Hoạt động của các Phó Thủ tướng Chính phủ

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chủ trì cuộc họp về ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh sau sự cố môi trường biển

Ngày 8-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Trưởng Ban chỉ đạo về các giải pháp để ổn định đời sống và sản xuất, kinh doanh cho nhân dân 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển, chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo.

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh: Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc khắc phục sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, nhất là việc xác định đối tượng, thống kê số lượng được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho người dân bị thiệt hại đúng đối tượng, khách quan, minh bạch.

Một trong những mối quan tâm lớn nhất của Phó Thủ tướng Thường trực là việc giải quyết rốt ráo hơn 5.369 tấn hải sản còn tồn kho trong dân sao cho hợp lý, không để lãng phí.

Sau khi trao đổi với các bộ, ngành, địa phương, Phó Thủ tướng chỉ đạo, Bộ TN&MT tổ chức tiêu huỷ đối với 966 tấn hải sản không bảo đảm an toàn thực phẩm và bồi thường 100% giá trị; đối với hơn 4.000 tấn hải sản bảo đảm an toàn thực phẩm nhưng chưa tiêu thụ được thì giao các địa phương tổ chức tiêu thụ và được hỗ trợ 30% giá trị; đối với gần 100 tấn hải sản an toàn nhưng đã quá hạn sử dụng thì chuyển sang chế biến thức ăn chăn nuôi, được hỗ trợ 70% giá trị. Các bộ, ngành, địa phương phải có trách nhiệm giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện vấn đề này.

Việc hỗ trợ sinh kế cho người dân 4 tỉnh miền Trung, Phó Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cố gắng hoàn thành nhanh, báo cáo Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo trong thời gian sớm nhất.

Đối với số tiền mà Công ty Formosa bồi thường thì thực hiện đúng quy định về bồi thường và hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình lồng ghép phát triển kinh tế-xã hội được thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước cho các địa phương.

Về việc bổ sung đối tượng được hỗ trợ, Phó Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần phải xem xét thận trọng, kỹ lưỡng, khách quan, minh bạch, không để xảy ra không công bằng, dẫn đến những thắc mắc, khiếu nại trong nhân dân, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện.

Với những hạn chế trong triển khai thực hiện vừa qua, Phó Thủ tướng cho rằng còn chậm, tuy từ lý do khách quan, nhưng phải cố gắng khắc phục. Việc hỗ trợ gạo khẩn cấp cho người dân cần được đẩy nhanh hơn nữa.

Phó Thủ tướng lưu ý các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối với quá trình khắc phục sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Theo Bộ NN&PTNT và Bộ TN&MT, tất cả các hải sản khai thác được đã bảo đảm an toàn do kiểm soát tốt việc không khai thác cá tầng đáy biển; vùng biển đã sạch, bảo đảm cho việc tắm biển, du lịch, sản xuất kinh doanh.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết, tới ngày 4/11, các địa phương đã cơ bản hoàn thành việc kê khai, niêm yết, xác định thiệt hại, áp định mức, đồng thời hướng dẫn và giải đáp thắc mắc của người dân.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ đã tạm cấp 3.000 tỷ đồng cho 4 tỉnh. Tính đến ngày 7/11, đã có 2 tỉnh thực hiện chi trả đợt 1 cho người dân (Hà Tĩnh và Thừa-Thiên Huế) với 262 tỷ đồng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững

Ngày 8-11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) phát triển bền vững Việt Nam lần thứ III với chủ đề “Sáng tạo để triển khai các mục tiêu phát triển bền vững”.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc tới các Nghị quyết 19 được Chính phủ ban hành hằng năm - một trong những nghị quyết “dày nhất”, có đầy đủ nhiệm vụ của các bộ, ngành.

Kết quả, cộng đồng quốc tế đã ghi nhận những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Con số gần 91.000 doanh nghiệp được thành lập mới trong 10 tháng của năm 2016 cũng cho thấy môi trường kinh doanh đã được cải thiện. Điều đó chứng tỏ việc xác định những công việc, tiêu chí cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển trong từng năm đối với mỗi ngành, mỗi DN, sản phẩm là rất quan trọng.

“Năm nay, Việt Nam công bố Báo cáo Việt Nam 2035 trong đó có nhiều nội hàm về phát triển bền vững mà hầu hết các nghị quyết của Đảng, Nhà nước gần như đã rất đầy đủ. Vấn đề là phải hành động”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho biết ông đã trực tiếp “phỏng vấn” nhiều người thuộc các giới khác nhau trong xã hội, từ nhà hoạch định chính sách, đến giới trí thức và cả những người dân bình thường như tài xế taxi, bác xe ôm.

Theo đó, hầu như ai cũng biết đến 17 mục tiêu về phát triển bền vững nhưng ít người biết rằng có tới 169 tiêu chí cụ thể. Tương tự, không có nhiều người biết tới 144 tiêu chí cụ thể về năng lực cạnh tranh quốc gia theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Hay 7 nhóm tiêu chí về năng lực sáng tạo do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố cũng không liên quan nhiều đến Bộ KH&CN như nhiều người nghĩ.

“Trong khi đó, nếu các DN dành thời gian lên mạng đọc 169 tiêu chí cụ thể của 17 mục tiêu phát triển bền vững sẽ thấy rất nhiều thứ liên quan đến mình”, Phó Thủ tướng nhìn nhận và thông báo sắp tới Thủ tướng Chính phủ sẽ trực tiếp chủ trì một hội nghị toàn quốc với tất cả địa phương, bộ ngành về môi trường kinh doanh, “trên tinh thần hành động cụ thể, ai có trách nhiệm về cái gì, Nhà nước trách nhiệm việc gì, DN trách nhiệm việc gì, cộng đồng trách nhiệm việc gì…”.

Trao đổi với các đại biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết đang giữ nhiều chức vụ nhưng ông không yên lòng nhất là chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc gia vì phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, cũng như định nghĩa phát triển bền vững là làm sao đáp ứng nhu cầu ngày hôm nay, nhưng không được ảnh hưởng xấu đến việc đáp ứng nhu cầu của ngày mai.

Để làm được điều này, trước hết cần phải tạo không gian phát triển rộng lớn và thuận lợi cho các DN nhằm sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực trên tinh thần “Nhà nước không ôm đồm những việc mà DN, xã hội làm tốt hơn”.

“Có ý kiến cho rằng một loạt DN Nhà nước đang làm ăn có lãi, tại sao lại phải bán. Điều quan trọng mục đích của Chính phủ là thay đổi bản chất quản trị cũng như sứ mệnh của DN Nhà nước để phát triển bền vững chứ không phải kinh doanh kiếm tiền”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Tương tự, với các đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng khẳng định quyết tâm của Chính phủ để các đơn vị này tự chủ, hạch toán thu chi rõ ràng, để không còn bao cấp, không còn chủ quản.

“Đơn cử, thị trường dịch vụ y tế, giáo dục đã mở ra cho DN và Chính phủ rất muốn các DN có năng lực, có ước muốn đầu tư thật vào các lĩnh vực này được tạo điều kiện thuận lợi nhất để đầu tư, đặc biệt là đầu tư theo mô hình doanh nghiệp phi lợi nhuận. Thị trường còn rất lớn. Nếu chúng ta có một tầm nhìn dài hạn thì đây là những lĩnh vực đầu tư rất bền vững”, Phó Thủ tướng nói.

Nguồn Văn phòng Chính phủ