2 (VEPF 2016).

Phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá những cam kết của Diễn đàn trong năm 2015 đã được thực hiện rất nghiêm túc qua các bước tiến trong lĩnh vực thuế, khi 96% số doanh nghiệp (DN) đăng ký khai thuế qua mạng cùng rất nhiều hộ kinh doanh, người dân; kết nối hơn 10.000 cơ sở khám chữa bệnh trong cả nước từ tuyến xã đến tỉnh, huyện, Trung ương. Điều đó cho thấy Diễn đàn không chỉ có sức sống mà còn có hứa hẹn tiếp tục phát triển.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ tiếp tục ban hành nhiều văn bản, chính sách đặt nền móng cho phát triển thanh toán điện tử như phát triển thương mại điện tử, tăng cường tiếp cận dịch vụ ngân hàng của cả nền kinh tế. Cùng với đó là nỗ lực của cả cộng đồng công nghệ thông tin đã tạo ra những cải thiện về Chính phủ điện tử được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tăng 10 bậc so với trước, đặc biệt là về cung cấp dịch vụ công trực tuyến qua mạng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá so với những gì đã đặt ra tại VEPF 2015, tiến độ thực hiện còn rất chậm. Nhiều chương trình về ứng dụng thanh toán điện tử, cung cấp dịch vụ công qua mạng dù đã được khởi động nhưng còn rất vướng mắc từ quy định pháp luật, thói quen và hạn chế trong tiếp cận thị trường của các DN, nhà cung cấp giải pháp dịch vụ.

“Đến giờ phút này, có khoảng 125.000 dịch vụ công mà Chính phủ, cơ quan hành chính các cấp cung cấp cho người dân, nhưng mới có chưa đầy 1.200 dịch vụ, chưa đầy 1%, được cung cấp trực tuyến ở cấp độ 4. Đây là một con số hiểu theo nghĩa lạc quan thì thị trường còn rất lớn nhưng cũng là con số rất đáng suy nghĩ", Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Phó Thủ tướng đồng tình với cách tiếp cận của Diễn đàn về việc chọn một vài lĩnh vực như thanh toán điện tử trong giao thông, cải cách thuế, phát triển, ứng dụng công nghệ tài chính… giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân, DN, Chính phủ, tăng cường tính tương tác của Chính phủ với DN, người dân.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam

Ngày 24-11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập (1951-2016) Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Chúc mừng các thế hệ nghệ sĩ, cán bộ của Nhà hát có những đóng góp rất đáng trân trọng, rất ý nghĩa, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh bên cạnh việc tôn vinh những giá trị truyền thống, nghệ sĩ tên tuổi, cần có cơ chế cổ vũ, khuyến khích những gương mặt mới, đáp ứng thị hiếu mới của công chúng, trong bối cảnh đất nước mở cửa, văn hóa nếp sống từ bên ngoài du nhập vào rất mạnh.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định không gian sáng tạo cho các nghệ sĩ, nhạc sĩ luôn rất rộng. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước thì công việc chính thuộc về các nghệ sĩ.

Theo Phó Thủ tướng, cha ông ta từ nghìn đời đã trao truyền lại cho chúng ta rất nhiều di sản, những tác phẩm giá trị. Thế hệ hôm nay cần không chỉ phát huy mà còn phải làm mới, làm giàu, bồi đắp những di sản đó bằng cả công nghệ, lối sống mới. Đó là trách nhiệm với thế hệ đi trước.

“Làm sao các thế hệ đi trước truyền lại ngọn lửa, kinh nghiệm cho lớp sau để văn hóa truyền thống của Việt Nam được tỏa sáng, hiện đại, hội nhập nhưng vẫn giữ được hồn cốt của dân tộc, để những nét văn hóa truyền thống vẫn có sức lôi cuốn đương đại”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng mong muốn giới văn nghệ sĩ nước nhà tiếp tục góp thêm sức mạnh, cảm hứng vào công cuộc đổi mới, cổ vũ cái mới, cổ vũ cái tốt để đẩy lùi những thứ trì trệ lạc hậu, cái ác, cái xấu. Mỗi chương trình, tác phẩm nghệ thuật của Việt Nam khi biểu diễn ở nước ngoài cần không chỉ là niềm tự hào với truyền thống đấu tranh mấy nghìn năm, với một nền văn hóa cổ truyền mà còn tự tin có thể sánh cùng các tác phẩm của thế giới.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất cho Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Trường dân lập Nguyễn Siêu

