Bộ trưởng Bộ Công Thương giải trình những vấn đề Quốc hội quan tâm

Trong phiên hợp toàn thể tại hội trường thảo luận về nội dung kinh tế-xã hội vào sáng 3/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã giải trình, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu quan tâm, đề cập liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước của ngành công thương.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình, làm rõ những vấn đề
mà các đại biểu quan tâm liên quan đến hoạt động quản lý Nhà nước của ngành công thương. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Liên quan đến các dự án còn tồn đọng và còn có vướng mắc, kém hiệu quả mà Bộ Công Thương thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã có báo cáo gửi Quốc hội, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, Chính phủ đã có báo cáo giải trình về các dự án cụ thể. Hiện Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đang tổng hợp, đánh giá, rà soát, kiểm tra một cách triệt để và toàn diện tất cả những vấn đề tồn tại của các dự án còn tồn đọng, có báo cáo cụ thể với Chính phủ về đánh giá thực trạng hiện nay của các dự án; quá trình điều hành thực hiện các dự án đầu tư này; vai trò cũng như trách nhiệm của các cấp quản lý, cũng như của các chủ đầu tư; xác định rõ những biện pháp, giải pháp hiện nay...

Liên quan đến ý kiến của một số đại biểu của Thanh Hóa, Cao Bằng, Tuyên Quang nêu vấn đề về phát triển năng lượng cũng như bảo đảm môi trường cho nhiệt điện, thủy điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định đây là một lĩnh vực được đặc biệt quan tâm. Thực tế trong Tổng sơ đồ 7 hiện nay cũng như đến năm 2020 và 2025 thì các nguồn năng lượng của nhiệt điện (trong đó có nhiệt điện than), thủy điện vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng để bảo đảm cân đối cung cầu cho phát triển của đất nước cả về kinh tế, xã hội và tiêu dùng.

Vì vậy, thời gian qua, mục tiêu, định hướng của Tổng sơ đồ 7 đều khẳng định, bên cạnh việc tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng theo cơ cấu cân đối hài hòa giữa các nguồn năng lượng, đặc biệt là hướng tới nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch, Chính phủ đặc biệt quan tâm chỉ đạo phải tiếp tục bảo đảm vấn đề môi trường trong Tổng sơ đồ 7 và ở đây trước hết là ý thức, tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện bảo vệ môi trường, việc chấp hành nghiêm pháp luật về bảo vệ môi trường; là công tác giám sát thực hiện đầu tư…

Vấn đề công nghệ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, phần lớn các dự án điện đều theo công nghệ tiên tiến của các nước G7. Tuy nhiên, thực tế thời gian vừa qua bộc lộ bất cập chính là vấn đề thiết bị, các tổng thầu, nhà thầu thực hiện không chấp hành và không có điều kiện để thực hiện đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường liên quan đến thiết bị công nghệ đó. Vì vậy, đây là bài học cho các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các chủ đầu tư trong thực hiện pháp luật Nhà nước về bảo vệ môi trường.

Vấn đề bảo vệ môi trường trong ngành điện cũng phải tiếp tục quan tâm tới giải pháp về tiết giảm điện năng, giảm tiêu hao điện, tiếp tục đổi mới các công nghệ sử dụng điện… Đây cũng là nội dung cơ bản trong tái cơ cấu kinh tế và tái cơ cấu lại các ngành công nghiệp, nhất là các ngành kinh tế sử dụng điện năng cao.

Về phát triển sản xuất cũng như mở rộng thị trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay, đây luôn là một nhiệm vụ được ưu tiên. Trên thực tế, Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do. Hiện nay, theo nội dung này, Việt Nam được hưởng thuế suất từ 0-5% với tất cả dòng thuế sản phẩm và có đến 90% sản phẩm của chúng ta đã được ưu đãi xóa bỏ hàng rào thuế quan.

Tuy nhiên, để tiếp cận thị trường, vấn đề quan trọng nhất là cần phải vượt qua hàng rào phi thuế quan, tức là hàng rào hành chính, hàng rào kỹ thuật, trong đó về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật, thực vật… Đây là những nội dung quan trọng cần phải đổi mới căn cơ từ sản xuất thì mới có điều kiện để sản phẩm của Việt Nam tiếp cận thị trường.

Về thông tin thị trường, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần bảo đảm thông tin ở mức vĩ mô, trước hết là phục vụ cho Bộ NN&PTNT và các cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, tái cơ cấu nền kinh tế có hiệu quả. Đồng thời, phục vụ cho các hiệp hội doanh nghiệp, các ngành hàng để chúng ta có quyết sách và đối sách phù hợp trong bối cảnh Việt Nam đang khai thác các cơ hội thị trường của các hiệp định thương mại tự do cũng như trong hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định Bộ Công Thương sẽ tiếp thu ý kiến các đại biểu để có chính sách phối hợp cụ thể với Bộ NN&PTNT trong quy hoạch sản xuất và phát triển các ngành hàng theo chuỗi trên cơ sở đánh giá đầy đủ và kịp thời các thông tin cập nhật thị trường, đặc biệt là những phản ứng và đối sách của thị trường, để từ đó có những định hướng, giải pháp hữu hiệu.

Nguồn: baochinhphu.vn