Hoạt động của Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình dự lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông

Tối 18-11, tại Hà Nội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia tới dự và phát biểu tại lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông (TNGT) năm 2016.

Theo thống kê, tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày TNGT cướp đi sinh mạng của 24 người và làm khoảng 60 người lâm vào cảnh tàn phế suốt đời, trong số đó có cả những em nhỏ vô tội.

Phát biểu tại lễ tưởng niệm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nêu rõ, TNGT để lại hậu quả rất khủng khiếp đối với mỗi gia đình và toàn xã hội. Những di chứng thương đau của TNGT là nỗi ám ảnh không thể xóa nhòa trong ký ức của mỗi người thân, bạn bè người bị nạn, những người trực tiếp chứng kiến TNGT, chứng kiến ánh mắt tuyệt vọng của trẻ thơ khi phải chia lìa cha, mẹ hay hình ảnh những người bố, người mẹ tiễn đưa con mình về nơi chín suối.

Mỗi người Việt Nam cần phải nhận thức nghiêm túc về tác hại khôn lường của tai họa này đến toàn bộ tiến trình vươn lên của dân tộc, đến sự phát triển lành mạnh của giống nòi. Đến lúc chúng ta cần phải dũng cảm và chân thành nhìn thẳng vào sự thật là trong mỗi TNGT, có cả lỗi và trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng và Nhà nước.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hãy vì niềm thương xót những người đã mất mà hành động cho sự an toàn của những người đang sống. Hãy vì những mầm non, chủ nhân tương lai của đất nước, mỗi người trong chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa với quyết tâm sắt đá và khát vọng khôn nguôi về một xã hội yên bình, không còn nỗi đau do TNGT.

Phó Thủ tướng kêu gọi các cơ quan hữu quan, các đơn vị, tổ chức, cá nhân và toàn thể nhân dân vì sự phát triển của đất nước, vì mạng sống của bản thân, vì tương lai của con cháu mình, hãy làm tất cả những gì có thể để giao thông ở nước ta ngày càng phát triển theo hướng văn minh, hiện đại và an toàn hơn.

Chúng ta hãy sống có ý thức, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, đồng thời chung tay chia sẻ những tổn thất, mất mát của các nạn nhân, gia đình nạn nhân TNGT, để những tai nạn thương tâm không bao giờ xảy ra, để mỗi ước mơ của em nhỏ không còn dang dở và để mỗi sớm mai, khi bước ra đường không còn phải lo sợ, phấp phỏng vì TNGT.

Gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến tất cả các gia đình có nạn nhân tử vong do TNGT, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng các vị đại biểu đã đặt hoa, thắp nến và dành một phút tưởng niệm những người đã mất do TNGT.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc tại Đắk Nông

Chiều 18-11, tại Đắk Nông, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh về tình hình kinh tế, xã hội địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra những gợi ý cụ thể về định hướng phát triển của địa phương.

Ghi nhận những nỗ lực của đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Đắk Nông trong phát triển kinh tế xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các lĩnh vực y tế, giáo dục của tỉnh đạt được những kết quả tương đối tốt so với mặt bằng chung ở khu vực Tây Nguyên. Bên cạnh những lợi thế, Đắk Nông cần nhận diện rõ những khó khăn để có hướng tháo gỡ.

“Đối với địa bàn như Đắk Nông, việc nghiên cứu, phát huy tiềm năng cần khẩn trương nhưng không vội. Cái gì chưa chín muồi để làm thì chuẩn bị, kể cả lợi thế địa lý, khoáng sản, cây nông nghiệp… Chúng ta phải làm từng bước”, Phó Thủ tướng nói và gợi ý về việc ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từng bước khai thác tiềm năng du lịch dựa trên di sản, văn hóa, lợi thế thiên nhiên để thu hút những nhà đầu tư có tiềm lực thực sự.

Phó Thủ tướng lưu ý, điểm rất quan trọng với Đắk Nông là giữ ổn định an sinh xã hội, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo, chăm lo y tế giáo dục văn hóa y tế cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; bảo đảm sắp xếp, bố trí người dân di cư có chỗ ở, sản xuất ổn định…

Cụ thể, trong lĩnh vực giáo dục, Phó Thủ tướng nhấn mạnh sự khác biệt của giáo dục ở những tỉnh như Đắk Nông là thuyết phục người dân cho con trẻ đi học đầy đủ; đầu tư từ bậc mầm non; tập trung cho mô hình nội trú, giữ học sinh không bỏ học, để thời gian các cháu sinh hoạt ở trường dài hơn.

“Tôi rất mừng khi biết tinh thần tiết kiệm của các đồng chí là giáo viên dù giữ chức hiệu trưởng hay hiệu phó cũng trực tiếp đứng lớp”, Phó Thủ tướng nói.

