Hoạt động của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ công nhận chức danh Giáo sư và Phó Giáo sư

Ngày 5-11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư (GS), Phó Giáo sư (GS) năm 2016 do Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước tổ chức.

Gửi lời chúc mừng tới 65 nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh GS, 638 nhà giáo, nhà khoa học đạt tiêu chuẩn chức danh PGS, Phó Thủ tướng khẳng định đội ngũ các nhà giáo, nhà khoa học, đặc biệt là các GS, PGS đã đóng góp lớn vào sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp phát triển khoa học - công nghệ nói riêng, sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói tri thức là vốn liếng quý báu, là lực lượng lao động sáng tạo đặc biệt quan trọng, xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ, sức mạnh của dân tộc.

Theo Phó Thủ tướng, yêu cầu phải phát triển nhanh hơn, bền vững hơn của đất nước cùng xu hướng toàn cầu hóa và phát triển mạnh mẽ của khoa học-công nghệ càng khẳng định vai trò và tầm quan trọng của tri thức, đội ngũ trí thức, các nhà giáo, nhà khoa học. Để đất nước vượt lên, không bị tụt hậu cần phải khắc phục cho được những hạn chế, yếu kém đã được nhận diện rất rõ, trong đó có hạn chế về tiềm lực khoa học - công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực.

“Điều này đòi hỏi chúng ta phải đổi mới mạnh mẽ hệ thống sáng tạo quốc gia, đổi mới mạnh mẽ giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và phải đặc biệt chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ trong các cơ sở giáo dục. Ở đây có vai trò vô cùng quan trọng và mang tính quyết định của các GS, PGS”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thời gian sắp tới, Phó Thủ tướng lưu ý việc công nhận đạt tiêu chuẩn bổ nhiệm GS, PGS cần được đổi mới mạnh mẽ, phù hợp với xu thế phát triển của khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo trên thế giới, phù hợp với thông lệ quốc tế về tiêu chuẩn, phương thức đánh giá; bảo đảm tính kế thừa, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” của người Việt./.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dự hội thảo về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Ngày 5-11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dự hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng" do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" (1966-2016).

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế ngoài xã hội, trên diễn đàn, trong các tài liệu báo cáo, các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả trong sách giáo khoa, có những biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, dễ dãi trong phát triển và làm mới tiếng Việt.

“Rất dễ thấy hiện tượng lạm dụng ngôn từ và cách nói từ tiếng nước ngoài. Điều đáng báo động là không có nhiều, không có đủ những phân tích, phê phán và nhắc nhở về những biểu hiện đó”, Phó Thủ tướng nhận xét.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh giữ gìn tiếng Việt là nhiệm vụ được pháp luật quy định và là trách nhiệm của tất cả mọi người, của mỗi người, đặc biệt là của nhà báo, nhà giáo, nhà văn.

Nhắc lại tư tưởng rất sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách nói, cách viết tiếng Việt sao cho ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu đi đôi với phát triển, làm mới, làm giàu tiếng Việt một cách chọn lọc, Phó Thủ tướng chia sẻ: “Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói rất rõ ràng về trong và sáng trong tiếng Việt. Tôi luôn nhớ yêu cầu là phải trong trẻo, không có tạp chất, phải trung thành, sáng tỏ được ý muốn viết, muốn nói. Tôi nghĩ rằng các nhà báo càng phải thấm thía, phải rèn các kỹ năng để thực hiện những yêu cầu này, mỗi phát ngôn, câu văn của nhà báo có tính định hướng và lan tỏa rộng trong xã hội, lan tỏa rất nhanh trong môi trường mạng”.

Lấy ví dụ về một số từ vựng mới được bổ sung vào tiếng Việt nhưng chưa được nghiên cứu và quy định theo quy tắc, Phó Thủ tướng mong muốn ngoài những tham luận có tính khoa học sâu sắc, các cơ quan nghiên cứu về ngôn ngữ, cơ quan quản lý Nhà nước về ngôn ngữ, khoa học, giáo dục và về thông tin, tuyên truyền sẽ đưa ra được nhiều khuyến nghị đối với Nhà nước và xã hội để công việc giữ gìn tiếng Việt trong sáng ngày càng được thực hiện tốt hơn.

Nguồn Văn phòng Chính phủ