Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và sử dụng tài nguyên nước giai đoạn 2016-2020

LTS: Ngày 2-11-2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác quản lý và sử dụng tài nguyên nước giai đoạn 2016-2020. Báo Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

I- Khái quát tình hình

Trong những năm qua, công tác quản lý và sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đã được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được kết quả tích cực. Công tác tuyên truyền, phổ biến về vai trò, hiện trạng và các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước được chú trọng; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người dân đã có ý thức hơn trong việc khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước; công tác điều tra, đánh giá trữ lượng nước mặt, nước ngầm được quan tâm thực hiện; việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước và xả thải vào nguồn nước cơ bản bảo đảm đúng quy định.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước còn một số hạn chế, bất cập; việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương, chính sách về quản lý và sử dụng tài nguyên nước có lúc, có nơi chưa thật sự hiệu quả, còn hình thức; tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước vẫn còn xảy ra; nguồn lực đầu tư cho quy hoạch, điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát và dự báo về tài nguyên nước chưa đáp ứng yêu cầu; nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý và sử dụng tài nguyên nước còn hạn chế; việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; một số lĩnh vực sử dụng nước còn lãng phí, chưa thật sự hiệu quả.

Nguyên nhân của hạn chế: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, chính quyền về quản lý và sử dụng tài nguyên nước có mặt còn hạn chế; việc phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước chưa đồng bộ, chưa hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về tài nguyên nước, trữ lượng nước chưa nhiều. Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu, hạn hán ngày càng gay gắt, diễn ra trên diện rộng, đã ảnh hưởng đến an ninh nguồn nước của tỉnh.

II- Quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2020

1- Quan điểm

Tài nguyên nước là nguồn lực có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển của tỉnh. Quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước vừa là nhiệm vụ cấp bách vừa là nhiệm vụ lâu dài, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng Nhân dân trong tỉnh.

Quản lý và sử dụng tài nguyên nước theo phương thức tổng hợp, toàn diện, hiệu quả cao nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng - an ninh trước diễn biến của biến đổi khí hậu và sự suy giảm nguồn nước.

Tập trung sử dụng hiệu quả nguồn nước hiện có, coi trọng việc tái tạo, tái sử dụng nguồn nước. Chú trọng quản lý, sử dụng tốt nguồn nước mặt cả về số lượng và chất lượng; bảo vệ nguồn nước ngầm; quan tâm thực hiện tốt việc dự trữ nguồn nước để phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Quy hoạch quản lý, sử dụng tài nguyên nước phải bảo đảm nguyên tắc: đúng mục đích, tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, bền vững, kết hợp với quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đô thị hoá của tỉnh.

2- Mục tiêu, chỉ tiêu

- Quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật về quản lý khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Hoàn thành việc lập quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh, trong đó hoàn thành và đưa vào thực hiện quy hoạch tài nguyên nước ngầm.

- Hoàn chỉnh hệ thống cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin tài nguyên nước; các hồ chứa lớn, quan trọng trên lưu vực sông Cái được vận hành theo cơ chế điều tiết liên hồ; kiểm soát, giám sát việc vận hành bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu của các hồ chứa lớn, góp phần bảo đảm cân bằng nước trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nước phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh.

- Kiểm soát, ngăn chặn tình trạng ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước. Bảo vệ môi trường nước sông Cái đạt quy chuẩn về chất lượng nước mặt loại A và 100% các đoạn sông, suối quan trọng, các hồ điều hòa ở đô thị và các hồ chứa thủy điện, thủy lợi quan trọng được lập hành lang bảo vệ nguồn nước.

- Các khu đô thị loại IV trở lên trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống xử lý nước thải tập trung; phấn đấu đến năm 2020, 100% khu công nghiệp, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn Việt Nam về môi trường. Khu vực dân cư nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 95%.

III- Nhiệm vụ trọng tâm

1- Tập trung chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách, pháp luật về tài nguyên nước, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước

Tiếp tục triển khai thực hiện tốt Luật Tài nguyên nước năm 2012 và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, kịp thời cụ thể hóa vào điều kiện thực tế của tỉnh. Xây dựng và triển khai thực hiện các quy định bảo đảm khai thác, sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước trên lưu vực sông Cái, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa thượng lưu và hạ lưu sông.