Về y tế, cùng với những kết quả ban đầu, Phó Thủ tướng gợi ý tỉnh Đắk Nông xem xét nghiên cứu thí điểm mô hình trạm y tế xã thực hiện chức năng "bác sỹ gia đình" là khám chữa bệnh ban đầu và theo dõi, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân tại cơ sở. Ngoài khám, sơ cứu, điều trị bệnh thông thường, trạm y tế xã làm chức năng đấu nối, làm thủ tục, tư vấn cho người dân đi khám chữa bệnh tại tuyến huyện, tỉnh huyện. Ngoài kinh phí từ ngân sách nhà nước, trạm y tế xã sẽ nhận thêm kinh phí từ Bảo hiểm xã hội dành cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Đắk Nông tiếp tục quan tâm, có phương án sử dụng hiệu quả con em đồng bào dân tộc đi học theo diện cử tuyển. Đối với các kiến nghị khác của của tỉnh Đắk Nông, Phó Thủ tướng giao các bộ ngành nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo cơ chế thuận lợi nhất cho Đắk Nông phát triển.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại Đắk Nông

Ngày 19-11, dự lễ kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) tại trường THCS xã Đắk Plao, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam bày tỏ niềm xúc động khi trò chuyện với các em học sinh, thầy, cô giáo.

Gửi lời chúc đến toàn thể các thầy, cô giáo trên cả nước nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, Phó Thủ tướng đặc biệt chia sẻ với các thầy, cô giáo đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, địa bàn đặc biệt khó khăn như ở Đắk Plao. Đây là những người đã vượt qua rất nhiều khó khăn trong cuộc sống kể cả vật chất lẫn tinh thần để mang tri thức tới những vùng đang còn rất gian khó, để các cháu học sinh dù là người dân tộc nào, dù đến từ đâu, cũng được học hành đầy đủ.

Trường THCS Đắk Plao đóng trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn Đăk Plao với hơn 20 cán bộ giáo viên và 169 học sinh. Là ngôi trường xa trung tâm, trong đó học sinh chủ yếu là người dân tộc thiểu số, thầy cô giáo nhà trường đã khắc phục khó khăn, không ngừng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ với tỉ lệ 80% đạt trình độ trên chuẩn, 20% giáo viên đạt chuẩn. Tập thể giáo viên nhà trường đã nỗ lực vượt qua khó khăn, bám trường bám lớp và dạy dỗ cũng như động viên các em học sinh đến trường.

Phó Thủ tướng chia sẻ: “Điều làm tôi rất xúc động là khi hỏi các thầy, các cô có nguyện vọng gì không thì không có một ai nói về nguyện vọng cá nhân, mặc dù tôi biết rằng các thầy cô còn rất vất vả, khó khăn”.

Trong câu chuyện với Phó Thủ tướng, những thầy, cô giáo ở Đắk Plao, từ người đã công tác mấy chục năm đến các thầy, cô trẻ mới ra trường, đều chỉ mong rằng các cháu học sinh ở xa có cơm trưa để có thể đến trường học tập. Những cháu có hoàn cảnh gia đình còn nghèo, còn khó khăn thì có đủ gạo, đủ cơm để được đi học. Nhìn các cháu hôm nay được uống sữa từ chương trình Sữa học đường, nhiều thầy cô nói chỉ mong chương trình được kéo dài.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Đất nước rất cần những nhà khoa học giỏi để đào tạo ra nhiều thạc sĩ, tiến sĩ. Nhưng để có được điều ấy, chúng ta không quên là cũng cần những người thầy mang con chữ đến những nơi khó khăn nhất, với mong ước giản đơn là để tất cả các cháu, các con đều được học và học giỏi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Ngày hội Đại đoàn kết tại Đắk Nông

Ngày 19-11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tại xã miền núi Quảng Khê, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông - xã miền núi đặc biệt khó khăn, là nơi sinh sống của 23 dân tộc anh em.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và nhân dân xã Quảng Khê đã ôn lại truyền thống đoàn kết của dân tộc, chiến thắng nhiều thiên tai địch họa, giành được độc lập, giữ vững được đất nước, đổi mới để ngày hôm nay dù còn nhiều khó khăn nhưng đất nước đã có bước phát triển rất toàn diện.

"Xã Quảng Khê có thể nói là một điển hình trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ bà con dân tộc đã sống ở đây bao đời đến những bà con dân tộc đến từ khắp các miền trong cả nước, cùng đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau phát triển kinh tế-xã hội, dần từng bước thoát khỏi đói nghèo, ổn định về xã hội", Phó Thủ tướng biểu dương.

Thời gian tới, đảng bộ, chính quyền, nhân dân đồng bào các dân tộc xã Quảng Khê, huyện Đắk Glong cũng như toàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục nỗ lực, sáng tạo và đặc biệt luôn đoàn kết phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, phát huy truyền thống, làm giàu thêm những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc.