Ngày 24-11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Trường dân lập Nguyễn Siêu.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho tập thể thầy và trò Trường Nguyễn Siêu. Qua 25 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành, Trường đã trở thành cơ sở giáo dục chất lượng cao của thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, mô hình đào tạo ngoài công lập tại thủ đô Hà Nội đã khẳng định được tính đúng đắn của chủ trương xã hội hoá giáo dục. Trong đó, hệ thống Trường dân lập Nguyễn Siêu xứng đáng là mô hình tiêu biểu không chỉ của Thủ đô mà còn của cả nước.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng cho rằng, so với yêu cầu đặt ra, việc đổi mới, phát triển mô hình giáo dục ngoài công lập còn một số tồn tại, hạn chế. Trong đó, chi phí cho học tập còn chưa phù hợp so với thu nhập của đa số người dân, hạn chế khả năng tiếp cận của nhiều đối tượng học sinh có nhu cầu. Nhiều trường dân lập còn gặp khó khăn trong việc phát triển hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. Sự chuyển đổi giữa hệ thống trường công lập-ngoài công lập còn chưa linh hoạt. Các cơ chế, chính sách về phát triển và quản lý hoạt động của trường dân lập còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ…

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị trường tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp và kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, thi đua dạy tốt học tốt, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm học 2016-2017 và các năm tiếp theo. Đặc biệt, phải tập trung xây dựng tập thể sư phạm hết lòng vì sự nghiệp giáo dục.

Trường cần làm tốt công tác giáo dục toàn diện, đào tạo thế hệ trẻ phát triển cả về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm mỹ; phối hợp thật tốt việc dạy văn hóa với giáo dục đạo đức, pháp luật, lý tưởng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện mô hình giáo dục ngoài công lập trong cả nước, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu về đổi mới giáo dục đào tạo.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm việc với Hiệp hội Da, Giày, Túi xách

Ngày 24-11, tại Bình Dương, làm việc với Hiệp hội Da, Giày, Túi xách Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ sẽ có những điều chỉnh chính sách nhằm khuyến khích phát triển ngành này.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, ngành da, giày, túi xách là ngành công nghiệp chủ lực, có vai trò rất quan trọng, đóng góp lớn vào xuất khẩu, rất phù hợp với điều kiện, khả năng của Việt Nam. Chính phủ sẽ tiếp tục điều chỉnh chính sách phát triển ngành da, giày, túi xách và các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Đánh giá cao sự phát triển của ngành thời gian qua, tuy nhiên Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, hoạt động gia công để xuất khẩu vẫn chiếm tỉ lệ lớn trong ngành, với trên 70% doanh nghiệp tham gia. Nguồn cung nguyên, phụ liệu chủ yếu là từ nước ngoài, dây chuyền, thiết bị còn chưa đồng bộ. Những yếu tố này đẩy giá thành sản phẩm lên cao, làm giảm tính cạnh tranh trên thị trường.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, để phát triển ngành da giày thành ngành có giá trị sản xuất lớn, sức cạnh tranh cao trong bối cảnh hội nhập kinh tế, phải phát triển một cách mạnh mẽ các ngành công nghiệp hỗ trợ ngành da giày.

“Trong quá trình đó, Hiệp hội có vai trò rất quan trọng, là cầu nối giữa doanh nghiệp với nhau, doanh nghiệp với Nhà nước. Hiệp hội phải chủ động liên hệ với các bộ, ngành Trung ương để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh”, Phó Thủ tướng nói.

Đồng thời, phải động viên, khuyến khích, hướng dẫn các doanh nghiệp ưu tiên đầu tư cho khâu nghiên cứu, phát triển. Các doanh nghiệp có thể liên danh, liên kết với nhau để tạo ra các trung tâm R&D quy mô, hiện đại. Hiệp hội Da, Giày, Túi xách cũng phải có một trung tâm R&D lớn để hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ, chưa đủ điều kiện. “Đây là yếu tố quyết định để có thể nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm, là cốt lõi của việc phát triển ngành da giày Việt Nam”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng gợi ý tỉnh Bình Dương và các địa phương nghiên cứu xây dựng một số khu, cụm công nghiệp tập trung ngành da giày để có thể phát huy tối đa hiệu quả của cơ sở hạ tầng, công nghệ, trang thiết bị.

Đối với lĩnh vực đào tạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Bộ Công Thương, Hiệp hội và các doanh nghiệp da giày có sự phối hợp chặt chẽ để xây dựng mới, phát triển, đổi mới các cơ sở đào tạo, nghiên cứu hiện có. Trước mắt, có thể liên kết, xây dựng mô hình mẫu, đưa những cơ sở nghiên cứu của Nhà nước đến với doanh nghiệp.

Nguồn Văn phòng Chính phủ