Tập trung thu hút, huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế cho hoạt động khai thác, quản lý và sử dụng tài nguyên nước; có chính sách ưu đãi đối với các hoạt động đầu tư cung cấp nước sinh hoạt, thu gom xử lý nước thải và công nghệ sử dụng nước tiết kiệm. Triển khai thực hiện đầy đủ, đúng quy định các chính sách tài chính của Nhà nước về lĩnh vực tài nguyên nước. Thực hiện xã hội hóa các hoạt động bảo vệ, phát triển nguồn nước và cung ứng dịch vụ nước.

2- Quy hoạch, điều tra cơ bản, quan trắc, giám sát tài nguyên nước

Khẩn trương tổ chức điều tra, đánh giá đầy đủ, toàn diện về cân bằng nước, về số lượng và chất lượng các nguồn nước của tỉnh; đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước, những diễn biến bất thường về số lượng, chất lượng các nguồn nước và các tác hại do nước gây ra. Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên nước, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả thải vào nguồn nước đối với các nguồn nước quan trọng trên địa bàn tỉnh.

Triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước của tỉnh bảo đảm tính toàn diện giữa nước mặt với nước ngầm, giữa khai thác, sử dụng với bảo vệ tài nguyên nước, gắn với phòng, chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra; bảo đảm khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên nước và phân bổ hài hòa lợi ích sử dụng nước giữa các địa phương, các ngành, giữa thượng lưu và hạ lưu.

3- Kiểm soát, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước

Khẩn trương hoàn thành việc phân loại các nguồn nước. Rà soát, thống kê hiện trạng và kiểm soát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn tỉnh, nhất là hoạt động của các cơ sở gây ô nhiễm, làm suy thoái, cạn kiệt nguồn nước.

Tiếp tục khảo sát lập hành lang bảo vệ nguồn nước đối với các đoạn sông, suối quan trọng, các hồ chứa thủy điện, thủy lợi quan trọng và các hồ điều hòa ở đô thị trên địa bàn tỉnh; tăng cường cải tạo, phục hồi các đoạn sông, suối và hồ chứa ở các đô thị bị ô nhiễm, cạn kiệt nghiêm trọng.

4- Điều tiết, sử dụng tổng hợp, tiết kiệm tài nguyên nước và phát triển các mô hình sử dụng nước hiệu quả

Kết hợp khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nước mặt với nguồn nước ngầm; thực hiện tốt việc dự trữ nước trong mùa mưa để sử dụng cho mùa khô. Tổ chức điều tiết, phân bổ nguồn nước hợp lý giữa các khu vực, địa phương, bảo đảm nguyên tắc công bằng, hài hòa, đáp ứng yêu cầu phát triển; ưu tiên nước phục vụ cho sinh hoạt, các mục đích sử dụng khác phải được điều tiết, phân phối theo quy hoạch sử dụng tài nguyên nước của tỉnh.

Xây dựng, hoàn chỉnh các quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành liên hồ chứa nhằm tối ưu hóa việc phối hợp vận hành điều tiết của các hồ chứa, bảo đảm gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ chống lũ, giảm lũ và cấp nước cho hạ du. Tăng cường năng lực quản lý, điều hành, giám sát việc phối hợp vận hành điều tiết nước của hệ thống hồ chứa trên lưu vực sông Cái và các biện pháp quản lý, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các công trình, hệ thống khai thác sử dụng nguồn nước hiện có, nhằm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí và thất thoát nước.

5- Tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới, công nghệ thông tin trong đánh giá, dự báo, quản lý tài nguyên nước và giám sát các hoạt động gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước; nghiên cứu áp dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại trong điều tiết, phân bổ nguồn nước theo hướng sử dụng tổng hợp, hiệu quả trên lưu vực sông Cái. Khuyến khích xây dựng, nhân rộng các mô hình quản lý, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả, cải thiện và nâng cao chất lượng nước trên địa bàn tỉnh.