"Tôi xin chúc đồng bào, bà con Quảng Khê luôn thật mạnh khỏe, mong sao ‘mưa thuận, gió hoà’ để kinh tế phát triển, người khá rồi thì khá giả hơn, người nghèo thì bớt nghèo và lá lành hơn thì đùm lá rách. Chúng ta cùng nhau phát triển, thi đua cùng các xã khác trong huyện, giữa các huyện trong tỉnh và toàn tỉnh Đắk Nông thi đua với cả nước", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Đại học Xây dựng

Ngày 19-11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã dự lễ kỷ niệm 60 năm đào tạo, 50 năm thành lập trường và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất của Đại học Xây dựng.

Đại học Xây dựng thành lập năm 1966, trên cơ sở Khoa Xây dựng thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội trong 10 năm (1956-1966).

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai cho Đại học Xây dựng, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chúc mừng và biểu dương những kết quả mà các thế hệ lãnh đạo, các nhà giáo, viên chức và sinh viên nhà trường đã đạt được trong 60 năm qua.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có ý nghĩa quyết định trong việc nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, khắc phục thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư xây dựng.

Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, giáo dục và đào tạo nói chung, đào tạo trong lĩnh vực xây dựng nói riêng còn nặng về lý thuyết, nhẹ thực hành, chưa chú trọng đúng mức đến giáo dục đạo đức lối sống và kỹ năng mềm; thiếu gắn kết với nghiên cứu khoa học, sản xuất kinh doanh và nhu cầu của thị trường lao động; mô hình quản trị đại học còn chậm đổi mới.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trước hết, Đại học Xây dựng phải tập trung đào tạo cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho các nhiệm vụ trong đầu tư xây dựng.

Nhà trường cũng phải đổi mới mô hình quản lý, phát huy mạnh dân chủ trong tổ chức và hoạt động, tiếp cận các tiêu chuẩn hiện đại của các trung tâm giáo dục đại học lớn trong khu vực và quốc tế. Sớm có kế hoạch cụ thể để hướng tới mô hình trường đại học công lập tự chủ, tự chịu trách nhiệm để tháo gỡ những rào cản phát triển hiện nay. Phải thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình, giáo trình, bảo đảm tăng tỉ lệ thực hành, phát triển kỹ năng mềm, năng lực ngoại ngữ cho sinh viên.

Theo Phó Thủ tướng, nhà trường cũng cần tiếp tục tập trung phát triển, kể cả mở mới các ngành đào tạo mà xã hội đang có nhu cầu nhân lực lớn và nhà trường đã có nhiều kinh nghiệm như kiến trúc, xây dựng dân dụng và công nghiệp. Về lâu dài, cần phát triển, mở thêm các ngành có gắn kết chặt chẽ với yêu cầu của thực tiễn phát triển như quy hoạch, đô thị, hạ tầng kỹ thuật, kinh tế xây dựng, vật liệu xây dựng...

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đặc biệt lưu ý Đại học Xây dựng phải chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học trong nước và quốc tế để nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo tiên tiến, từng bước tiệm cận với trình độ của khu vực và thế giới.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp đoàn Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế

Chiều 19-11, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tiếp Đoàn đại biểu Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) do Chủ tịch Hiệp hội Tadateru Konoé dẫn đầu nhân dịp Đoàn đến Việt Nam dự lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao và ghi nhận sự giúp đỡ tích cực và hiệu quả của IFRC và Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ đối với Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và nhân dân Việt Nam, nhất là những người dân dễ bị tổn thương, nạn nhân chiến tranh, nạn nhân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa trong nhiều năm qua.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Việt Nam là quốc gia chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng nghiêm trọng. Mấy tháng vừa qua, miền Trung Việt Nam đã trải qua nhiều trận lũ lụt lớn. Phó Thủ tướng mong muốn Hiệp hội sẽ quan tâm, tăng cường kêu gọi sự trợ giúp quốc tế cho những người dân bị thiệt hại bởi lũ lụt, thiên tai. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo.

Theo Phó Thủ tướng, hiện nay hòa bình, hợp tác là xu hướng chính trong quan hệ quốc tế, bên cạnh đó vẫn còn những xung đột, chiến tranh xảy ra nên các hoạt động nhân đạo là hết sức ý nghĩa. Chính phủ Việt Nam sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các hoạt động nhân đạo của Hiệp hội cũng như trong quan hệ hợp tác, hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Chủ tịch IFRC Tadateru Konoé các thành viên trong Đoàn đã tận mắt chứng kiến những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, cũng như sự lớn mạnh của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Ông Tadateru Konoé cho rằng, trong quá trình hoạt động nhân đạo cũng như tăng cường hợp tác và mở rộng quan hệ quốc tế, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam.

Trong thời gian tới, IFRC sẽ tiếp tục sát cánh và hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong hoạt động nhân đạo, đáp ứng yêu cầu ứng phó với sự cố, thiên tai.

Nguồn Văn phòng Chính phủ