IV- Giải pháp chủ yếu

1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên nước gắn với theo dõi, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Trong đó, chú trọng nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; có cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước tại địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước đến cán bộ, đảng viên, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhằm làm chuyển biến mạnh mẽ về ý thức bảo vệ, quản lý, khai thác và sử dụng tổng hợp, tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động giữa nhà quản lý - nhà khoa học - người dân.

2- Rà soát, xây dựng, hoàn thiện và cụ thể hóa hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài nguyên nước phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; kiến nghị sửa đổi, điều chỉnh, thay thế những nội dung bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất và tính khả thi không cao trong các quy định pháp luật về tài nguyên nước.

3- Tập trung huy động nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên nước; trong đó, chú trọng khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn xã hội hoá, nguồn lực hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Mở rộng, tăng cường hợp tác giữa các ngành, địa phương trong công tác nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng và quản lý, bảo vệ, sử dụng nguồn nước. Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm các địa phương có cách làm hay, hiệu quả về khai thác, sử dụng hợp lý và ngăn ngừa các tác hại đối với nguồn nước.

4- Tập trung sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý nhà nước về tài nguyên nước từ tỉnh đến địa phương theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và các công cụ hỗ trợ hiện đại, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý tài nguyên nước. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước.

Nghiên cứu ban hành quy chế phối hợp chặt chẽ, phân công, phân cấp quản lý giữa các ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý tài nguyên nước. Tổ chức quản lý lưu vực sông theo địa giới hành chính, lấy lưu vực sông, địa bàn cấp xã là đơn vị cơ bản để thực hiện các hoạt động quản lý và sử dụng tài nguyên nước.

5- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ngành chức năng; phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của mặt trận và tổ chức đoàn thể các cấp đối với việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước.

Xử lý nghiêm túc, kịp thời những hành vi vi phạm trong hoạt động khai thác, quản lý và sử dụng tài nguyên nước theo đúng quy định của pháp luật, tiến tới chấm dứt tình trạng vi phạm trong thời gian tới. Nghiên cứu, ban hành

quy định về biện pháp chế tài trong xử lý các hành vi vi phạm và định mức thu phí xả nước thải; trước mắt, tổ chức thực hiện thí điểm tại một số vùng có điều kiện.

6- Khuyến khích đẩy mạnh việc nhân rộng các mô hình sản xuất sử dụng nước tiết kiệm, có hiệu quả, các mô hình tái sử dụng nước, dự trữ nước trên phạm vi toàn tỉnh, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng còn nhiều khó khăn về nguồn nước.

V- Tổ chức thực hiện

1- Các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, ban cán sự đảng, đảng đoàn có trách nhiệm chỉ đạo việc tổ chức quán triệt Nghị quyết nhằm tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, sâu sắc cả về nhận thức và hành động trong toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp Nhân dân. Xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết phù hợp với từng ngành, địa phương, đơn vị; xem việc quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và đưa vào tiêu chí để xem xét, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm.

2- Đảng đoàn HĐND tỉnh lãnh đạo việc rà soát, điều chỉnh, xây dựng văn bản cụ thể hóa các quy định của Trung ương liên quan đến lĩnh vực quản lý và sử dụng tài nguyên nước nhằm tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc giám sát thực hiện Nghị quyết.

3- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định, quyết định thuộc thẩm quyền trong lĩnh vực quản lý và sử dụng tài nguyên nước; chú trọng đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả trong toàn thể cán bộ, đảng viên, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

4- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước; đồng thời, thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội trong việc tham gia công tác quản lý tài nguyên nước.

5- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn việc triển khai, quán triệt Nghị quyết; chủ trì phối hợp các cơ quan chức năng định hướng cơ quan thông tin, truyền thông thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nội dung Nghị quyết; kịp thời phát hiện, phản ánh những việc làm hay, điển hình tốt trong công tác quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh, nhất là các mô hình sử dụng nước theo hướng tổng hợp, tiết kiệm, hiệu quả, mô hình tái sử dụng nước, mô hình dự trữ nước...

6- Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các ban xây dựng Đảng của tỉnh ủy có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện; định kỳ hàng năm có báo cáo đánh giá kết quả và kịp thời đề xuất giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các nội dung Nghị quyết đề ra.

Nghị quyết này phổ biến đến các chi, đảng bộ.